| Hotline: 0983.970.780

Xuất hiện rệp sáp màu hồng trên sắn

Thứ Ba 23/07/2013 , 12:39 (GMT+7)

Hiện rệp sáp bột hồng đã phát sinh và gây hại tại địa bàn 3 xã Thanh Ngọc, Thanh Lâm và Thanh Mỹ với tổng diện tích trên 1 ha.

Ông Dương Đình Hùng, Trưởng phòng nông vụ Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương cho biết: Hiện rệp sáp bột hồng đã phát sinh và gây hại tại địa bàn 3 xã Thanh Ngọc, Thanh Lâm và Thanh Mỹ với tổng diện tích trên 1 ha.

Trong đó tại xã Thanh Ngọc rệp sáp bột hồng xuất hiện đầu tiên tại nương sắn TC11 của 4 hộ gia đình (Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Năm, Lê Tường và Nguyễn Đình Ngọ) đều ở xóm Phú Lâm 1 với tổng diện tích khoảng 11 sào (5.500 m2).

Qua kiểm tra thì phát hiện thêm 9 sào (4.500 m2) tại xã Thanh Lâm và tại Thanh Mỹ 1 sào (500 m2) bị bệnh. Toàn huyện Thanh Chương có trên 1 ha bị nhiễm bệnh. Tổng diện tích thì thế, nhưng qua kiểm tra thực tế, có khi cả một hàng sắn dài chỉ có vài chục gốc bị bệnh.

Ông Nguyễn Văn Quyết, trú tại xóm Phú Lâm cho biết: Khi kiểm tra các nương sắn của gia đình, tôi thấy các chồi non làm cây sắn lùn ngọn, lá trên ngọn cây bị bệnh phát triển thành cụm và quăn lại một cách không bình thường.

Vạch cuống lá bị bệnh thì thấy phía dưới cuống lá, và thân cây có hàng chục con rệp két thành khối dính sát vào nhau. Nhìn kỹ các con rệp đều có dạng hình ô van, màu hồng, trên từng con có một lớp sáp bột màu trắng, mắt hơi lồi, có chân và di chuyển nhanh. 

Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa thấy loại bệnh lạ này trên cây sắn bao giờ. Mới đầu tôi tưởng chỉ vườn sắn nhà mình bị bệnh lạ này, hóa ra 3 hộ liền kề cũng có tình trạng tương tự. Ngay lập tức chúng tôi lập tức báo cáo với cán bộ xã và đề nghị báo cáo với Nhà máy kiểm tra xem đó là loại bệnh gì để có biện pháp xử lý.


Tiêu hủy sắn bị bệnh rệp sáp tại xã Thanh Ngọc, Thanh Chương

Sau khi kiểm tra kỹ những cây sắn bị bệnh đoàn cán bộ BVTV tỉnh Nghệ An và Trung tâm BVTV Khu IV kết luận: Đây là bệnh rệp sáp bột hồng hại sắn (Phenacoocus Manihoti), tên tiếng Anh là Pink Cassava Mealybug.

Ở Việt Nam, rệp sáp hồng hại sắn lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 6/2012 ở Tây Ninh, với diện tích nhiễm là 75ha, sau đó còn phát hiện thêm ở một số địa phương khác như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Phú Yên, Đồng Nai và lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Thanh Chương.

Rệp sáp bột hồng ký sinh trên cây sắn. Chúng chích hút chất dinh dưỡng tại các điểm sinh trưởng của cây sắn, gây ra hiện tượng chùn ngọn. Cây sắn bị nhiễm với mật độ cao, có thể bị rụng toàn bộ lá làm giảm năng suất củ sắn tới 80-84%.

Rệp sáp bột hồng có thể tìm thấy trên tất cả các bộ phận của cây sắn (gốc, thân, lá, điểm sinh trưởng). Rệp mới nở dễ dàng bị cuốn theo gió. Rệp sáp bột hồng lây lan qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển nên có nguy cơ lây lan ra diện rộng nếu không được xử lý sớm và kiểm soát chặt chẽ.

Ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho rằng: Bệnh rệp sáp bột hồng xuất hiện trên giống sắn TC11 tại Thanh Chương có thể có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài về. Hiện giống sắn TC11 đã và đang khảo nghiệm tại xã Thanh Ngọc và một số xã tại Thanh Chương...

Do đó, UBND huyện đề nghị Nhà máy phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều tra, giám sát chặt chẽ để tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời tổ chức tập huấn về loại bệnh này cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật các xã trồng sắn TC11 và phải tiến hành tiêu hủy ngay toàn bộ diện tích vùng bị nhiễm và triển khai phun phòng trừ bằng các loại thuốc BVTV đặc hiệu cho các vùng phụ cận.

UBND huyện sẽ trích ngân sách dự phòng + kinh phí hỗ trợ của nhà máy để tiến hành dập dịch sớm chừng nào hay chừng ấy.

Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Tổng giám đốc Intimex Nghệ An, Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương cho biết: Để chặn đứng và triệt để bệnh rệp sáp bột hồng trên diện tích sắn TC11 tại địa bàn huyện Thanh Chương, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thanh Chương và các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn để khuyến cáo các địa phương triển khai các biện pháp xử lý rệp sáp bằng các loại thuốc BVTV như: Thiamethoxam 25 WG; Imidacloprid 70% WG với liều lượng 4g/20 lít nước phun trực tiếp lên diện tích nhiễm bệnh trước khi tiêu hủy.

Làm đất kỹ, thu gom triệt để cây nhiễm rệp và cỏ dại ra khỏi vùng trồng sắn ngay sau khi thu hoạch. Đồng thời đề nghị các hộ có sắn bị nhiễm để đất trống cách ly khoảng 3 tháng mới tổ chức trồng trở lại nhằm diệt hết mầm bệnh; tuyệt đối không sử dụng hom giống tại các vùng có dịch để nhân ra các địa phương khác.

Vụ sắn tới, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải tiến hành xử lý hom giống bằng nước nóng 50 độ C trong vòng 5-10 phút (rệp sáp bột hồng chỉ sống được trong điều kiện nhiệt độ 26 đến 27 độ C) hoặc dùng các loại thuốc: Thiamethoxam 25 WG; Imidacloprid 70% WG với liều lượng 4g/20 lít nước; Dinotefuran 10% WP với liều lượng 20ml/20 lít nước và ngâm hom giống trong vòng 5-10 giây trước khi đưa đi trồng.

"Quan điểm của lãnh đạo nhà máy là diện tích nhiễm bệnh chỉ trong phạm vi trên 1ha, nhưng chúng tôi sẽ tổ chức tiêu hủy gấp 3 lần để phòng ngừa, cho dù trên diện tích vườn sắn chỉ có 1-2 gốc bị nhiễm bệnh". Ông Hoàn cho biết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.