| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo

Thứ Hai 06/05/2024 , 08:17 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Bình Dương đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 9/4/2024, cả nước xảy ra 77 ổ bệnh dại trên động vật tại 27 tỉnh, thành phố, với 229 động vật mắc bệnh bị chết và tiêu hủy. Ảnh: Trần Phi.

Từ đầu năm 2024 đến ngày 9/4/2024, cả nước xảy ra 77 ổ bệnh dại trên động vật tại 27 tỉnh, thành phố, với 229 động vật mắc bệnh bị chết và tiêu hủy. Ảnh: Trần Phi.

Dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người. Khi người và động vật đã mắc bệnh và phát triệu chứng đều dẫn đến tử vong. Trên 90% nguồn lây truyền bệnh chủ yếu từ chó, mèo mắc dại.

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết, bệnh dại được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Theo Hệ thống Quản lý thông tin Dịch bệnh động vật Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến ngày 9/4/2024, cả nước xảy ra 77 ổ dịch dại trên động vật tại 27 tỉnh, thành phố, với 229 động vật mắc bệnh chết và tiêu hủy.

Trong đó, các tỉnh lân cận Bình Dương gồm Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Vì vậy, Sở NN-PTNT Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 25/03/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030" trên địa bàn.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tổ chức thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo (định kỳ, bổ sung), bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn nuôi được thống kê, giai đoạn năm 2023 - 2025 và từ 80% trở lên trong giai đoạn năm 2026 - 2030.

Tăng cường giám sát bệnh dại trên động vật với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư, kịp thời chia sẻ thông tin với ngành Y tế khi có các ca bệnh dại trên đàn chó, mèo. Báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu bệnh dại trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) của Cục Thú y.

Các nhân viên thú y tiêm vacxin phòng, ngừa bệnh dại cho chó, mèo. Ảnh: Trần Trung.

Các nhân viên thú y tiêm vacxin phòng, ngừa bệnh dại cho chó, mèo. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dại. Xây dựng, cung cấp nội dung tuyên truyền hỗ trợ cho các địa phương tuyên truyền qua đài phát thanh các cấp. Rà soát, tổ chức xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn y tế kịp thời chia sẻ, trao đổi thông tin chính xác với cơ quan Thú y ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn (trong vòng 24 giờ). Tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh dại theo quy định.

Đảm bảo việc tiếp cận vacxin phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Kiểm tra và xử lý theo đúng quy định đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng phương pháp chưa được công nhận, thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

Trước đó, vào sáng 12/4, tại TP. Thủ Dầu Một, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ Mít tinh phòng, chống bệnh dại năm 2024. Tại buổi Mít tinh, Ban tổ chức đã tiêm vacxin phòng ngừa bệnh dại miễn phí cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tiến hành diễu hành, phát động phòng, chống bệnh dại trên một số tuyến đường trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một.

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương thông tin về các giải pháp phòng ngừa bệnh dại. Ảnh: Trần Phi.

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương thông tin về các giải pháp phòng ngừa bệnh dại. Ảnh: Trần Phi.

“Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025, trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030, xây dựng được thêm ít nhất 2 vùng an toàn bệnh dại cấp huyện. 100% các huyện, thị, thành phố có điểm tiêm vacxin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người, 100% số người tiêm vacxin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia”, ông Hồ Trúc Thanh thông tin.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.