| Hotline: 0983.970.780

Trường nghề khấp khởi

Thứ Hai 20/04/2015 , 09:22 (GMT+7)

Ngày 1/7/2015 tới, Luật số 74/2014/QH13 về Giáo dục Nghề nghiệp được Quốc hội khóa 13 thông qua chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới.

Bao năm chịu thiệt

Theo Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục cũ, bậc dưới đại học phân làm hai hệ gồm: Cao đẳng chính quy, trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lí, cấp bằng; cao đẳng nghề (CĐN), trung cấp nghề (TCN) do Bộ LĐ-TB&XH quản lí, cấp bằng.

Với việc phân loại rõ ràng giữa hai hệ như trên, các chế độ chính sách, cách gọi, bậc lương, bằng cấp… của giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên dạy, học tại hai hệ này hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, dạy tại trường CĐ chính quy sẽ được gọi là giảng viên, nếu dạy ở trường CĐN chỉ được gọi là giáo viên. Với học viên cũng vậy, nếu học hệ chính quy được gọi là sinh viên khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân, kỹ sư còn học hệ CĐN chỉ được gọi là học sinh và khi tốt nghiệp trên bằng ghi là cao đẳng nghề, trung cấp nghề.

Mặc dù chưa có bằng chứng hay kết quả khảo sát độc lập nào chứng minh giữa học sinh, sinh viên học tại trường chính quy, chuyên nghiệp và CĐN, TCN có sự khác nhau về trình độ, tay nghề, song có một thực tế là những người theo học CĐN, TCN luôn bị thiệt hơn khi ra trường bởi bị xếp lương theo bậc như công nhân.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện xây dựng Việt Xô (TX Tam Điệp, Ninh Bình) chia sẻ: Do lịch sử nhà trường được sáp nhập từ rất nhiều đơn vị khác nhau nên hiện có tới 3 Bộ quản lí.

Trong đó, Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ quản, Bộ LĐ-TB&XH quản lí dạy nghề các cấp và Bộ GD-ĐT quản lí hệ trung cấp chuyên nghiệp. Việc có quá nhiều đầu mối quản lí như hiện tại khiến các thủ tục liên quan tới hành chính, giấy tờ của nhà trường vô cùng rườm rà và mất thời gian.

Bên cạnh đó, theo thầy Bình, các chế độ tiền lương và cách gọi khiến các giáo viên làm công tác giảng dạy tại trường nghề gặp rất nhiều thiệt thòi. Nếu như dạy hệ CĐ chính quy được gọi là giảng viên, được thi giảng viên chính, giảng viên cao cấp và kèm theo đó là chế độ về tiền lương, song dạy tại trường CĐN chỉ được gọi là giáo viên và bậc lương áp theo hệ THPT.

Quả thực, theo khảo sát của chúng tôi, phần do quy định của nhà nước, phần do tâm lí của xã hội thích học ra để làm thầy hơn làm thợ nên suốt thời gian dài hệ CĐN, TCN luôn bị lép vế hơn so với hệ CĐ chính quy hay trung cấp chuyên nghiệp.

Bằng chứng là sau mỗi kỳ thi, hầu hết các em học sinh sau khi xét tuyển hết nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, thậm chí 3 không đỗ mới quay sang đi học trường nghề. Chính sự mất cân bằng này khiến thời gian gần đây thị trường lao động rơi vào cảnh thừa thầy thiếu thợ hoặc phải làm trái ngành trái nghề với tỉ lệ rất lớn.

Cần bình đẳng

Chúng tôi tiến hành khảo sát nhanh một số trường CĐN, nhận được sự đồng thuận rất cao về Luật số 74/2014/QH13 Giáo dục Nghề nghiệp.

Thầy Lại Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế công nghệ và chế biến lâm sản (Hà Nam) đánh giá, Luật Giáo dục Nghề nghiệp có nhiều điểm mới tiến bộ khi cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm: Trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp; Trường TC; Trường CĐ được tổ chức theo 3 loại hình: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, không còn phân biệt chính quy, chuyên nghiệp với dạy nghề nữa.

Thứ hai, trước đây, đào tạo nghề chỉ có phương thức đào tạo theo niên chế, bây giờ Luật quy định rõ trong tổ chức quản lý đào tạo có thêm 2 phương thức đào tạo mới theo tích lũy mô đun và tích lũy tín chỉ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quyền lựa chọn phương thức đào tạo theo điều kiện của từng cơ sở.

Người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, có thể học nhiều nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực. Ngoài ra, người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh.

Còn theo chia sẻ của thầy Nguyễn Đức Thắng - Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Tây Bắc (Hòa Bình), Luật mới rất linh hoạt về thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ còn từ 1 - 2 năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế.

Khi Luật số 74/2014/QH13 chính thức có hiệu lực, sẽ không còn khái niệm CĐ chính quy, TC chuyên nghiệp hay CĐN, TCN nữa mà mọi trường đều bình đẳng như nhau. Sau khi tốt nghiệp, HSSV sẽ được cấp bằng cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành tùy vào ngành mình theo học.

Đối với người có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa THPT. Đây là nội dung mang tính tự chọn và rất tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển, bởi nội dung văn hóa THPT không trở thành nội dung bắt buộc đối với người học như quy định của Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục cũ.

Tương tự, quan điểm của Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Hồng Nam cũng là nhận xét chung của hầu hết lãnh đạo các trường nghề, trong 10 điểm mới căn bản của Luật Giáo dục Nghề nghiệp, thể hiện rõ nhất là việc hợp nhất giữa hàn lâm và đào tạo nghề làm một.

Điều đó giúp người học có quyền lợi, chế độ như nhau ở mỗi trình độ đào tạo, đồng thời vị thế của các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp bình đẳng, tạo nên sự thống nhất trong hệ thống đào tạo ở 3 cấp trình độ.

“Đặc biệt, những điểm mới trong Luật giúp cho các trường nghề thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh, thu hút người học.

Bởi vì người học tại các trường nghề cũng giống như học tại các trường hàn lâm trước đây, được tham gia làm việc tại các cơ sở hành chính.

Hiện nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo nghề của các DN là rất lớn, trong khi đó các cơ sở dạy nghề lại đáp ứng được yêu cầu này, chính vì vậy chúng tôi tự tin rằng, đầu ra của HSSV tại các trường nghề (kỹ sư thực hành) sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với trường hàn lâm trước kia”, Hiệu trưởng CĐN Cơ điện xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Hồng Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.