Tiêm vacxin và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ
Đầu tháng 3 năm nay, ông Hà Thanh Tùng ở thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định) thả nuôi hơn 2.000 con gà. Sau 45 ngày, trời trở nắng nóng gay gắt, đàn gà của ông Tùng bỗng có dấu hiệu chậm lớn do bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Để giải nhiệt cho đàn gà, ông Tùng bố trí 4 máy quạt lớn đặt chung quanh chuồng, thường xuyên phun nước lên mái chuồng để hạ nhiệt, đồng thời cho gà uống bổ sung vitamin C. Bên cạnh đó, ông Tùng còn tăng cường vệ sinh, tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, tiêm đầy đủ các loại vacxin để đàn gà tăng khả năng miễn dịch.
“Thời điểm này vào năm ngoái thời tiết không nắng nóng gay gắt đến thế này. Mùa này năm ngoái khí trời dịu hơn nhờ có mưa xen kẽ. Năm nay từ Tết đến giờ trên địa rất vắng mưa, nắng nóng khắc nghiệt hơn mọi năm, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của đàn gà”, ông Tùng chia sẻ.
Bước vào mùa nắng nóng, anh Huỳnh Tiến Thảo, ở thôn Nam Tượng 2, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) phải lắp đặt nhiều quạt gió cùng hệ thống phun sương làm mát mái chuồng heo. Nhờ đó, 30 con heo nái sinh sản và 150 heo thịt của anh mới có thể chống chịu được cái nắng nóng gay gắt năm nay.
“Ngoài các biện pháp làm mát, mỗi ngày tôi còn vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh để đảm bảo nền chuồng sạch sẽ, khô ráo, tạo sự thoải mái cho đàn heo. Nhờ được bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng, nên đàn heo của tôi vẫn phát triển tốt giữa thời tiết khắc nghiệt”, anh Thảo cho hay.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, toàn tỉnh hiện có gần 700.000 con heo (không tính heo con theo mẹ), hơn 9,6 triệu con gia cầm, trong đó đàn gà chiếm hơn 83% và hơn 301.000 con bò. Hiện, thời tiết ở Bình Định nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến vật nuôi bị giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan trên đàn vật nuôi.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, nhận định: Dịch cúm gia cầm, dịch tả vịt, bệnh gumboro và bệnh Newcastle trên gà, dịch tả heo Châu Phi, heo tai xanh, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng, bệnh cảm nóng, cảm nắng... là những loại bệnh dễ phát sinh trong mùa nắng nóng.
"Người chăn nuôi không nên lơ là, chủ quan, cần phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ thú y về cách phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa nắng nóng. Trong đó, việc tiêm phòng vacxin được xem là giải pháp quan trọng, là cách phòng bệnh tốt nhất cho đàn vật nuôi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp khuyến cáo.
Bổ sung dinh dưỡng và nuôi mật độ phù hợp
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định), từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng thú y cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát lâm sàng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh trên gia súc, gia cầm để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng.
Để hạn chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời tiết khắc nghiệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định hướng dẫn bà con chăn nuôi cho vật nuôi ăn thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin, đặc biệt là phải đảm bảo có đủ nước uống cho vật nuôi.
Nếu trâu, bò chăn thả vào buổi sáng phải được đi sớm và về sớm, chăn thả vào buổi chiều nên đi muộn và về muộn để tránh nắng nóng. Về chăn nuôi gia cầm, trong mùa này cần nuôi với mật độ phù hợp, gà úm 50-60 con/m2, gà có trọng lượng từ 0,5-1kg/con cần nuôi mật độ 20-30 con/m2, gà có trọng lượng 2-3kg/con cần được nuôi với mật độ 7-10 con/m2.
“Đối với gà đẻ, người chăn nuôi nên tránh cho gà quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. Heo nái mật độ nuôi nhốt 3-4m2/con, heo thịt 2m2/con và cung cấp nước uống đầy đủ. Chuồng trại chăn nuôi phải thông thoáng để thoát nhiệt. Người chăn nuôi cần bố trí hệ thống cửa, quạt để thông gió, hoặc lắp đặt hệ thống phun sương.
Đặc biệt, chuồng trại cần vệ sinh, tiêu độc sát trùng thường xuyên và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho vật nuôi; chủ động bổ sung khoáng, vitamin, dinh dưỡng theo tiêu chuẩn...”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định khuyến cáo.