| Hotline: 0983.970.780

Thủy chiến sông Lô

Thứ Năm 03/04/2014 , 09:40 (GMT+7)

Dân cứ ném đá, còn tàu cuốc vẫn ầm ầm khai thác. Suốt đêm như vậy, đến sáng hôm sau dòng sông Lô tan nát, nước chuyển màu đỏ quạch. Tàu cuốc tạm nghỉ cũng là lúc người dân thất thểu trở về.

Từ mấy năm nay, sông Lô chảy qua địa bàn xã Sầm Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chẳng khác gì đại công trường khi thác cát sỏi. Được cấp phép có, khai thác trái phép cũng có. Trong khi chính quyền có dấu hiệu ủng hộ việc khai thác cát sỏi thì dòng sông Lô ngày đêm bị tàn phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, SX của người dân.

Trắng đêm canh đất

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại bãi soi Dù Dì nằm trên địa phận thôn 4 và thôn 5 xã Sầm Dương, nơi diễn ra những cuộc chiến tranh chấp hết sức nóng bỏng, nơi mà người dân địa phương cả ngày lẫn đêm tập trung đánh đuổi ... cát tặc. Ho lập lán trại dã chiến, đất đá, gạch sỏi trở thành vũ khí. Họ đang làm mọi cách để giữ diện tích đất canh tác trù phú từ bao đời nay.

Bãi bồi ven sông Lô vốn là diện tích đất nông nghiệp mà người dân xã Sầm Dương trồng ngô. Rất nhiều hộ dân Sầm Dương đang sống dựa vào diện tích đất ngày càng ít ỏi này. Bởi như lời ông Nguyễn Công Khanh, một người dân ở thôn Đồng Tâm thì ngày trước, cái bãi bồi ven sông còn rộng lắm. Nhưng từ khi có nạn khai thác cát, diện tích đất sản xuất cứ hẹp dần.

Dân tình lo lắng vô cùng. Đất thì cứ mất dần, mà đâu chỉ có thế. Từ khi UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho các DN khai thác cát, việc sản xuất của người dân gặp nhiều cản trở. Đặc biệt là khoảng thời gian hơn một tháng trở lại đây. Khi sông Lô chẳng khác gì một công trường thì cũng là lúc nhiều hộ dân phải bỏ bê hết công việc hàng ngày để tập trung đánh đuổi cát tặc, giữ đất.

Người dân Sầm Dương chia thành từng đội, lập lán trại chẳng khác gì thời chiến. Vũ khí là sỏi đá. Hễ nghe tiếng kẻng báo động có tàu khai thác cát là họ chạy rầm rập ra bờ sông, có khi lên đến cả trăm người. Từ thanh niên cho đến cụ già, em nhỏ. Ngày chạy đã đành, đang đêm có tiếng kẻng cũng ùa ra.

Một số người còn thể hiện quyết tâm bằng việc ngủ lại lều để theo dõi, khi phát hiện tàu cuốc có thể báo động cho người dân một cách nhanh nhất. Ông Hà Đình Hùng, trưởng thôn Đồng Tâm (thôn 5, xã Sầm Dương) nói rằng, đất canh tác đang dần bị thu hẹp vì sạt lở. Trong khi đó nạn khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ. Mỗi ngày có hàng chục chiếc tàu múc cát ở lòng sông, ban đêm có khi múc vào tận bờ.

19-23-30-anh-song-lo-3192914256
Tàu cuốc khổng lồ tàn phá sông Lô

Chứng kiến cuộc chiến bảo vệ đất đai của người dân Sầm Dương ai cũng thấy hãi hùng. Mỗi khi tàu cát xuất hiện, người dân dùng đất đá ném xuống ào ào nhằm xua đuổi. Nhưng xem chừng, cách “chiến đấu” thủ công này không hiệu quả lắm. Ném liên tục thì may ra máy móc dừng khai thác, nhưng chỉ được một lúc, sểnh ra tàu thuyền lại tiếp tục. Thậm chí, nhiều thời điểm dân ném thì cứ ném, tàu hút cát vẫn cứ hút.

Để mục sở thị cuộc chiến bảo vệ đất bãi soi của người dân, chúng tôi ngồi chờ từ sáng đến tối ở bãi soi Dù Dì. Trời vừa chập choạng, từng chiếc tàu cuốc đã hoạt động ầm ầm, pha sáng rực cả một khúc sông. Vâng. Chỉ một khúc sông thôi mà có đến hàng chục chiếc tàu cuốc quần thảo, nhìn qua chẳng khác gì đại công trường cả.

Từng chiếc, từng chiếc một vươn những vòi bạch tuộc ngoằng ngoẵng cắm xuống sông hút cát. Trông rất khủng khiếp, vậy mà những người dân ở Sầm Dương vẫn bảo thế này là còn ít. Cao điểm, có những khi dòng sông tập hợp hàng trăm chiếc tàu các loại.

Manh động hơn, khi không có mặt người dân, đội quân khai thác cát còn cho tàu tiến sát bờ để khai thác. Nhiều người nói rằng, sở dĩ đội quân khai thác cát dám liều lĩnh đối đầu với số đông người dân địa phương là do họ cũng có một đội quân bảo kê sẵn sàng nghênh chiến.

Dân cứ ném đá, còn tàu cuốc vẫn ầm ầm khai thác. Suốt đêm như vậy, đến sáng hôm sau dòng sông Lô tan nát, nước chuyển màu đỏ quạch. Tàu cuốc tạm nghỉ cũng là lúc người dân thất thểu trở về để nghỉ ngơi. Ngày này qua ngày khác, chẳng ai làm nổi việc gì.

Bất cập, khuất tất và nhiều lo ngại

Được biết, khu vực sông Lô chảy qua xã Sầm Dương từng cấp phép cho một DN khai thác cát sỏi từ trước năm 2010. Một thời gian, khi DN kia hết thời hạn khai thác thì nạn cát tặc, khai thác trộm hoành hành đảo điên, thường xuyên xảy ra những cuộc hỗn chiến kinh hoàng trên sông Lô.

19-23-30-anh-song-lo2192915659Sông Lô bị sạt lở

Để giải quyết thực trạng hỗn loạn đó, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục cấp phép cho một DN là Công ty Tân Hà khai thác. Điều đáng nói là khi Tân Hà làm hồ sơ xin thăm dò và cấp phép khai thác cát sỏi đã có ý kiến lo ngại về việc ảnh hưởng đến đê điều, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của người dân nhưng không hiểu sao Sở TN-MT vẫn tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho DN này?

Tại khu vực sông Lô chảy qua xã Sầm Dương , năm 1986 từng xảy ra một vụ vỡ đê kinh hoàng. Năm 2010 lại xuất hiện những vết nứt dài tới 70m. Vậy mà không hiểu vì lý do gì UBND tỉnh Tuyên Quang lại cấp phép cho DN Tân Hà.

Để hợp thức hóa các thủ tục hồ sơ kịp khai thác, Công ty Tân Hà đã hoàn thành những công đoạn cuối cùng là đền bù cho mỗi hộ dân 20 triệu đồng. Mất đất thì đã rõ, nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến đê điều khiến người dân lo nơm nớp.

Cụ thể, trong văn bản số 592/SNN/TL của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang gửi Sở TN-MT tỉnh này vào ngày 1/4/2013 có ghi rõ: Vị trí khu vực dự kiến xin thăm dò khai thác cát sỏi trên sông Lô thuộc địa bàn xã Sầm Dương nằm trong khu vực có tuyến đê dài 4,87km, bảo vệ cho 158 ha đất sản xuất nông nghiệp và trên 1.970 nhân khẩu.

Năm 2010 tại khu vực này đã xảy ra sạt lở bờ sông và hình thành vết nứt dọc chân đê. Vì vậy Sở NN-PTNT đã đề nghị Sở TN-MT yêu cầu DN xin khai thác thăm dò phải tuân thủ quy định, cam kết. Một lãnh đạo của cơ quan liên quan trong Sở NN-PTNT (xin được giấu tên) thẳng thắn rằng bản thân ông không muốn UBND tỉnh cấp phép.

Trong tờ trình và hồ sơ đề nghị xin khai thác, cao trình từ đáy sông của DN này khác hoàn toàn so với đo đạc của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù vậy, theo ông này, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm vì lợi nhuận từ việc khai thác cát trên sông Lô không nhỏ.

Khi làm việc với NNVN, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Văn An từng khẳng định: Hiện tại Công ty Tân Hà vẫn chưa được phép khai thác  vì chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục  theo quy định của pháp luật (cụ thể là chưa có hợp đồng thuê đất).

Chúng tôi đã phản ánh lại rằng, nếu như thế thì Công ty Tân Hà đã qua mặt Sở TN-MT tỉnh Tuyên Quang vì họ đã tổ chức khai thác rầm rộ rồi. Nghe phản ánh của PV, người đứng đầu Sở TN-MT tỉnh Tuyên Quang thủng thẳng: "Nếu có việc Công ty Tân Hà đang khai thác tại bãi soi Dù Dì, xã Sầm Dương thì đó chính là hành vi khai thác trái quy định". Và rất lạ ở chỗ, ông An thừa nhận Sở TN-MT tỉnh Tuyên Quang chưa biết việc này.

Lạ nữa, cái cách ông An lí giải cũng hết sức khó hiểu: Sở TN-MT không có người nên không thể thường xuyên kiểm tra các DN được cấp phép hoạt động ra sao, như thế nào.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm