| Hotline: 0983.970.780

Xứ Thanh nỗ lực được mùa

Thứ Sáu 15/10/2010 , 15:43 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà vẫn được mùa, thậm chí có những vụ được mùa lớn thì quả là xứ Thanh đã cố gắng phi thường.

Nằm ở đầu chiếc đòn gánh miền Trung, xứ Thanh hết chịu nắng lửa lại mưa vùi. Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện như thế mà vẫn được mùa, thậm chí có những vụ được mùa lớn thì quả là cố gắng phi thường.

Trận lũ hồi tháng 10 năm 2007 đã vùi lấp bao diện tích canh tác của nông dân xứ Thanh rồi đến trận rét hại chưa từng có trong lịch sử kéo dài 38 ngày của năm tiếp theo đã làm cho người trồng lúa nơi đây phải điêu đứng. Không chỉ có vậy mà hạn hán ở vụ mùa năm nay đã làm cho 40 ngàn ha đất nông nghiệp tỉnh Thanh phơi trắng ngoài đồng suốt một thời gian dài làm cho cán bộ và nhân dân đứng ngồi không yên.

 Vậy nhưng, người dân Thanh Hoá vẫn không chùn bước trước mọi khắc nghiệt của thiên nhiên để làm nên những mùa vàng bội thu. Vụ xuân 2008, năng suất lúa tại Thanh Hoá đạt bình quân 60 tạ/ha, có huyện đạt 72 tạ/ha. Vụ mùa 2010, tỉnh Thanh tiếp tục được mùa toàn diện với năng suất đạt 55 tạ/ha. Thật là những kỳ tích.

Chúng tôi muốn nhắc lại một vài sự kiện, con số ấn tượng ấy để nói lên sự cố gắng của các cấp, ngành, DN và người nông dân xứ Thanh đã vượt lên chính mình, chinh phục thiên nhiên, làm nên thành công lớn. Câu chuyện Thanh Hoá được mùa sẽ có nhiều điều để nói, song việc UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đã nhạy bén trong việc bám sát các chỉ đạo của TW, của Bộ NN-PTNT để sớm ban hành các chính sách thiết thực, kịp thời nhằm giúp nông dân sản xuất có hiệu quả là điều rất đáng biểu dương, ghi nhận.

Vụ xuân năm 2008, Thanh Hoá gieo cấy được 117 ngàn ha (kế hoạch là 115 ngàn ha). Trước và trong đợt rét hại, toàn tỉnh gieo cấy được 102 ngàn ha nhưng do rét nên đã có 66.303ha lúa bị chết. Tôi không quên câu chuyện ông Mai Văn Ninh - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá khi nhận được tờ trình của GĐ Sở NN-PTNT gửi ngày 13/3/2008, Sở đề nghị tỉnh chỉ đạo các huyện tìm các giải pháp giúp dân, trong đó có phương án là tìm cây khác thay lúa vì thời vụ gieo trồng đã quá muộn.

Tìm cây khác là cây gì? Bằng kinh nghiệm của người làm nông nghiệp, ông Ninh quả quyết rằng: “Tuyệt đối không để dân bỏ hoang ruộng. Tất cả phải cấy hết diện tích lúa. Nếu không thu hoạch được lúa thì lấy rơm rạ cho trâu, bò ăn”. Với quyết tâm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo quyết liệt đến từng địa phương và toàn thể nhân dân là hãy tự cứu lấy mình để đảm bảo an ninh lương thực. Tỉnh đã trích ngân sách 7,2 tỷ đồng cho Cty CP Giống cây trồng Thanh Hoá vay trong thời gian 6 tháng không lấy lãi để Cty có tiền huy động giống tốt về cho dân gieo trồng.

Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, giống đã về đến tận người dân. Sở NN- PTNT lúc đó đã cắm chốt các PGĐ Sở cùng các cán bộ kỹ thuật đến tận từng huyện, phối hợp với chính quyền địa phương để hướng dẫn giúp dân và đốc thúc người dân ra đồng cấy lúa. Kết quả, diện tích gieo trồng của Thanh Hoá vụ đó đã vượt 2.000ha so với kế hoạch và toàn tỉnh đã được mùa với năng suất chưa từng có trong lịch sử.

Vụ mùa 2010 này, Thanh Hoá đối mặt với hạn hán gay gắt, có lúc tưởng chừng hàng vạn ha phải bỏ hoang. Ông Trịnh Văn Chiến - PCT UBND tỉnh ký các công văn chỉ đạo cho Sở NN-PTNT, Sở Công thương, ngành điện và Chủ tịch các huyện là phải bằng mọi giá cứu mạ cho dân cấy hết diện tích. Thời điểm đó, điện lưới thì phập phù, nước trên nhiều con sông lớn cạn đến mức nước chết. Tình thế đó tỉnh chủ trương cho các huyện lắp đặt các trạm bơm dã chiến, huy động sức dân đào mương dẫn nước đến chân ruộng.

Những ngày tháng 7/2010 trên các cánh đồng xứ Thanh đông như hội. Cán bộ và nhân dân đều ra đồng. Thật khó để tìm gặp được lãnh đạo huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung ở trụ sở làm việc. Chúng tôi gọi điện cho ông Nguyễn Văn Hoằng - PCT UBND huyện Hậu Lộc, lúc thì ông bảo đang chỉ đạo lắp trạm bơm ở Hải Lộc, lúc thì bảo đang cùng đoàn công tác của Bộ kiểm tra hạn hán ở xã Đa Lộc. Tìm ông ở Đa Lộc chúng tôi được tiếp xúc Bộ trưởng Cao Đức Phát đang gặp gỡ nhân dân địa phương, động viên người dân vượt qua khó khăn do thiên tai khắc nghiệt.

 Hạn hán đã qua đi khi có cơn mưa xua đi những cơn khát. Sau bão số 3, Thanh Hoá đã chỉ đạo nhân dân cấy không những hết mà còn vượt diện tích 0,2% kế hoạch. Lúa mùa đang trên đà sinh trưởng thì gặp “trận bão sâu, bệnh” càn quét đến hầu khắp các cánh đồng. Một lần nữa, với sự cắm chốt của lãnh đạo Sở NN-PTNT trên đồng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và khó khăn từ thực tế của nhân dân nên Sở đã tham mưu kịp thời để UBND tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ phun thuốc BVTV. Nhờ chính sách đó, sâu, bệnh hại lúa mùa đã được khống chế, dập tắt được nên vụ lúa mùa của dân xứ Thanh nam nay lại trúng đậm. 

Trên cánh đồng của xã Phú Lộc huyện Hậu Lộc, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Trang ở thôn Thuần Nhất. Bà Trang làm 9 sào ruộng. Nói chuyện với chúng tôi, bà bày tỏ: “Hết nắng hạn kéo dài, rồi sâu, bệnh hoành hành nên có lúc chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng vì bao mồ hôi công sức bỏ ra trước nguy cơ mất trắng. Thấy lúa chết thảm hại quá, tôi khóc thui thủi. Rất may trong bối cảnh ấy, nông dân nghèo như chúng tôi đã được chính quyền giúp sức bằng sự hỗ trợ về giá giống và thuốc BVTV nên đỡ đi phần nào cơ cực”.

+ Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Tôi được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã đồng ý với đề nghị của Sở NN- PTNT là hỗ trợ 100% giá giống cho nhân dân để thay thế số mạ già và gieo lại số diện tích lúa chết. Cùng với đó là các huyện đều đồng loạt tự trích ngân sách ra để cứu lúa cho dân. Huyện nghèo như Hậu Lộc, Nga Sơn mà đã trút hầu bao ra 3-4 tỷ đồng để mua giống, lắp trạm bơm dã chiến giúp dân cứu lúa, trước khi có chính sách của tỉnh là những động thái rất nhạy bén và kịp thời”. 

+ Mới đây, tôi gặp ông Trịnh Văn Chiến - PCT UBND tỉnh, ông cởi mở: “Các cụ ta vẫn thường nói được mùa chớ phụ ngô khoai nên tỉnh tiếp tục chỉ đạo cho các huyện và yêu cầu Sở NN- PTNT là triển khai đồng loạt trên diện rộng để làm cây vụ đông. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giá giống đậu tương cho các huyện có diện tích từ 500ha vụ đông trở lên nên đến thời điểm này đã có nhân dân 17 huyện được nhận tiền mua giống đậu tương về trồng. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT thì tính đến 10/10 cơ bản diện tích cây vụ đông là hoàn thành kế hoạch, trong đó có 8 ngàn ha cây đậu tương”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm