| Hotline: 0983.970.780

Bài 1: Mùa đói trên núi cao

Thứ Hai 05/03/2012 , 10:19 (GMT+7)

"Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt". Mùa này ở trên núi dư thừa nắng gió, sương mù và giá rét. Khổ nỗi, những thứ đó chẳng làm vơi đi cái đói đang quằn quại trên nhiều gương mặt người trong những ngôi nhà ẩm thấp và tăm tối trên khắp các miền núi cao...

Đang là mùa đói tháng ba, các cụ xưa có câu "Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt". Mùa này ở trên núi dư thừa nắng gió, sương mù và giá rét. Khổ nỗi, những thứ đó chẳng làm vơi đi cái đói đang quằn quại trên nhiều gương mặt người trong những ngôi nhà ẩm thấp và tăm tối trên khắp các miền núi cao, khiến cho tháng ba ở đây như dài vô tận…

Tả Thàng là một trong những xã nghèo nhất huyện Mường Khương (Lào Cai), nằm chênh vênh trên ngọn nguồn của dòng sông Chảy. Trừ mấy tháng mùa mưa hầu như quanh năm Tả Thàng vật vã trong khô khát. Đã hơn mười giờ sáng, nhưng mù vẫn dày đặc, mặt đất lớp nhớp, khiến các con đường lên các thôn bản dựng ngược càng trở nên khó đi. Đất dẻo quánh, dính như bánh giầy, khắp các ngả đường nhão nhoét bùn đất trộn lẫn phân gia súc, ra khỏi nhà người ta phải xỏ chân vào ủng. Mọi người ở đây từ lớn bé, già trẻ ai cũng đi ủng, rất ít người đi dép. Đi ủng vừa ấm lại sạch, trông họ chả khác gì dân Cô-dắc sống trên các thảo nguyên của đất nước Ca-dắc-xtan.

Đường lên thôn Tả Thàng

Hôm qua là ngày cúng rừng, theo phong tục của người Mông, lễ cúng rừng được tổ chức vào đầu hoặc giữa tháng hai âm lịch. Trước đây, mỗi gia đình góp một con gà, chai rượu và một bát gạo mang đến khu rừng cấm đầu bản để làm lễ cúng thần rừng, thần núi và các thần lúa, thần ngô…cầu mong cho mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh, gia súc, gia cầm sinh sôi đầy đàn mà không bị dịch bệnh. Trong lễ cúng rừng mọi người cùng nhau cam kết bảo vệ rừng, bởi rừng đã giúp cho họ có cây dựng nhà, cho họ củi đun nấu và sưởi ấm để chống lại giá lạnh tê tái của mùa đông trên núi cao. Ngày cúng rừng được coi là ngày lễ lớn trong năm sau Tết Nguyên đán, mọi người được nghỉ ba ngày, ba ngày lễ không ai được vào rừng chặt cây hay làm bất cứ việc gì, tất cả được nghỉ ngơi, nhà nào cũng mổ gà uống rượu. Sau lễ cúng rừng mọi người mới ra ruộng, lên nương vào rừng bắt đầu vụ cày cấy mới. Bây giờ, các hộ không phải góp rượu, góp gà như trước đây, mỗi hộ đóng dăm sáu chục ngàn cho trưởng bản để mua một con lợn cùng những đồ cúng. Sau lễ cúng mọi người cùng nhau uống rượu, nhảy múa, ca hát tưng bừng cho đến tận sáng hôm sau.

Dọc con đường lên Tả Thàng từng tốp trai gái mặc quần áo đi chơi rất đông, bởi ai cũng biết sau lễ cúng rừng là những ngày lao động vất vả, nhiều gia đình đối mặt với cái đói gay gắt đang chực chờ ngoài cửa. Chủ tịch xã Ma Phứ lắc đầu bảo: Tả Thàng có 3.104 ha, nhưng toàn đồi núi lại thiếu nguồn nước nên chỉ có 30 ha ruộng cấy một vụ, ngô có 286 ha cũng chỉ trồng một vụ thôi. Trên này khô khát lắm, bây giờ chỉ phát cỏ chờ đến tháng tư, tháng năm khi trời có mưa mới làm được đất, gieo được ngô. Năm nào mưa sớm thì được cấy sớm, còn mưa muộn thì phải cấy muộn, tất cả đều trông đợi vào nước trời. Năm nay nhuận hai tháng tư, nên khả năng mưa muộn, mọi nhà ở đây đều đợi mưa để cày cấy, bất kể là đêm hay ngày. Nhiều năm tôi phải cày bừa đêm để giữ nước. Năm nào cấy muộn thì năng suất thấp, thiếu đói là chắc rồi… 

Thôn Sú Dí Phìn nằm hun hút dưới chân núi

Xã Tả Thàng chỉ có 9 thôn, với 413 hộ thì có tới 309 hộ nghèo, thiếu đói từ 2-3 tháng, trong số đó có khoảng 10% đói triền miên phải chạy ăn từng bữa quanh năm. Sống ở trên núi cao dốc dựng đứng tựa mặt ngựa, mưa xuống đều trôi tuột xuống sông Chảy, những thửa ruộng chiều ngang đám nào rộng nhất thì trải vừa cái chiếu, còn lại chỉ vừa một đường bừa. Đất gan gà cây lúa loi thoi như cỏ may, đám nào gần nhà thì được bón phân chuồng, đám nào xa nhà dốc cao thì bón phân hoá học, cũng chỉ bón "làm thuốc", chứ mấy nhà có tiền để mua phân? Trong 9 thôn chỉ có hai thôn Cán Cấu I và Cán Cấu II có nhiều ruộng, bà con ở đó cuộc sống tạm đủ, còn các thôn trên cao như: Tả Thàng, Sì Khà Lá, Sú Dí Phìn, Lầu Thí Chải, Páo Máo, Bản Phố… chẳng có ruộng, nên chủ yếu trồng ngô. Nơi này người dân ăn mèn mén quanh năm, nhiều hộ không có đủ ngô ăn. Không chỉ thiếu ăn mà còn thiếu nước sinh hoạt, nước sông Chảy xanh ngằn ngặt dưới chân núi nhưng người dân không thể xuống đó múc được, vì dốc cao dựng đứng không có đường xuống, nên người ta chỉ có thể ngắm dòng sông trong sự thèm khát. Gia đình chủ tịch Ma Phứ mùa khô nào cũng phải đi 3-4 cây số để thồ nước.

Tôi theo cán bộ văn phòng Lý Văn Phìn lên nhà Hàng Giàng thôn Tả Thàng chỉ cách trụ sở UBND xã mấy trăm mét. Thật khó tin nổi "ngôi nhà" của vợ chồng Hàng Giàng lại xập xệ chả hơn gì chiếc lều vịt, mái thấp lè tè, vách thưng bằng thân cây bương trống huếch trống hoác, ban đêm từ trong nhà nhìn ra thấy cả sao trời. Trong nhà không có một thứ gì đáng giá ngoài mấy chiếc nồi méo mó, đen nhẻm, một mớ rau cải, mấy cái bát vứt chỏng chơ bên cạnh bao muối trắng.

Lúc này vợ chồng Hàng Giàng không có nhà, chỉ có đứa bé gái chừng 5-6 tuổi mới đi học về, tôi đoán đây là con của Hàng Giàng, nó nhìn tôi lạ lẫm, gương mặt xanh xao vàng vọt, đôi mắt trố ra nom rất sợ. Hàng Vênh là em trai Hàng Giàng ngồi hơ tay trên bếp lửa bảo tôi: Anh Giàng không ở nhà, chắc đi uống rượu nhà ai. Mỗi năm nhà anh ấy chỉ thu được 10 bao lúa, ăn sắp hết rồi giờ chỉ còn nửa bao lúa kia thôi…  

Trong ngôi nhà trống rỗng của gia đình Hàng Giàng

Tôi nhìn vào góc nhà mới hay trong đó còn một bao lúa đã vơi quá nửa, số thóc ấy chắc chỉ đủ ăn dăm bảy ngày nữa. Từ nay cho đến tháng chín mới tới vụ ngô, còn bảy tháng nữa chả biết vợ chồng Hàng Giàng kiếm cái gì ăn? Tôi mở vung hai chiếc nồi đặt cạnh bếp, một cái còn lại chút cơm nguội nhưng đặc sệt như cháo, còn một cái thì sạch bong, có lẽ đây là suất ăn trưa của đứa con gái?

Chúng tôi qua nhà Hàng Sinh, lúc này chỉ có vợ Hàng Sinh là Thào Dông ở nhà nhưng không biết nói tiếng Kinh, trong nhà còn dăm sáu bao thóc, Lý Văn Phìn bảo: Số thóc này cũng chỉ đủ ăn 4-5 tháng nữa, nhà này thiếu ăn khoảng 2 tháng… Tôi muốn leo lên mấy nhà phía trên cao, đường trong thôn lầy lội, bùn và phân gia súc ngập đến mắt cá chân, lại dốc và trơn mặc dù tôi đã kiếm được một cây gậy nhưng cũng khó mà leo lên được. Thấy thế Phìn bảo tôi: Mọi nhà ở đây cũng thế cả thôi, y giảng mà (như nhau), chả mấy nhà khá hơn đâu…

Cách đây mấy năm tôi lên Pha Long cũng thuộc huyện Mường Khương, dạo ấy đã cuối tháng 5, mùa đói đang gay gắt. Hình ảnh Lù Chẩn Bảo, dân tộc Nùng ở thôn Lao Páo đang ngồi ăn ngô rang thay cơm cùng với hai người hàng xóm cứ ám ảnh tôi mãi. Nhà Bảo nghèo lắm, đã đói từ lâu rồi, mấy ngày chẳng kiếm được gì ăn hôm ấy người hàng xóm mang cho bát ngô, chẳng đủ xay họ rang lên ăn cho qua cơn đói. Vợ Bảo là Vàng Thị Nùng ở nhà đói quá nên trốn sang Trung Quốc lấy chồng từ năm 1991, bỏ lại đứa con gái là Lù Thị Đông khi ấy cháu mới biết ngồi. Trông Bảo tiều tuỵ, hốc hác khó đoán là bao nhiêu tuổi, Bảo lắc đầu: Em chẳng nhớ mình bao nhiêu tuổi đâu, anh cứ ghi là em 40 tuổi cũng được...

Tôi hỏi Ma Phứ: Tả Thàng có phụ nữ đi Trung Quốc lấy chồng không? Ma Phứ đáp: Năm ngoái có hai cô, chẳng biết họ lấy chồng ở tỉnh nào. Từ ngày đi đến nay chưa thấy ai quay trở lại… Sau những xã dọc biên giới, bây giờ đến lượt những phụ nữ ở sâu trong nội địa, trong số phụ nữ ấy có bao nhiêu người bị lừa bán còn lại bao nhiêu người tự nguyện ra đi, phải chăng họ ra đi vì đói?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm