Trung Quốc nóng mặt
Trong bài bình luận trên Tân Hoa Xã, Trung Quốc cho rằng Mỹ cần từ bỏ “tư duy đã lỗi thời như thời Chiến tranh lạnh” nói trên. Theo Tân Hoa Xã, Mỹ và Trung Quốc nên điều chỉnh mối quan hệ giữa đôi bên nhằm tránh gây xung đột đặc biệt về kinh tế và thương mại, có thể dẫn tới cả hai phía đều tổn hại.
Ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa bắt tay nhau ở Bắc Kinh |
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu mỗi năm. Bắc Kinh cũng hướng tới thúc đẩy hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo bà Hoa, Trung Quốc “không đánh đổi sự phát triển của mình bằng lợi ích của các quốc gia khác”, nhưng cũng sẽ bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc.
“Là hai quốc gia lớn, việc Trung Quốc và Mỹ có những sự không đồng thuận là hết sức tự nhiên. Trung Quốc mong muốn chung hoà bình với mọi quốc gia khác, trong đó có Mỹ và Mỹ cần thích ứng cũng như chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc”-bà Hoa cho biết.
Theo bà Hoa, Mỹ cần từ bỏ tư duy cuộc chơi theo kiểu “kẻ thắng, người thua”, thay vào đó là mối quan hệ hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Trong thông cáo phát đi vào tối muộn ngày 19/12 (giờ Mỹ), đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng Mỹ một mặt khẳng định hướng tới phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc nhưng mặt khác, lại “dán nhãn” đối thủ đối với nước này. Tân Hoa Xã hôm qua dẫn lời ông Stephen Hadley, cố vấn an ninh dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W Bush cho biết, đặc trưng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.
“Tôi cho rằng đôi bên mối quan hệ vừa hợp tác và cạnh tranh này để đảm bảo nó không biến thành đối đầu hoặc xung đột”-chuyên gia Stephen Hadley cho biết.
Đối thủ hơn là đối tác
Trong Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump, Trung Quốc bị xem là một “quốc gia xét lại”, đối thủ thách thức quyền lực của Mỹ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là một cách tiếp cận cứng rắn và mạnh mẽ so với những đánh giá trước đây của Mỹ đối với Trung Quốc.
Nó phần nào phản ánh đúng cái nhìn của ông Trump và Trung Quốc: một đối thủ làm tổn hại tới lợi ích của Mỹ, đặc biệt ở góc độ kinh tế. Là một doanh nhân xuất thân, ông Trump rõ ràng không chấp nhận được khoản thâm hụt ngân sách lên tới hàng trăm tỉ USD mỗi năm, cụ thể là 347 tỉ USD năm 2016.
Chuyến công du Bắc Kinh vừa qua của ông Trump dù được đôi bên tô vẽ với nhiều mỹ từ nhưng không giấu được thực tế cạnh tranh gay gắt phía sau. Một ví dụ cụ thể là ngay sau khi ông Trump về nước. Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng gỗ mềm xuất khẩu của Trung Quốc, bất chấp phản ứng của Bắc Kinh.
Nội dung bản Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump cũng đụng tới một loạt “lợi ích cốt lõi” Trung Quốc luôn rêu rao, như các tuyên bố chủ quyền trái phép ở Biển Đông. Washington cũng không giấu ý định thúc đẩy hợp tác an ninh, quân sự với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, động thái thường xuyên bị Bắc Kinh xem là nhằm kiềm toả sự vươn ra của Trung Quốc. Với từng đấy sự đụng chạm, theo SCMP, Washington và Bắc Kinh đang hướng tới một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa đôi bên với sự đối đầu có thể tăng lên.