| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Sạt lở + quy hoạch treo, dân nghèo lãnh đủ

Thứ Năm 13/01/2011 , 10:00 (GMT+7)

Chỉ trong thời gian ngắn mà biển đã nuốt chửng 50m chiều rộng và 4km chiều dài bãi biển thuộc xã Quảng Cư (TX Sầm Sơn)...

Hàng vạn khối đất cát và hàng ngàn cây phi lao của rừng phòng hộ khu vực biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang bị triều cường cuốn trôi ra biển. Chỉ trong thời gian ngắn mà biển đã nuốt chửng 50 m chiều rộng và 4km chiều dài bãi biển thuộc xã Quảng Cư (TX Sầm Sơn).

Hàng ngàn hộ dân đang thắc thỏm lo âu trước sự uy hiếp của hà bá. Không chỉ có vậy, người dân nơi đây còn bị “vòng kim cô dự án” kẹp chặt họ gần chục năm nay vẫn chưa thoát ra khỏi.

Khi dân trước miệng hà bá

Theo anh Lê Văn Thắng - thôn Quang Vinh, xã Quảng Cư thì những năm gần đây, nghề kiếm cơm trên biển gặp nhiều khó khăn nên anh đã nhận giao khoán việc trồng và bảo vệ 5ha rừng phi lao phòng hộ. “Mười năm trước, bãi cát cứ bồi cao dần và cát bồi đến đâu thì trồng phi lao ra đến đó. Nhưng vài năm trở lại đây, biển liên tục lấn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhiều tài sản và rừng phi lao của gia đình ra biển. Chỉ trong thời gian ngắn mà diện tích rừng phòng hộ bị biển cuốn trôi 3ha” - anh Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - trưởng thôn Quang Vinh cho hay: “Năm 2010, ở đây không có bão lớn nhưng gió cấp 6, cấp 7 làm triều cường dâng cao và cuốn trôi đi 4 nhà sàn của hộ dân cùng với 16m đường nhựa liên xã nối với đường lớn của thị xã ra biển. Chỉ một năm mà biển lấn sâu vào đất liền trên chục mét”. Ông Dũng chưa dứt lời thì anh Thắng chen vào: “Nếu gió bão cấp 10 trở lên thì toàn bộ khu vực này với trên 2.000 hộ dân của xã Quảng Cư sẽ bị nước biển nuốt chửng lúc nào không hay biết”. Nghe ông Dũng nói mà tôi sởn cả gai ốc. Thế địa phương chưa có cách giải quyết sao? - tôi hỏi. Một cán bộ Sở NN- PTNT Thanh Hóa đi cùng đoàn cho hay: “Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký QĐ phê duyệt số tiền một tỷ đồng để khắc phục sự cố sạt lở bằng những giải pháp tạm thời còn về lâu dài thì phải chờ vốn của TW mới có tiền xây kè chắn sóng được. Biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và đây là một dấu hiệu đáng báo động nhất tại vùng biển Sầm Sơn”.

Để hiểu cụ thể hơn, tôi hỏi anh cán bộ Sở NN-PTNT đi cùng. Anh cho biết: Hiện nay, đoạn bờ biển dài gần 5km phía Nam cửa Hới (sông Mã) thuộc địa phận xã Quảng Cư sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ tính từ tháng 4/2010 đến nay, do ảnh hưởng của triều cường, kết hợp với mưa bão và dòng chảy sông Mã, hơn 4 km bờ đã bị nước biển xâm thực, gây sạt lở, cuốn trôi gần 30ha đất nuôi trồng thủy sản của người dân và đất rừng phòng hộ. Riêng khu du lịch sinh thái Quảng Cư gần bãi tắm C đã bị sóng biển làm sạt lở với chiều dài hơn 1.000m, lấn sâu vào đất liền từ 30-100m làm hơn 15.000m2 rừng phi lao bị biển cuốn trôi. Cụ thể, đường bờ biển từ cửa lạch sông Mã xuống đến khu du lịch Vạn Chài bị nước biển tàn phá, chỗ sâu nhất khoảng 100m, nơi nông cũng gần 40m.

Đồng chí Nguyễn Hữu Bàn - Chủ tịch UBND xã Quảng Cư cho biết thêm: “Hiện tượng sạt lở này đã diễn ra trong nhiều năm, nó xảy ra khi có triều cường kết hợp với gió mùa đông bắc hoặc gió đông nam. Thời điểm biển xâm thực mạnh nhất là từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau. Chính quyền xã và nhân dân đã đóng cọc tre, cột gỗ, chất bao tải cát quai đê, thậm chí đổ cả bê tông gia cố nhưng vẫn không chống được sự xâm thực của nước biển. Tình trạng nước biển xâm thực không những gây ra sạt lở mà còn tràn vào đồng ruộng gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và vùng nuôi trồng thủy sản”.

Dân ở trong nhà xiêu vẹo…

Làm việc với Chủ tịch UBND xã Quảng Cư mới thấy được bao khó khăn chồng chất của dân nghèo nơi đây mà cái khổ nhất là họ sống trong những túp nhà xiêu vẹo, dột nát, không thể tu sửa, làm mới. Toàn xã hiện có 2.200 hộ nhưng có tới 16% hộ nghèo. Trong khi thu ngân sách của toàn xã chưa bén 2 tỷ đồng thì dư nợ ngân hàng của toàn dân là 20 tỷ đồng. Trong xã, phần lớn là người già và trẻ nhỏ, thanh niên và người có sức khỏe thì phiêu bạt vào Nam kiếm sống. Có người Tết cũng không về vì đồng lương quá eo hẹp. Ở quê đi biển thì khó khăn mà dẫm chân trong nhà mãi cũng... chết.

- Nghe nói người dân Quảng Cư ngoài nỗi kinh hoàng bởi sự xâm thực của biển cả còn có sự thống khổ của chính quyền cấp trên? - tôi mạnh dạn hỏi anh Bàn.

- Răng đầu câu chuyện anh đặt vấn đề làm việc sạt lở của biển, giờ lại cua sang chuyện này - anh Bàn lúng túng.

- Vì tôi được biết, cách đây 9 năm, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho một TCty lập dự án khu du lịch sinh thái Quảng Cư với diện tích 350ha (quá ½ diện tích toàn xã). Nghe đâu, sau đó, UBND thị xã Sầm Sơn tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản trên đất rồi ra lệnh cho xã và người dân không được xây dựng, bán, chuyển nhượng hay thay đổi hiện trạng trên đất để thực hiện GPMB. Một năm, hai năm, ba năm rồi đến mãi, dự án vẫn không thấy thực hiện, còn người dân thì cứ thế mà dẫm chân tại chỗ. Khổ một nỗi là hễ ai muốn tu sửa lại nhà cửa là bị chính quyền ngăn cản lại. Cho nên người dân chỉ có nước là vay tiền lãi ngân hàng để đong gạo ăn còn đất đai thì bỏ hoang cho cỏ dại mọc.

Anh Bàn phân trần: “Có chuyện đó thật. Đến năm 2007, TCty này không đủ năng lực tài chính để làm nên tỉnh lại cho Ngân hàng Á châu ACB vào quy hoạch làm du lịch sinh thái. Vậy mà đến nay DA vẫn còn treo đó. Còn nhân dân thì vẫn phải chấp hành việc không xây nhà hay thay đổi hiện trạng gì trên đất. Vì thế, có không ít gia đình bây giờ sống nhồi nhét mấy thế hệ trong một căn nhà xiêu vẹo 15-20m2. Khổ lắm!”.

Khổ là phải. Trước khi đến làm việc với anh, tôi đã đến nhà dân và nghe họ tố khổ. Ông Lường Văn Ngọc, thôn Quang Vinh phản ánh là họ gặp rất nhiều khó khăn cả về đồng vốn và cơ chế. Nếu như bây giờ ông ấy có 30 triệu đồng và được phép cải tạo nâng cấp thì hàng năm sẽ thu được hàng trăm triệu đồng. Dân chúng họ muốn làm giàu lắm. Ông Lê Văn Muộn - cán bộ phụ trách sản xuất, thủy lợi của xã kể: “Người dân sống trên đất nhà mình là đất có chủ nhưng lại không có quyền”.

Ông Muộn nói trong sự uất ức rồi đứng dậy chỉ vào căn nhà 2 gian cấp 4 thấp lè tè khoảng vài chục mét vuông và nói: “Từ khi bị thị xã Sầm Sơn kê biên nhà, đến nay chúng tôi đều phải sống trong cảnh cực khổ như vậy. Trời mưa, vợ chồng dùng ni lông che nhưng che không nổi. Mà riêng gì nhà tôi, 2/3 hộ dân xã Quảng Cư mấy năm qua đều sống trong cảnh ấy. Chúng tôi muốn tu sửa lại nhà cửa, cải tạo lại ruộng vườn cũng không được. Tôi muốn nâng cấp ao để nuôi tôm, muốn làm một mái che để chăn thả 1.000 con vịt nhưng không được”.

Còn vợ chồng già Nguyễn Hữu Ối (71 tuổi) và Lê Thị Tuất ở trên khuôn viên đất rộng, nếu theo giá hiện nay, ông bà có thể cắt bán đi một nửa cũng đủ để xây được căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt thế nhưng nay đang là một hộ cực nghèo của xã. Ông Ối là lính chống Mỹ nay bệnh hiểm nghèo mà đói khổ quanh năm, nhà cửa thì dột nát. Mưa thì treo ni lông, nắng thì ra bụi cây trú. Khi chúng tôi đến, hai vợ chồng lọ mọ dựng nghiêng đi một cái giường để có chỗ cho khách đứng vì nhà rộng chưa đầy 15m2 nhưng có tới 7 người sinh sống trong đó.

“Đặt vào hoàn cảnh người dân, chúng ta mới thấy được tận đáy lòng của họ về những mong muốn thiết tha chính đáng. Thực tình là chúng tôi cũng rơi vào thế bí” - Chủ tịch Bàn trầm ngâm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm