Thuận lợi vì đã có kinh nghiệm
Trữ lượng thủy sản ở các vùng biển của nước ta đang suy giảm. Điều này đặt ra vấn đề chuyển đổi từ khai thác sang nuôi biển tự nhiên nhằm đảm bảo sinh kế cho cộng đồng cư dân, vừa bảo tồn, vừa bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nước ta có khoảng 500.000 ha mặt nước có thể nuôi biển. Trên thực tế, có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển nhưng chia thành 4 vùng chính. Vùng thứ nhất ở phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. Vùng thứ 2 ở Duyên hải miền Trung, vùng này có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam bộ.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,5 triệu m³ lồng nuôi biển. Trong đó, nuôi biển tăng 5,5%, gồm 4,3 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm và 57 nghìn ha nuôi nhuyễn thể.
Tổng sản lượng nuôi biển năm 2023 đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022, gồm: Cá biển 46 nghìn tấn; tôm hùm 3,8 nghìn tấn; nhuyễn thể 440 nghìn tấn; đối tượng khác 300 nghìn tấn.
“Hơn nữa, phát triển nuôi biển không phải là mới, chúng ta đã có những kinh nghiệm nhất định, đã giải quyết được một số vấn đề như công nghệ về giống, kỹ thuật nuôi. Đứng cả về góc độ tự nhiên và kinh nghiệm, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển", TS. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ; công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Chia sẻ về tiềm năng của nuôi biển Việt Nam, TS. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, với bờ biển dài và vùng đặc quyền kinh tế lớn, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển.
Bên cạnh đó, các đối tượng nuôi biển hiện nay của nước ta cũng rất phong phú, từ cá, giáp xác, nhuyễn thể đến các loài rong biển… Có những đối tượng có thể nuôi gần bờ, có những đối tượng có thể nuôi xa bờ, có những đối tượng có thể làm thực phẩm, nhưng cũng có những đối tượng có thể cung cấp nguyên liệu cho các ngành khác.
Ngoài ra, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản biển đang ngày càng gia tăng ngay tại thị trường nội địa, khi mức sống ngày càng tăng cao, thu nhập cải thiện, không những đối với nhu cầu thực phẩm, mà còn có thể làm nguyên liệu để phục vụ cho các ngành hàng khác như dược phẩm, mỹ phẩm… Đấy là cơ sở thuận lợi để chúng ta phát triển.
Quan tâm hơn đến vấn đề đầu ra
TS. Phạm Anh Tuấn nêu vấn đề: “Không phải hôm nay chúng ta mới bàn đến câu chuyện phát triển nuôi biển mà đã có mong muốn này cách đây mấy chục năm rồi. Tôi nhớ không nhầm thì trước đây có Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 - 2010, trong đó đặt mục tiêu đạt 200.000 tấn cá biển/năm. Đúng là nuôi biển nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng tại sao đến nay vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng?”.
Trả lời cho câu hỏi này, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng, có nhiều “điểm nghẽn” cản trở việc phát triển nuôi biển. Thứ nhất, đối với nuôi biển gần bờ, đã tận dụng gần như tối đa diện tích mặt nước để phát triển nuôi các đối tượng, dẫn tới nhiều vấn đề liên quan đến dịch bệnh và môi trường phát sinh.
Thứ hai, một số đối tượng nuôi biển hiện tại của chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn tự nhiên, nhất là cá tạp.
Thứ ba, có một số đối tượng nuôi biển chúng ta đang chủ động nuôi nhưng vấn đề thị trường lại chỉ dừng ở một chừng mực nào đó thôi. Ví dụ như cá mú, chúng ta chủ động nuôi được nhưng thị trường không phải là lớn. Trái lại, với những đối tượng có thể nhìn thấy thị trường rộng lớn thì chúng ta lại chưa chủ động được các công nghệ để phát triển quy mô.
Thứ tư, nuôi biển gần bờ đã quá tải, nuôi xa bờ còn không gian để phát triển, nhưng không phải ai cũng có thể mạnh dạn đầu tư, bởi nuôi xa bờ đòi hỏi vốn lớn, công nghệ tốt và đầy mạo hiểm, rủi ro, phải dám chấp nhận thách thức.
“Tất cả những yếu tố trên khiến cho nuôi biển Việt Nam đến thời điểm hiện nay chưa đạt được như kỳ vọng”, TS. Phạm Anh Tuấn khẳng định.
Trước những thách thức như vậy, TS. Phạm Anh Tuấn đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ để nuôi biển bứt tốc, như: Đầu tư khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề con giống; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp thu hút doanh nghiệp nuôi biển xa bờ; đặc biệt cần lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với thị trường.
“Nhà nước phải hoạch định, lựa chọn một số đối tượng có tiềm năng, phù hợp với nhu cầu thị trường để đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu nhằm phát triển con giống, thức ăn và xây dựng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi cho những đối tượng này”, TS. Phạm Anh Tuấn nói.