| Hotline: 0983.970.780

Vốn tín dụng Agribank góp phần xây dựng NTM

Thứ Ba 20/03/2018 , 08:38 (GMT+7)

Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng NTM. Góp phần quan trọng trong đó là nguồn vốn tín dụng từ Agribank.

Đến cuối năm 2017, Đồng Nai đã có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và 128/133 xã đạt chuẩn NTM. Đồng Nai cũng là địa phương sớm bắt tay vào xây dựng các xã và huyện NTM kiểu mẫu.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh này, đã có 15 xã được công nhận là xã NTM kiểu mẫu, còn huyện Xuân Lộc đang là 1 trong 4 huyện của cả nước bắt tay vào xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.

Một trong những bài học thành công trong xây dựng NTM ở Đồng Nai là phát huy nguồn lực từ chính người dân. Mà để người dân nông thôn có khả năng đóng góp vào chương trình xây dựng NTM ở địa phương, không thể không nhắc tới vai trò của nguồn vốn tín dụng trong việc giúp nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Trong những năm qua, từ nguồn vốn tín dụng, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Điển hình như trang trại của ông Nguyễn Văn Huy ở ấp Thọ An (xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh). Trước đây, ông Huy chuyên sản xuất mía và nấu đường thủ công. Đến năm 2011, nhận thấy bưởi và bơ có thị trường tốt hơn, giá trị cao hơn hẳn so với cây mía, ông Huy quyết định chuyển sang trồng 2 loại cây này.

15-37-12_bi_30_nm_gribk_-_tin_dung_ntm_-_nh_2
Trang trại bưởi của ông Nguyễn Văn Huy

Nhưng trồng bưởi và bơ cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Vốn đã thường xuyên vay vốn của Agribank từ những năm 1990, ông Huy lại tìm tới Agribank Chi nhánh Long Khánh trình bày kế hoạch chuyển đổi cây trồng của mình cùng nguồn vốn dự kiến đầu tư, và được chấp thuận cho vay.

Nhờ vậy, ông đã chuyển đổi dược toàn bộ diện tích sang trồng bưởi và bơ. Từ đó đến nay, trang trại của ông luôn đạt doanh thu và lợi nhuận tốt. Bình quân mỗi năm từ cây bưởi và cây bơ, ông thu về 3,5 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn lời hơn 1 tỷ đồng.

Cơ sở cây giống Út Danh (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh) cũng nhờ sự hỗ trợ vốn tín dụng của Agribank mà phát triển mạnh trong nhiều năm qua, với doanh thu mỗi năm đạt tới mấy chục tỷ đồng.

Ông Võ Công Danh, chủ cơ sở Út Danh cho hay, hiện cơ sở được Agribank Chi nhánh Long Khánh cấp hạn mức tín dụng tới 15 tỷ đồng. Nhưng có những khi đã vay hết hạn mức để đầu tư sản xuất, kinh doanh, mà nhận thấy thị trường đang có nhu cầu lớn về một loại cây nào đó, cần khoản vốn lớn tới 5 - 7 tỷ đồng để nhập về, ông lại làm việc với Agribank và lại được tạo điều kiện để vay vượt hạn mức trong thời gian ngắn, kịp đáp ứng nhu cầu kinh doanh của cơ sở.

Theo ông Nguyễn Bá Thành, GĐ Agribank Chi nhánh Xuân Lộc, vốn là nguồn lực rất quan trọng giúp nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, tạo tiền đề phát triển kinh tế địa phương để xây dựng NTM. Chính vì vậy, ở Xuân Lộc, Agribank là một thành viên trong BCĐ xây dựng NTM của huyện. Đến nay, Agribank Chi nhánh Xuân Lộc đã đầu tư 1.286 tỷ (chiếm 65%) vốn xây dựng NTM ở Xuân Lộc.

Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc, cho biết, huyện đang tiến hành xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Mà nông nghiệp vẫn là trọng tâm phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, vai trò của Agribank là rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

15-37-12_bi_30_nm_gribnk_-_tin_dung_ntm_-_nh_1
Cơ sở cây giống Út Danh với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Ở thị xã Long Khánh, vai trò của Agribank trong xây dựng NTM cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ông Nguyễn Văn Chiến, GĐ Agribank Chi nhánh Long Khánh cho biết, dư nợ ở 9 xã NTM của Chi nhánh hiện vào khoảng 900 tỷ đồng. Chính quyền thị xã Long Khánh đánh giá cao việc Agribank đầu tư vào xây dựng NTM trên địa bàn như cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng các công trình NTM…

Theo ông Nguyễn Huy Trinh, GĐ Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, để giữ vững thị phần, những năm qua, Chi nhánh luôn lấy nông nghiệp, nông thôn làm chủ đạo. Bởi cho vay nông nghiệp nông thôn, tuy chi phí cao hơn, lãi thấp hơn, nhưng lại an toàn. Nếu đầu tư cho DN, Chi nhánh cũng tập trung cho DN nông nghiệp là chính. Cho vay nông nghiệp nông thôn ở Đồng Nai còn tương đối rộng, nhu cầu vay vốn của nông dân còn rất lớn. Agribank lại có mạng lưới rất rộng mà không ngân hàng thương mại nào có thể xây dựng được. Vì thế, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay xây dựng NTM.

Đến cuối năm 2017, tổng dư nợ cho vay xây dựng NTM ở 124 xã trên địa bàn của Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai là 9.376 tỷ đồng, tăng 1.466 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 64% tổng dư nợ cho vay NTM.

Ông Trinh cho biết, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay các xã NTM của Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay xây dựng NTM, được các cấp chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.