| Hotline: 0983.970.780

Vựa na được mùa

Thứ Tư 26/08/2015 , 07:20 (GMT+7)

Người trồng na ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy thời tiết không thuận lợi như một số năm trước song nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX, bà con lại được mùa.

Giàu nhờ na

Với diện tích SX tập trung hơn 50 ha, thôn Yên Bắc (xã Đông Phú) trở thành điểm đến thu mua na của nhiều thương nhân trong và ngoài tỉnh.

Những ngày này, sáng sớm, con đường chính dẫn vào thôn luôn tấp nập phương tiện, người ra vào mua bán na. Tại những mỏ cân, tiếng nói, tiếng cười rôm rả của người gánh, cân, xếp na vào thùng rồi đưa lên xe ô tô tải hạng nhẹ chở đi tiêu thụ khiến làng quê thêm sôi động.

Từ nửa tháng nay, gia đình ông Nguyễn Khắc Thích cân bán khoảng 1 tấn na/ngày. Làm nghề đến nay được hơn chục năm, ông Thích có nhiều mối giao hàng, qua đó giúp bà con tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, không cần phải mang ra chợ như trước đây.

Với 5 mỏ cân, bình quân thôn Yên Bắc cung cấp cho thị trường 5 tấn na quả/ngày. Vừa gánh na đến điểm cân, anh Dương Văn Hướng cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, tôi bán gần 1 tấn na với giá bình quân 20 nghìn đồng/kg, thu về 20 triệu đồng, ước cả vụ thu được 70 triệu đồng”.

Nguồn thu từ na đã giúp đời sống người dân trong thôn đổi thay rõ rệt. Đường làng được cứng hóa phong quang, sạch sẽ. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại nổi bật giữa đồi na xanh ngắt.

Ông Dương Văn Thuật, Trưởng thôn Yên Bắc cho biết: “Đó là thành quả từ na. Không có nghề phụ, thu nhập chính trông vào cây ăn quả nên bà con đã dành công sức chăm sóc na để có của ăn của để”.

Nói rồi ông dẫn khách đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Minh, một trong những hộ có diện tích trồng na lớn của thôn. Trong ngôi nhà 2 tầng vừa xây xong, ông Minh cho biết: “Vườn na gần 2 mẫu của gia đình tôi trồng được hơn chục năm. Mấy năm gần đây trừ chi phí, mỗi vụ tôi thu về gần 200 triệu đồng”.

Được biết, ngoài Yên Bắc, ở xã Đông Phú, na còn được trồng tại thôn Phong Quang, Đức Giang với tổng diện tích 120 ha cho thu hoạch, tăng 25 ha so với năm ngoái.

Theo anh Nguyễn Văn Tá, cán bộ khuyến nông xã Đông Phú, nắng nóng cộng với hạn hán kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng đến khả năng na ra hoa, đậu quả.

Tuy nhiên do biết cách chăm sóc nên na vẫn được mùa, chỉ có điều quả nhỏ hơn so với mọi năm. Thống kê sơ bộ, toàn xã có khoảng 200 hộ thu nhập từ hơn 100 triệu đồng/vụ na.

Muốn cây bao nhiêu quả, có bấy nhiêu

Cùng với Đông Phú, nông dân các các xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Cương Sơn cũng bước vào mùa na với niềm vui được mùa, được giá.

Có diện tích lớn, gia đình anh Trần Văn Hòa, thôn Giếng Giang (xã Huyền Sơn) đã chia vườn thành nhiều lô, xung quanh xây các rãnh thoát nước, khoan giếng để lấy nước tưới.

Thấy khách ngạc nhiên khi trên cùng một cây lại có quả chín, quả to, quả non và hoa, anh Hòa giải thích: "Áp dụng kỹ thuật tỉa cành và thụ phấn nhân tạo nên tôi đã điều chỉnh được lượng quả trên cây trong từng giai đoạn. Vì thế, na trong vườn không quá sai quả ở cùng một thời điểm mà rải đều thành nhiều lứa khác nhau".

Với 600 cây na, năm nay gia đình anh Hòa ước thu 200 triệu đồng.

Theo người trồng na, để thụ phấn cho hoa thành công cần hái hoa cánh đã dài, màu trắng vàng, nhị bắt đầu chuyển sang màu trắng kem rồi đem phấn thụ cho hoa khác vào khoảng từ 8-10 giờ sáng. Hoa nào nở trước thụ phấn trước.

Xác định địa bàn có nhiều lợi thế phát triển na và là cây góp phần cải thiện đời sống người dân, mang đặc trưng riêng của huyện, năm 2014 huyện đã hỗ trợ và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể na dai Lục Nam.
Những năm tới, huyện Lục Nam tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này. Theo đó đến năm 2020, các xã trọng điểm là Huyền Sơn, Cương Sơn, Lan Mẫu, Đông Phú, Nghĩa Phương, Tiên Nha tăng thêm từ 500 - 600 ha na.

Nhờ vậy, thời vụ thu hoạch na Huyền Sơn kéo dài 4 tháng (từ nay đến cuối tháng 10 dương lịch). Đặc biệt, các hộ cùng xã thường xuyên trao đổi thông tin với nhau, nếu thấy nhiều nhà cùng thụ phấn cho hoa vào một thời điểm thì các hộ khác sẽ điều chỉnh lùi vào lứa khác để sản phẩm luôn được giá.

Ngoài thụ phấn hoa nhân tạo, mấy năm gần đây, nhiều nhà vườn còn áp dụng biện pháp chăm sóc cho na ra quả từ thân, cành chính.

Người mày mò, tìm tòi áp dụng phương pháp này là ông Bùi Văn Quang, thôn Quyên (xã Huyền Sơn). Ba năm trước, trong quá trình SX, ông nhận thấy, những quả na ra từ thân đều to, đẹp. Vì vậy, ông dùng kéo cắt sạch đầu cành với chiều dài từ 15-20 cm.

Vậy là từ thân cành, lộc ra khá nhiều sau đó trổ hoa, đậu quả. Sau vụ đầu thành công, ông mạnh dạn nhân rộng ra toàn bộ hơn 1,5 mẫu vườn.

Thấy cách làm của ông Quang mang lại hiệu quả, các hộ khác học tập làm theo. Ông Tăng Văn Luật, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Nam cho biết: “Quả ra từ thân sẽ hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn ở cành nên thường to hơn. Hiện nay, một số hộ ở xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương đã áp dụng biện pháp cho na ra quả từ cành, thân.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập huấn, khuyến cáo nông dân mở rộng cách làm này để tăng chất lượng quả”.

Nhờ sáng tạo, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới, na Lục Nam liên tiếp được mùa. Năm nay, sản lượng na toàn huyện ước đạt hơn 17 nghìn tấn trên tổng diện tích hơn 2 nghìn ha.

 Sản phẩm được thu mua đưa đi tiêu thụ tại các địa bàn lân cận như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội; giá tại vườn từ 14 - 25 nghìn đồng/kg, đầu vụ 35 - 40 nghìn đồng/kg. Doanh thu từ na ước khoảng hơn 300 tỷ đồng.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.