| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp xanh bên dòng sông huyền thoại

Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

Thứ Ba 30/04/2024 , 08:45 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Gần cuối chiều, trời đã nhạt nắng, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đưa chúng tôi ra vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của xã. Những con đường cát ngang dọc, những hồ nuôi tôm, nuôi cua gợn sóng, gió thổi mát rượi. Khoát tay một vòng rộng, ông Phúc bảo: "Hồi chiến tranh chống Mỹ, nơi đây là vùng bị bắn phá dữ dội suốt ngày đêm. Vùng này trước đây chi chít hố bom. Sau này, bà con tận dụng luôn những hố bom để làm nơi nuôi tôm, cua, cá… Rồi từ đó, đã hình thành nên khu nuôi trồng thủy sản như hôm nay”.

Những hố bom chi chít ngày nào nay đã trở thành vùng nuôi trồng thủy sản, mang lại thu nhập cao cho người dân xã Bắc Trạch. Ảnh: T. Đức.

Những hố bom chi chít ngày nào nay đã trở thành vùng nuôi trồng thủy sản, mang lại thu nhập cao cho người dân xã Bắc Trạch. Ảnh: T. Đức.

Ao nuôi thủy sản từ những hố bom

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, đến phà Gianh, nhìn sang bên bờ nam sông Gianh là một vùng đồng bằng ngút tận chân trời. Nơi này cũng từng là “tọa độ lửa” của bom đạn Mỹ để ngăn phương tiện vận chuyển quân lương vào chiến trường miền Nam, để lại những hố sâu lớn nhỏ liền kề. Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông Gianh thay cho những chuyến phà thì bà con ở xã Bắc Trạch tiến ra vùng “tọa độ lửa” năm nào để be bờ, đắp bao, biến những hố bom thành nơi nuôi con cá, con tôm. Dần dà, những vuông nuôi tôm, hồ thả cua… đã thay thế để đưa những vết tích chiến tranh đi vào ký ức.

Để hỗ trợ bà con, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành nên khu nuôi trồng thủy sản tập trung bên bờ sông Gianh - nơi sát bến phà oanh liệt đã đi vào lịch sử. Trên vùng ven sông Gianh, hơn 90ha nuôi thủy sản đã thành vùng, thành thửa với hệ thống đường giao thông nội vùng, hệ thống kênh mương dẫn nước và tiêu nước, hệ thống điện lưới…

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch cho hay: “Bà con ở đây nuôi xen canh. Trong hồ nuôi thường có cả 3 loại gồm tôm, cua, cá. Mỗi tầng nước có một loài lấy thức ăn. Trung bình mỗi ha hồ nuôi có doanh thu trên 200 triệu đồng và cho bà con lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm”.

Chúng tôi trò chuyện với anh Nguyễn Viết Hưng, hộ có 2 hồ nuôi thủy sản, mỗi hồ có diện tích 3.400m2, xung quanh có giăng lưới B40 làm hàng rào bảo vệ. Hiện một hồ anh Hưng thả cá đối mục và thả cua. Hồ thứ hai anh dùng để thả nuôi tôm. Theo anh Hưng, đây là năm đầu tiên anh Hưng áp dụng nuôi tôm hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất anh mua giống tôm bột về ương ngay tại khu trại. Hồ thả tôm giống được quây kín bằng lưới. Hàng ngày, anh Hưng đều kiểm tra tình hình sinh trưởng của tôm giống. "Hiện tôi thả được 16 vạn con. Tôm đã đạt chuẩn để đưa ra hồ lớn. Vụ này, khoảng 100 ngày tính từ ngày thả sẽ đưa vào thu hoạch. Khi chuẩn bị thu hoạch tôi đưa tôm bột về ương giống, khi thu hoạch xong lứa tôm thẻ thì vệ sinh hồ và tiếp tục thả giống để kịp thu hoạch vào dịp Tết”, anh Hưng cho hay.

Hiện nay, người dân xã Bắc Trạch đã áp dụng công nghệ số, nuôi tôm 2 giai đoạn cho hiệu quả cao, ít rủi ro. Ảnh: T. Đức.

Hiện nay, người dân xã Bắc Trạch đã áp dụng công nghệ số, nuôi tôm 2 giai đoạn cho hiệu quả cao, ít rủi ro. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo anh Hưng, hiện anh đã đưa công nghệ mới vào nuôi thủy sản, các khâu xử lý nước bằng men vi sinh, khởi động máy tạo oxy, bơm nước vào hồ và tháo nước đều sử dụng qua phần mềm cài đặt trên điện thoại.

Anh Hưng giải thích thêm: “Hiện quản lý, chăm sóc ở 2 hồ nuôi chỉ mình tôi thôi. Đang ở nhà tôi cũng có thể quan sát ở vùng hồ. Các hoạt động của thiết bị phục vụ cho ao nuôi đều được điều khiển qua điện thoại chứ không cần trực tiếp đến hồ nuôi. Như vậy vừa tiết kiệm được nhân công, vừa quản lý ao nuôi tốt hơn”.

Những hộ gia đình điển hình trong khu nuôi thủy sản của xã Bắc Trạch như anh Phan Văn Vạnh (thôn 1), Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Văn Tam (thôn 4)… đều có diện tích hồ nuôi khoảng 1ha và đều có thu nhập cao hàng năm. Nững gia đình này cũng luôn áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, để tận dụng mặt nước hai bên bờ sông Gianh (đoạn qua bến phà Gianh ngày trước), nhiều bà con đã đề xuất với chính quyền lập hồ sơ để phát triển nuôi hàu. Ông Nguyễn Ngọc Phúc chia sẻ: “Đây cũng là hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương chúng tôi trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tính toán kỹ về môi trường nuôi, vị trí thuận lợi để tạo điều kiện cho bà con. Làm sao để nghề nuôi mới này tạo nên được cú hích cho việc mở rộng đối tượng nuôi và thu nhập cao, ổn định, an toàn cho bà con”.

Vững vàng nông thôn mới kiểu mẫu

Cách đây 9 năm, xã Bắc Trạch đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng. Thời gian qua, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Bắc Trạch đã tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang cảnh quan…

Một tuyến đường giao thông nông thôn sạch đẹp ở xã Bắc Trạch. Ảnh: T. Đức.

Một tuyến đường giao thông nông thôn sạch đẹp ở xã Bắc Trạch. Ảnh: T. Đức.

Ông Ngô Xuân Trường, Trưởng thôn 1 chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Do đó, bà con nhân dân thôn chúng tôi rất hưởng ứng việc đóng góp công sức để xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Không chỉ thôn 1, người dân các thôn khác cũng tự nguyện đóng góp hàng chục ngày công trồng cây, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, Ông Nguyễn Văn Hùng (người dân thôn 1) cho hay: “Ngoài ngày công, gia đình tôi cũng đã ủng hộ 5 triệu đồng mua cây xanh, đồng thời vận động con đang làm việc ở nước ngoài hỗ trợ số tiền hơn 270 triệu đồng để xây dựng cổng làng và mua loa máy phục vụ bà con trong thôn”.

Người dân xã Bắc Trạch đã đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chỉ tính giai đoạn từ năm 2021 - 2023, nhân dân toàn xã đã đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản với số tiền gần 2 tỷ đồng để xây dựng quê hương. Hiện các thôn trong xã đang xây dựng và hoàn thiện nhà văn hóa đúng chuẩn quy định để phục vụ đời sống tinh thần. Được biết, nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa mới do bà con và con em trong xã đi làm ăn xa đóng góp cũng rất lớn.

Ngoài phát triển nuôi trồng thủy sản, Bắc Trạch còn xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Điển hình là cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương của gia đình ông Phan Văn Kính. Bằng việc nỗ lực nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã bao bì, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương đã đạt chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2021. Cơ sở có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 7 lao động địa phương.

Định hướng tiếp theo của Bắc Trạch là khai thác và sử dụng được tiềm năng trên diện tích đất nông nghiệp, diện tích mặt nước để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. “Trên cơ sở đó, chúng tôi đầu tư chuyên sâu thêm ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… để ngày càng tăng tổng thu nhập cho người dân, duy trì và nâng cao đời sống”, ông Nguyễn Ngọc Phúc nói thêm.

Người dân đóng góp xây dựng cổng làng để chào đón quê hương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: T. Đức.

Người dân đóng góp xây dựng cổng làng để chào đón quê hương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: T. Đức.

Về với Bắc Trạch hôm nay, minh chứng rõ nhất là đường lãnh ngõ xóm rộng rại, sạch đẹp bởi những đường hoa, cây cảnh, cây lấy bóng mát. Đời sống người dân nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 61,5 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có trên 1.700 hộ dân, trong đó hộ nghèo đa chiều chỉ còn 26 hộ. Số lao động được giải quyết việc làm thường xuyên đạt trên 98%. Kinh tế ổn định cũng là đòn bẩy để người dân tích cực ủng hộ cả về mặt trí tuệ, tinh thần, vật chất và xem xây dựng nông thôn mới là lợi ích của chính họ. Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 tháng, người dân đã tập trung nguồn lực hoàn thành 30 cổng lối, tạo diện mạo mới cho các làng quê.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nuyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch tâm sự: “Rất phấn khởi là nhân dân toàn xã đã có niềm tin lớn đối với cán bộ, lãnh đạo, nhiệt tình hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Vì vậy mà Bắc Trạch chúng tôi đã được tỉnh công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Trong khí thế đó, huyện Bố Trạch đã chọn xã Bắc Trạch để công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay”.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất