| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao 'sở cứng, sở mềm': Một chiếu đừng đặt hai mâm!

Thứ Năm 24/05/2018 , 15:05 (GMT+7)

Đưa ra hình ảnh “một con gà bao giờ cũng quay đầu nhanh hơn một con lợn”, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng:

17-12-07_20180523_170354
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy

Việc sáp nhập giữa ngành NN-PTNT và ngành Công thương ở thời điểm này là chưa hợp lý, bởi chuyên môn càng sâu thì chính sách càng sát, cự li hay quy mô càng nhỏ thì tính tương tác càng cao.
 

Cấu trúc hai ngành không đồng nhất

Trước đề xuất của Bộ Nội vụ về việc hợp nhất giữa Sở NN-PTNT và Sở Công thương để thành lập các Sở Công nghiệp, nông nông nghiệp và thương mại, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhận định: Xét về chủ trương tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế sẽ có một bộ phận lớn ủng hộ. Và nếu nhìn về định hướng phát triển chuỗi nông sản từ khâu sản xuất đến chế biến sâu và xuất khẩu, người ta cũng thấy việc sáp nhập này là cần thiết.

Tuy nhiên, phân tích sâu về cấu trúc từng ngành và cấu trúc kinh tế quốc gia, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề nghi ngại. Ai cũng biết, bản thân ngành NN-PTNT đã là ngành đa lĩnh vực gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn... Nó tác động trực tiếp đến đời sống của 68% dân số cả nước.

Ở địa phương, các Sở NN-PTNT không chỉ quản lý, chỉ đạo, định hướng các hoạt động sản xuất mà phải giải quyết một khối lượng công việc cực lớn liên quan đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và an ninh nông thôn. Trong khi đó, ngành Công thương chủ yếu đeo đuổi các mục tiêu về kinh tế (phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và quản lý thị trường). Như vậy, khi ghép hai ngành có cấu trúc khác nhau vào một chỉnh thể sẽ chẳng khác nào hình ảnh “một chiếu có hai mâm cỗ”. Điều này sẽ tạo ra sự xáo trộn. Khi các bánh răng không ăn khớp với nhau sẽ khiến cả bộ máy vận hành khó khăn, triệt tiêu sự phát triển. Nói theo cách khác dễ hiểu hơn thì “không nên nhốt con gà và con lợn vào cùng một chuồng”.

Cũng theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, bức tranh nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam như một vùng da báo. Trong đó vừa có vùng xóa đói giảm nghèo (vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo); vùng giảm nghèo bền vững tiến tới no đủ (vùng đồng bằng) và vùng no đủ để tiến tới làm giàu. Vì thế, cần xây dựng chính sách đặc thù cho từng khu vực.

Mặt khác, đối tượng của ngành NN-PTNT rất đa dạng. Nếu không có một cơ quan nhà nước độc lập để đưa ra quyết sách chỉ đạo, định hướng, thậm chí các nguồn lực bị chi phối thì rất khó có thể phát triển. Ở giai đoạn hiện nay, ngành NN-PTNT và Công thương nên đứng độc lập, cùng nhau phối hợp để phát triển thì sẽ tốt hơn. Bởi tự thân cả hai “mảng kiến tạo” này chưa hội tụ đủ các yếu tố để bước sang giai đoạn hòa nhập trong nền nông nghiệp trong công nghiệp hóa.
 

Giảm tính chuyên môn hóa

Từng là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ (Thái Bình), ông Hoàng Trọng Thủy nhận thấy, trong bộ máy hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ nông nghiệp khá nhiều. Còn đội ngũ cán bộ công thương thì ít hơn. Bây giờ, nếu bắt cán bộ nông nghiệp đi làm nhiệm vụ của ngành Công thương thì không hiệu quả. Mà bắt đội ngũ cán bộ trong ngành công thương chỉ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp thì sẽ thiếu chuyên môn, kỹ thuật.

Người nông dân có 3 nỗi sợ lớn là: mất mùa mất giá; ốm đau bệnh tật và sợ những anh cán bộ không biết công việc, suốt ngày cứ đi lòng vòng nhưng không giải quyết được việc gì cụ thể. Trong khi đó, vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước cực kỳ quan trọng. Bởi đó là người đưa ra quyết sách cuối cùng. Người ta thường nói “nhân vô thập toàn”, người ta có thể biết nhiều thứ nhưng chỉ giỏi một nghề. Việc quản lý một “siêu sở” bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp và thương mại cần một khối óc cực kỳ uyên bác.

Và, trong trường hợp bắt buộc phải nhập hai Sở NN-PTNT và Công thương làm một, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cũng nghĩ tới một nguy cơ khác. Đó là tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong phân bổ vốn đầu tư cho từng lĩnh vực. Bằng chứng là năm 1990, chúng ta đầu tư 20% tổng ngân sách cho phát triển tam nông nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6,0%. Chính vì thế, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua rất thấp. Mặc dù Nghị Quyết 26 NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói rõ rằng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn 5 năm sau phải cao gấp 2 lần 5 năm trước. Nhưng thực tế không những không tăng, thậm chí còn giảm.

Không độc lập sẽ khó phát triển

Theo chuyên gia nghiên cứu Hoàng Trọng Thủy, lịch sử phát triển nông nghiệp thế giới có 4 giai đoạn: (1) khởi động - sản xuất nông nghiệp mang tính thủ công, công cụ lao động thô sơ; (2) giai đoạn đóng góp - nông nghiệp phải tăng tốc để đóng góp cho nền kinh tế quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội; (3) giai đoạn phối hợp - phối hợp với các lĩnh vực công nghiệp và thương mại để nâng giá trị gia tăng; (4) giai đoạn hòa nhập - nông nghiệp trong công nghiệp hóa, lấy công nghiệp và dịch vụ để hỗ trợ nông nghiệp.

Theo phép tham chiếu, nền nông nghiệp Việt Nam đang ở trong giai đoạn 3 của sự phát triển (giai đoạn phối hợp). Mà muốn phối hợp thì phải có ít nhất hai chủ thể độc lập trở lên. Đó là lý do vì sao chúng ta không nên sáp nhập ngành NN-PTNT và Công thương ở thời điểm này. Bởi, cả ngành công nghiệp và dịch vụ của chúng ta chưa thực sự lớn mạnh như các quốc gia phát triển. Nông nghiệp cũng vậy, chúng ta có 43% dân số sống nhờ nghề nông nhưng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 18,5% trong cơ cấu kinh tế (trong khi đó, nước Mỹ có 2% dân số làm nông nghiệp, đóng góp 2,5% trong cơ cấu kinh tế).

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có thể xem xét sáp nhập hai Sở NN-PTNT và Công Thương cấp tỉnh (và các phòng NN-PTNT, phòng Kinh tế trực thuộc cấp huyện). Ví dụ, các nơi mà nền kinh tế dựa gần như hoàn toàn vào công nghiệp, thương mại và dịch vụ không nhất thiết phải bố trí riêng Sở/phòng NN-PTNT.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.