| Hotline: 0983.970.780

Thảm hoạ từ bãi vàng thổ phỉ Sa Phìn: Chưa xác định còn bao nhiêu người bị vùi lấp

Thứ Hai 09/08/2010 , 11:03 (GMT+7)

Ngay sau khi được tin sạt lở đất và sập hầm vàng tại bãi vàng thổ phỉ Sa Phìn, huyện Văn Bàn đã huy động cả trăm người lên tìm kiếm những người bị nạn.

Trong mấy ngày qua mưa liên tục trút xuống khu vực miền núi phía Bắc, thôn Mà Xa Phìn thuộc xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai hứng chịu nhiều trận mưa kéo dài. Và hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Từ nhiều năm qua, tại đây xuất hiện một bãi đào vàng thổ phỉ rộng cả trăm ha dưới chân rừng nguyên sinh, “vàng tặc” phần đông là những dân nghèo từ các địa phương: Mù Cang Chải (Yên Bái), Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường (Lai Châu), Văn Bàn (Lào Cai)…được những chủ lò từ Thái Nguyên, TP Lào Cai, Văn Bàn…thuê đào đãi vàng. Chính quyền địa phương dường như bất lực trước tình trạng đào đãi vàng trái phép diễn ra tại đây từ nhiều năm qua, cả trăm lều bạt dựng khắp triền núi, chúng vận chuyển máy nghiền đá, máy phát điện nặng vài tấn đặt tại cửa hầm lò vàng, tiếng máy nghiền đá rung chuyển núi.

Những lò vàng thổ phỉ khoét sâu vào lòng núi dài cả trăm mét, ngang dọc như những hang chuột bỗng biến thành những túi đựng nước khổng lồ treo lưng chừng núi chờ bục ra bất cứ lúc nào. Khoảng 13h ngày 5/8/2010 những người đang hí húi đập vỉa, đãi vàng trong khe núi bãi vàng Sa Phìn bỗng nghe đất dưới chân mình rung động rất mạnh như thể động đất, tiếp theo là liên tiếp những tiếng nổ lớn do những tảng đá va đập vào nhau, nước từ các hầm vàng vỡ bung ra kéo theo hàng ngàn khối đất đá từ trên sườn núi đổ xuống như một dòng thác đất đá, cây cối đổ ngổn ngang.

Bãi vàng Sa Phìn dậy tiếng la hét của những người đào đãi vàng: Chạy đi! Lở núi sập hầm vàng rồi…Tiếng đất đá lở ầm ầm nuốt chửng những tiếng người đang kêu khóc dưới chân núi. Cả bãi vàng rực đỏ màu đất như màu máu, những người đào vàng nào còn sống sót mặt mũi bê bết bùn đất lóp ngóp chui ra từ các đống đất, bụi cây tiếng của họ gào khóc, kêu cứu thật hãi hùng. Trận lở núi không chỉ chôn vùi những người đang đập vỉa, đãi vàng dưới chân núi chấn động của trận lở núi còn làm sập nhiều hầm vàng khác khiến những người đang đào vàng trong đó bị vùi lấp.

Trước đó, ngày 29/7 tại bãi vàng thổ phỉ Sa Phìn này anh Lò Văn Sòn, 19 tuổi, trú tại xã Nà Cam, huyện Tam Đường (Lai Châu) bị một hòn đá rơi trúng đầu khi đang đào đất trong hầm vàng chết tại chỗ. Tiếp đó ngày 3/8 chị Trang Thị PLa, 30 tuổi, ở xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) đang gùi quặng từ trên núi xuống thì bị trượt chân rơi xuống vực chết. Như vậy trong 3 lần xảy ra thảm hoạ, ít nhất đã có 9 người chết ở các bãi vàng này.
Ngay sau khi được tin sạt lở đất và sập hầm vàng tại bãi vàng thổ phỉ Sa Phìn, huyện Văn Bàn đã huy động cả trăm người lên tìm kiếm những người bị nạn. Sau một thời gian đào bới đã tìm thấy thi thể các nạn nhân: Lý A Dơ, 20 tuổi-Nậm Xé , Văn Bàn (Lào Cai); Võ Xuân Trung, 20 tuổi, xã Ninh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên); Nguyễn Văn Tiện, 16 tuổi, xã Yên Định, huyện Chợ Mới (Bắc Cạn). Số người bị vùi lấp trong khối đất khổng lồ và trong các hầm vàng thì chưa xác định được là bao nhiêu. Tuy nhiên từ thấy những công cụ đào đãi vàng bắn tung trên sườn núi, bước đầu người ta xác định được 4 người đang mất tích, đều là những người đào vàng thuê. Đến chiều 7/8 đã xác định được danh tính của hai anh em ruột người Mông xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là: Giàng A Sở và Giàng A Vàng, còn hai người khác vẫn chưa biết tên tuổi họ là ai. Như vậy tạm thời có 7 người tử nạn trong vụ sập hầm vàng, dưới đất còn ai nữa không thì chưa rõ.

Ông Giàng A Minh và vợ Giàng A Sở sau khi nghe tin vụ lở núi đã tức tốc từ Mù Cang Chải vượt núi đến bãi vàng Sa Phìn ngay buổi sáng 7/8. Ông Minh đau khổ đứng bên bãi đất ngổn ngang đá cho biết: Nhà mình nghèo lắm, sau khi cấy lúa mùa xong, không có việc gì làm, hai anh em nó rủ nhau lên đây đào vàng mới được hơn mười ngày nay thôi. Cách đây 4 hôm nó còn gọi điện về nhà, bảo với vợ nó: Ở trên này mưa lắm, nước ngập các hầm lò, chủ lò tạm cho nghỉ, nếu còn mưa thì nó sẽ về. Vậy là nó chưa kịp về thì đất đã sập làm nó chết rồi…Ông Minh ngồi xuống hai tay vỗ vào mặt đất gọi thảm thiết: A Sở ơi, A Vàng ơi, hai con có nghe được tiếng bố gọi không? Vợ của Giàng A Sở như người mất hồn, chị cào cấu lên mặt đất gọi tên chồng, nhưng vô vọng, đất nhão nhoét dưới chân chị không một lời đáp.

Cuộc tìm kiếm những người mất tích trên bãi vàng Sa Phìn đến chiều ngày 8/8 vẫn chưa có dấu hiệu gì, trong khi đó trời vẫn xầm xì, mây vần vụ trên các đỉnh núi, mưa có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm