| Hotline: 0983.970.780

Trại gà giống Phùng Dầu Sơn

Thứ Năm 22/11/2012 , 10:28 (GMT+7)

Trại gà giống Phùng Dầu Sơn ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vẫn trụ vững trong khi nhiều trại gà giống khác "sống dở chết dở".

Trong khi các trại gà giống nhiều nơi "sống dở chết dở" vì chi phí thức ăn tăng cao, dịch bệnh hoành hành...; nuôi không có lãi. Nhưng trại gà giống Phùng Dầu Sơn ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vẫn trụ vững, giống bán "chạy vù vù"...

Nuôi gà... sinh thái

Chúng tôi tình cờ biết đến trại gà giống Phùng Dầu Sơn qua một người bạn thân khi đang nhậu nhâm nhi thưởng thức món gà hấp chanh, do chính tay đầu bếp "cây nhà là vườn" trổ tài. Nhậu cho đến gần say mềm bạn tôi mới tiết lộ cho cả đám biết, thịt gà mà ai cũng tấm tắc khen ngon là gà ri của trại Phùng Dầu Sơn được hắn mua giống về thả nuôi.

Từ đó, chúng tôi đã lần theo địa chỉ trên tìm đến trang trại này. Trại nằm sâu tít bên rìa núi, cách khá xa khu dân cư thuộc thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân. Trước mắt tôi hiện ra một trại gà quy mô rộng đến hàng chục héc-ta, xung quanh được bao bọc bởi tường cao và cây xanh phủ kín. Không hẹn mà đến. Nhưng may mắn cho chúng tôi là được gặp chính chủ trang trại- ông Phạm Đình Phùng.

Ông Phùng đã có thâm niên nuôi con gà 30 năm. Năm 1982 ông tốt nghiệp chuyên ngành chăn nuôi - thú y, Trường Đại học Tây Nguyên. Sau đó làm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tại Tỉnh đội Đăk Lăk với nhiệm vụ tăng gia SX, đáp ứng nhu cầu lương thực cho bộ đội. Năm 1991, ông chuyển công tác tại Ban Kinh tế của Tỉnh đội Khánh Hòa đến khi về hưu.


Ông Phùng giới thiệu khách tham quan trang trại gà

Mặc dù là sĩ quan quân đội, nhưng ông vẫn tranh thủ làm thêm kinh tế, nuôi gà công nghiệp tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang), thu nhập cũng khá. Tuy nhiên năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát, UBND TP Nha Trang vận động người nuôi di dời gia cầm ra vùng ngoại ô. Từ đó ông đã mua 5 ha đất rẫy tại thôn Dầu Sơn để phát triển đàn gà nuôi theo hướng mới đó là, nuôi gà theo mô hình sinh thái.

Ông đã "tạo dựng" một tiểu vùng khí hậu sinh thái bằng cách trồng hơn 1.500 cây sao xung quanh trang trại, hiện cây phát triển chiều cao từ 3 - 5m. Trại gà lúc nào cũng mát mẻ, vì cây sao có đặc điểm không rụng lá theo mùa nên quang hợp rất tốt, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra ông còn đào ao chứa nước, trồng sen, thả cá...

Thu nhập 1 tỷ/năm

Ông Phùng cho biết: Trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục phát triển đàn gà của mình lên đến 25 ngàn con để tạo nguồn giống cho các địa phương. Bên cạnh đó tiếp tục trồng thêm cây sao để phủ xanh toàn bộ diện tích trang trại, vì trong chăn nuôi môi trường là yếu tố quan trọng để nuôi thành công. Hiện giống gà Phùng Dầu Sơn có mặt trên thị trường từ tỉnh Thừa Thiến - Huế cho đến Mỹ Tho. Số lượng đặt hàng gà giống ngày tăng, người nuôi rất hài lòng.

Ông Phùng cho biết thêm, trước đây ông chuyên nuôi gà công nghiệp đẻ trứng, tuy nhiên về sau mô hình này không còn mang lại lợi nhuận cao. Trong khi đó thị trường có xu hướng tiêu thụ mạnh gà ta. Ở Khánh Hòa, giống gà này ngày càng thoái hóa. Vì vậy ông đã đưa ra ý tưởng chọn tạo giống gà ri, nuôi tập trung để cung cấp giống cho thị trường.

Ông lặn lội tìm về các vùng sâu, vùng xa ở các xã Ninh Xuân, Ninh Sim… (Ninh Hòa) để tìm tòi và nhân giống. Cho đến nay, hơn 7 năm nhân giống, đàn gà ri của ông đã lên tới 16.000 con, trong đó 5.000 con bố mẹ thuần chủng và 11.000 con lai bố mẹ chọn lọc chuẩn bị cho đẻ để nhân đàn.

Với phương pháp nuôi gà tập trung dưới tán cây xanh, nuôi sinh sản kết hợp nuôi thương phẩm trên diện tích chuồng trại 35.000 m2, có 7 dãy chuồng (5.000 m2/dãy). Mỗi tháng ông xuất bán gà giống cho thị trường khoảng 70.000 - 80.000 con, với giá từ 15.000 - 18.000 đ/con, sau khi trừ tất cả chi phí, thu nhập bình quân mỗi năm lãi 1 tỷ đồng.

Trang trại gà giống Phùng Dầu Sơn của ông còn tạo công ăn việc làm cho 26 lao động, với mức thu nhập ổn định bình quân từ 3 - 5 triệu đ/người/tháng. Ông Phan Công Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Tân đánh giá cao về trại gà này, không chỉ SX quy mô lớn, quy trình nuôi khép kín, mà còn chú trọng cao trong công tác bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.