| Hotline: 0983.970.780

Trồng nhãn theo phương pháp mới

Thứ Tư 26/07/2017 , 09:30 (GMT+7)

Vừa qua, anh Nguyễn Văn Phi ở xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, Hưng Yên được Ban tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất, cấp bằng chứng nhận “Trồng cây ăn quả theo phương pháp mới”.

Phương pháp trồng cây ăn quả mới của anh Phi là: Trồng 3 - 5 cây nhãn giống/1 hốc theo thế chân kiềng, trong đó có 1 cây giống là nhãn chất lượng cao (cây chính), các cây còn lại đều là giống nhãn chất lượng thấp (cây phụ).

08-39-02_cy_nhn_trong_3_goc_roi_ghep_p_to_thn_tn
Cây nhãn trồng ba gốc rồi ghép tạo thân tán

Sau trồng hơn 2 tháng, khi các cây giống đã sinh trưởng ổn định, tiến hành ghép áp các cây giống với nhau ở vị trí thân cây mang màu bánh tẻ. Sau 1 tháng, khi điểm tiếp hợp của vết ghép đã tương thích, cắt bỏ ngọn các cây nhãn phụ, để lại cây nhãn chính. Cây nhãn chính được nuôi bởi 3 - 5 bộ rễ gốc, nên sinh trưởng, phát triển khoẻ gấp bội so với cây nhãn trồng 1 hốc/1 cây.

Chỉ sau 1 năm xuống giống, mỗi cây nhãn trồng theo phương pháp mới, đã có thể cho tới 10kg quả, tương đương gần 1 tạ thóc. Sau 2 năm bộ tán cây đã có thể lớn gấp 3 lần bộ tán cây nhãn trồng 1 cây/1 hốc. Theo đó, năng suất quả cũng gia tăng tương ứng.

Từ năm thứ 3 trở đi vườn nhãn đã chuyển sang thời kỳ khai thác kinh doanh cao sản. Tuy nhiên, do cây nhãn trồng theo phương pháp mới sinh trưởng rất khoẻ, nên cần phải gia tăng cân đối đủ lượng phân bón các loại và theo dõi phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.

Kết quả, trồng nhãn theo phương pháp mới, đã rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây từ 5 - 6 năm xuống còn 3 năm. Khả năng chống đổ của nhãn rất tốt vì có thêm bộ rễ từ các cây phụ trợ. Mở ra triển vọng mới cho nghề thâm canh cây ăn quả nói chung, cây nhãn nói riêng.

Bên cạnh sáng tạo ra kỹ thuật trồng nhãn mới, anh Phi còn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm điều khiển cho cây nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Và làm chủ mọi kỹ năng chiết, ghép nhân giống nhãn.

Theo anh Phi, để cho nhãn ra hoa đậu quả, nên khống chế lộc đông trên cây từ sau tiết Đông chí. Nếu khống chế lộc đông sớm hơn tiết Đông chí, cây nhãn sẽ ra hoa sớm, gặp mưa xuân làm ướt phấn hoa, ảnh hưởng đến khả năng đậu quả, năng suất quả trên cây, có thể gây mất mùa.

Trên các giống nhãn, thì giống T2; T6; Hương chi, có thể dùng Kaliclorat (KCN03) để điều khiển cho cây nhãn ra hoa, các giống Đường phèn, Muộn Khoái Châu phải dùng phương pháp xiết nước, chặn rễ, khoanh vỏ thân/cành mới hiệu quả.

Bằng những biện pháp kỹ thuật nêu trên, vườn nhãn nhà anh Phi chỉ sau trồng 3 năm đã cho thu 4 - 5 tấn quả/1 mẫu 3.600m2. Và hầu như không năm nào bị mất mùa.

Trò chuyện với chúng tôi anh Phi tâm sự: Sở dĩ anh đi sâu làm chủ nhiều kỹ thuật trên cây nhãn là do, khoảng đầu năm 1990, khi đi mua nhãn giống để trồng trong vườn nhà, anh đã bị mua phải cây giống “rởm”. Thay vì, oán trách người bán, anh Phi đã tìm mua sách báo hướng dẫn về kỹ thuật chiết ghép nhân giống cây nhãn, rồi tự mày mò gieo hạt, tuyển các mắt nhãn ngon ở địa phương để lai ghép cây giống. Sau nhiều lần lai ghép nhãn thất bại, cuối cùng anh cũng tự sản xuất thành công nhãn giống trồng cho gia đình.

Trong chiết, ghép nhân giống cây nhãn, anh Phi cũng có nhiều kỹ năng vượt trội như, có thể ghép cây trong mọi điều kiện thời tiết (trừ khi đang mưa), tỷ lệ mắt sống sau mắt ghép vẫn đạt trên 90%, hoặc ghép cải tạo giống cho vườn nhãn ngay lên đoạn thân/cành cây mới cắt có đường kính tới 15cm, mắt nhãn vẫn tiếp hợp tốt, sinh trưởng rất khoẻ (quy trình ghép cải tạo trên cây nhãn hiện nay là, cắt bỏ ngọn thân/cành, chờ vết cắt trên cây ra mầm và phát triển thành cành mới màu bánh tẻ, tiếp tục cắt bỏ ngọn cành mới, rồi tiến hành ghép mắt giống theo yêu cầu, quá trình này cần thời gian 4 - 6 tháng).

Ngoài ra, anh Phi cũng là một trong số rất ít người trên miền Bắc sản xuất thành công cây mít giống bằng phương pháp ghép mắt.

Càng phấn khởi hơn, sau hơn 20 năm, một trong số các cây nhãn do anh tự ghép trồng và chăm sóc, đã được Hội đồng bình tuyển nhãn lồng Hưng Yên cấp bằng công nhận là cây nhãn giống đầu dòng của tỉnh. Phát huy thành quả đạt được, anh Phi đã mở thêm nghề sản xuất, kinh doanh cây nhãn giống, mỗi năm sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 5.000 cây nhãn giống ưu tú các loại, ước thu đạt trên 100 triệu đồng.

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.