| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái: Dân "oằn mình" dưới bãi quặng!

Thứ Tư 05/05/2010 , 10:38 (GMT+7)

Tỉnh Yên Bái hiện có hàng trăm điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng ở hầu khắp các địa phương. Người dân đang phải "oằn mình" chịu đựng...

Tỉnh Yên Bái hiện có hàng trăm điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng ở hầu khắp các địa phương. Theo hồ sơ thì các điểm mỏ đều có giám đốc mỏ điều hành, thiết kế khai thác, bãi thải quặng… đảm bảo an toàn không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Thực tế lại không hẳn như các DN đã đưa ra…

Mỏ đá vôi trắng núi Chuông nằm trên xã Tân Lĩnh - huyện Lục Yên - Yên Bái có giấy phép khai thác từ ngày 19/10/2001 cho Cty Hùng Đại Dương. Ông Hoàng Ngọc Chấn, Chủ tịch UBND xã than thở: Đá từ công trường khai thác lăn xuống ruộng vườn của người dân làm giập nát hoa màu, khiến người dân có đơn lên UBND xã nhờ can thiệp. Trước đây quản lý khai thác mỏ là người Việt Nam thì dễ nói, bây giờ là mấy ông nước ngoài, ngôn ngữ bất đồng cứ xì xồ chả hiểu thế nào…

Tân Lĩnh chỉ có 196 ha ruộng nước cấy hai vụ, vụ xuân năm 2010 do thiếu nước nhiều khu ruộng phải chuyển sang trồng màu, một số diện tích đã cấy không có nước nứt nẻ toang hoác, cây lúa lơ thơ như cỏ may, sự thất bát đã hiện hữu, khiến nhiều hộ rất lo lắng. Những khu ruộng không có nước đã đành, khu ruộng thôn 2 dưới chân núi Chuông có nước nhưng đành nhịn khát, vì mương nước bị đá khai thác từ núi Chuông lăn xuống lấp từ vài năm nay. Dòng suối cung cấp nguồn nước cho cả khu đồng khi chảy qua khu vực nhà máy chế biến đá Marble bị chặn lại, khu ruộng phía dưới cạn nhe mặc dù lúa đang kỳ sinh trưởng rất cần nước. Chị Triệu Thị Mẫn cho biết: Gia đình em có 4 sào ruộng phía dưới kia, lúc mới cấy nhà máy dùng bơm để tưới cho những thửa ruộng bị hạn, còn bây giờ đã gần một tháng nay họ mặc kệ cho ruộng nứt nẻ. Dân kêu mãi chỉ khản cổ thôi… 

Quặng sắt khai thác mỏ ở Sài Lương - Nậm Chậu

Anh Hoàng Văn Bất chỉ dòng suối trắng như sữa than thở: Đây là nước thải của nhà máy, nước này tưới cho lúa thì lúa có lên được không? Nói rồi anh Bất vạch cỏ chỉ xuống dòng mương nước thải từ nhà máy chế biến đá chảy xuống dòng suối trắng xoá: Nước thì ô nhiễm lúa cấy không lên nổi, còn nhà máy xẻ đá, nghiền đá chạy ầm ầm suốt đêm ngày người dân ở đây chịu quá mức rồi, ít năm nữa bị bệnh thần kinh mất…

Khu vực khai thác mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu thuộc xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn khai trường mới mở từ tháng 11/2009, nhưng đến nay đã có nhiều ý kiến phản ứng của chính quyền và người dân. Trao đổi với PV báo NNVN, ông Bàn Phúc Kiều - Bí thư xã Nậm Búng cho biết: Xã Nậm Búng hiện có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác mỏ: Cty CP Hà Quang, DN tư nhân Hùng Loan, Cty CP Hoàn Thiện, HTX dịch vụ tổng hợp Tú Lệ. Khu vực mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu có 3 đơn vị đang tiến hành làm đường, mở vỉa khai thác. Cánh đồng Sài Lương - Nậm Chậu trước đây chỉ có 30 ha, sau đó bà con khai hoang thêm, diện tích cánh đồng hiện nay khoảng 35 ha. Việc khai thác quặng sắt ở đây, nếu các bãi thải quặng không xử lý tốt thì diện tích bị lấp có thể 10 ha…

Được biết xã Nậm Búng chỉ có 85 ha ruộng nước, phần lớn diện tích ở đây chỉ cấy được một vụ do thiếu nguồn nước và do tập quán canh tác của bà con ở đây chỉ quen làm một vụ. Mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu trước đây huyện Văn Chấn đã dự kiến cho Cty chè Trường Hữu thuê để trồng chè chất lượng cao với diện tích thuê đất là 300 ha, thu hút một số người dân vào làm công nhân cho Cty, được hưởng các chế độ: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Mặc dù vậy, người dân không chấp thuận với giá đền bù nên Cty phải rút lui. Khi các Cty khai thác quặng sắt vào, tại đây đã nảy sinh mâu thuẫn giữa DN và người dân, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh, khiến nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Ông Nông Ích Chấn - Trưởng Phòng Tài nguyên huyện Văn Chấn: Người dân xã Tú Lệ đang phàn nàn về chất thải từ mỏ khai thác chì, kẽm ở huyện Mù Cang Chải đổ ra làm ô nhiễm nguồn nước. Nếu đúng như phản ánh, thì điều này rất nguy hại cho cuộc sống của bà con…

Chúng tôi lên khai trường khai thác quặng sắt của 3 DN: HTX Tú Lệ, DN Hùng Loan và Cty Hoàn Thiện. HTX Tú Lệ đã mở vỉa khai thác được khoảng 5-6 ngàn tấn, còn DN Hùng Loan và Cty Hoàn Thiện đang xây dựng đường và các bãi thải quặng. Điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi hỏi về giám đốc mỏ (điều bắt buộc đối với bất cứ mỏ khai thác nào) thì những người điều hành công việc tại đây đều lúng túng, hình như họ mới chỉ nghe từ giám đốc mỏ lần đầu tiên. Ông Phan Văn Thái điều hành công việc cho HTX Tú Lệ thì lắc đầu không biết ai là giám đốc mỏ, còn ông Nguyễn Duy Tân làm cho DN Hùng Loan thì nói ông Nguyễn Duy Hưng làm GĐ, hỏi ông Hưng đang ở đâu thì ông Tân cho biết ông Hưng đang đi công tác tại Tuyên Quang, vì nhà ông Hưng ở Tuyên Quang. Ông Nguyễn Hồng Chuẩn làm cho Cty Hoàn Thiện thì cho biết ông Đỗ Thiện Chí GĐ cũng đang đi công tác tại Việt Trì, vì Cty Hoàn Thiện có trụ sở chính tại Việt Trì.

Ông Tân cho biết hiện DN đang xây dựng bãi thải, đào mương ngăn không cho đất từ bãi thải tràn vào ruộng lúa của dân. Tại khai trường có một số diện tích lúa của dân đã có quyết định thu hồi, nhưng do DN không thoả thuận được giá đền bù nên số diện tích đó bà con vẫn đang canh tác. Khi khai trường mở rộng thì những diện tích đó khó canh tác được, do không có nguồn nước, nhất là đất từ khai trường sẽ theo mưa lũ tràn vào ruộng.

Theo thiết kế thì các mỏ đều có bãi thải, các bãi thải này không ảnh hưởng tới SX của người dân. Với quan sát của chúng tôi, thì bãi thải mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu nằm trên độ cao từ 500-800m, với độ dốc rất lớn thì hàng chục ngàn khối đất đá thải từ các khai trường sẽ đổ ập xuống ruộng của người dân khi mùa mưa đến là điều dễ xảy ra. Hiện người dân và chính quyền xã Nậm Búng rất lo lắng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm