| Hotline: 0983.970.780

Thạc sĩ phân bón làm... muối ớt

Thứ Ba 02/10/2012 , 10:12 (GMT+7)

Sau gần 20 năm làm nghiên cứu về lĩnh vực phân bón ở một viện khoa học, năm 2009 anh S. xin nghỉ với lý do phụ giúp gia đình. Lúc đó mức lương thạc sĩ vẫn chỉ 2,4 triệu đồng/tháng. Giờ anh hài lòng là một ông chủ nhỏ nhưng doanh thu gấp tới 30 lần lương thạc sĩ...

Sau gần 20 năm làm nghiên cứu về lĩnh vực phân bón ở một viện khoa học, năm 2009 anh xin nghỉ với lý do phụ giúp gia đình. Lúc đó mức lương thạc sĩ vẫn chỉ 2,4 triệu đồng/tháng. Giờ anh hài lòng là một ông chủ nhỏ nhưng doanh thu gấp tới 30 lần lương thạc sĩ, và vẫn có thời gian làm chuyên môn mỗi khi… ngứa nghề!

>> Bán thuốc, buôn phân

VỀ TRONG TIẾC NUỐI

Không giống như đa số những trường hợp nghỉ việc khác là khi đã “ra đi” rồi thì rất ngại quay lại nơi từng gắn bó một thời, riêng anh S, thạc sĩ nông học ngành phân bón, lại rất thích gặp lại những đồng nghiệp ở cơ quan cũ, dù đã nghỉ hơn 3 năm nay.

“Mỗi buổi sáng tôi vẫn gặp mấy anh trong cơ quan để “bù khú” ngồi uống cà phê trước khi về bắt tay vào công việc trong ngày. Ngày nào không gặp, cảm giác như thiếu cái gì đó”, anh S. bảo. Có lẽ vì vậy mà vừa nghe chúng tôi đề cập lý do gặp, anh nói ngay, giọng oang oang: “Thông thường, khi ai đó xin nghỉ việc vì lý do nội bộ, hay muốn tìm một nơi làm việc có thu nhập cao hơn chẳng hạn, thì người ta nói là “ra đi”. Còn tôi không nằm trong các trường hợp đó, tôi nghỉ để có thời gian giúp gia đình công việc kinh doanh, vì nhà neo người. Cho nên, phải dùng từ chính xác là tôi “về” chứ không phải “ra đi”. Vậy nhưng, qua câu chuyện anh kể, tôi vẫn thấy phảng phất buồn và một chút tiếc nuối trong anh.

Tốt nghiệp trường ĐH Nông nghiệp I năm 1990, năm sau anh về công tác tại một viện nghiên cứu với mức lương khởi điểm 174 ngàn đồng. Năm 2009, anh “về” (như anh nói), mức lương của anh vẫn chỉ khoảng 2,4 triệu đồng, cộng hết các khoản thu nhập mới được 3,5 triệu đồng/tháng. Trong suốt thời gian công tác, anh đã có 6 đề tài nghiên cứu lớn về phân bón, trong đó, chỉ có đề tài cuối cùng (về rau an toàn) đứng tên anh!

“Nếu bây giờ tập hợp những người từ viện đã ra đi, có khi còn nhiều hơn số nhân sự đang công tác hiện tại. Có thể nói, hầu hết số nghỉ này đều rất “cứng” chuyên môn, rất nhiều người trong số họ được đào tạo ở Đức, Nhật. Theo từng giai đoạn, có thể đưa ra 3 lý do họ nghỉ. Đối với thế hệ đàn anh của tôi, tức cách đây khoảng 10 năm, vấn đề kinh tế chưa phải là quan trọng, họ nghỉ chủ yếu vì cơ chế, hoặc vì nội bộ “cơm không lành”.


Những sản phẩm gia vị của anh S, Thạc sĩ nông học ngành phân bón

Đến khi nhà nước mở cửa, chuyển sang kinh tế thị trường thì đa số những người đi khỏi viện là liên quan đến chế độ đãi ngộ. Thế hệ sau tôi, cũng có một bộ phận ra đi vì cả 2 lý do trên, một phần vì thu nhập quá thấp, phần vì “lấn cấn” trong quan hệ với cấp trên, trong khi họ có năng lực và được không ít DN nước ngoài lớn mời gọi. Vậy là họ đi”.

Cũng theo anh S, rất nhiều nhà khoa học có trình độ, giỏi chuyên môn đã bị các công ty nước ngoài sở hữu. Nguyên nhân chính khiến họ đầu quân cho nước ngoài là cơ chế tại cơ quan nhà nước còn gò bó. Bên cạnh đó, thu nhập của một chuyên viên chính như anh S cũng chỉ hơn 3 triệu đồng, tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu.

“Các DN nước ngoài rất giỏi “săn”  người, họ thường xuyên tiếp xúc với những nhà khoa học giỏi, ban đầu họ đề nghị ký hợp đồng nghiên cứu một đề tài nào đó. Sau vài lần như vậy, họ đặt thẳng vấn đề nếu đồng ý đầu quân cho họ, anh có thể nhận mức lương gấp 10 lần thu nhập hiện tại. Và họ sẵn sàng đóng bảo hiểm bằng số năm đóng bảo hiểm tại cơ quan cũ. Hấp dẫn như thế, ít người từ chối được”, anh S nói.

“NGỨA NGHỀ” LẠI ĐẾN VỚI NÔNG DÂN

Nói về cái cơ sở SX các loại gia vị của mình, anh S kể: “Thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng của tôi không thể nào nuôi nổi 1 vợ, 2 con. Để phụ thêm, vợ tôi phải đi may, nhưng vất vả quá mà vẫn chẳng đủ ăn. Một vài lần đi công tác nước ngoài, tôi thấy bên đó có rất nhiều loại gia vị chế biến sẵn như muối tiêu, muối ớt, muối tôm… tất cả nguyên liệu chế biến những loại gia vị này, ở Việt Nam đều rất sẵn. Sau một thời gian nghiên cứu, tôi quyết định mở cơ sở chế biến cho vợ tôi làm”. 

May mắn là các sản phẩm gia vị của anh đều được thị trường đón nhận. Hiện nay, cơ sở của vợ chồng anh S đang chế biến đến 25 mặt hàng gia vị. Các sản phẩm này đa số cung cấp cho các siêu thị lớn như BigC, Citimart, Coop mart… rải từ Yên Bái đến mũi Cà Mau. Căn nhà của vợ chồng anh trong khu dân cư Thảo Điền (Q.2, TPHCM), cũng là nơi đóng gói gia vị, sạch như một cơ sở y tế. Dù mới chỉ là một cơ sở nhỏ, nhưng anh cũng tạo việc làm cho 10 nhân công.

Chị T, vợ anh S bảo: “Lương của ổng hồi đó còn thua mấy em làm ở đây. Mà tụi nó toàn “trình độ” cấp 2 thôi. Anh thấy ổng cười nói rộn ràng vậy chứ thực ra phải nghỉ làm ổng buồn lắm đó. Không bỏ nghề được đâu. Giờ ổng đi còn nhiều hơn hồi công tác ở viện nữa”.

Tôi hỏi anh S: “Nghe nói đã có nhiều lời mời anh đầu quân của công ty nước ngoài với mức lương hàng ngàn USD, sao anh không làm?”, anh trả lời, nét mặt trầm ngâm: “Bạn bè, đồng nghiệp cũ cũng hỏi tôi câu tương tự. Tôi nghĩ, cái gì cũng có giá của nó. Làm cho công ty nước ngoài lương cao thật đấy, nhưng họ cũng tìm mọi cách để tận dụng hết năng lực của mình. Khi đó, sẽ không còn thời gian để theo đuổi đam mê nữa. Tôi muốn có thời gian để mỗi năm dành vài tháng đầu các vụ đi tập huấn cho bà con nông dân nghèo, tư vấn cho họ về phân bón, cây trồng. Mấy anh bạn tôi cũng mở Cty SXKD phân bón, họ cũng cần tôi tư vấn về kỹ thuật”.


Rất cần sự “thông thoáng” hơn về cơ chế, đãi ngộ đối với nhà khoa học

Anh Q nói: “Hồi ở viện, mỗi buổi chiều tan sở, bạn bè lại kéo đi lai rai. Nhiều hôm về say khướt, sáng hôm sau nếu dậy không nổi, chỉ cần điện thoại lên cơ quan báo bệnh, đi làm trễ một chút, thế là xong. Bây giờ, đi làm cho công ty nước ngoài rồi, không thể như vậy được nữa. Họ trả mình 10 đồng mà mình làm cho họ có 1 đồng, đâu có được. Nhưng chính tác phong, môi trường làm việc nghiêm túc đó đã khiến mình năng động hơn, làm việc hiệu quả hơn”.

Tôi hỏi: “Vậy là bây giờ anh thu nhập từ chuyên môn cao hơn lương ở viện ngày xưa nhiều?”. Anh S cười lớn: “Nhầm rồi! Tôi không nhận một đồng nào từ việc đi tập huấn cho bà con hay cố vấn cho bạn bè cả. Tôi làm vì “ngứa nghề” chứ không phải vì tiền. Nếu vì tiền tôi đã làm cho công ty nước ngoài rồi, sao phải lấy tiền của bà con nghèo. Mà anh thấy, giờ kinh tế gia đình tôi rất vững rồi”.

Qua giới thiệu của anh S, tôi gặp thạc sĩ Q, nguyên Trưởng phòng BVTV của viện. Anh Q học ở Nhật về và đang làm cho một công ty của Nhật. Dù anh Q không nói mức lương hiện nay bao nhiêu, nhưng anh S đã “bật mí” với tôi là “cao ngất ngưởng”.

Anh Q giãi bày: “Các nhà khoa học đi khỏi viện chủ yếu là vì chế độ đãi ngộ. Mức lương quá thấp, khó hấp dẫn những người giỏi, được đào tạo ở nước ngoài về làm việc. Lương thấp khiến họ phải sử dụng giờ công để làm thêm, không còn thời gian nghĩ đến việc nghiên cứu, trau dồi kiến thức chứ đừng nói đi học tập, nghiên cứu, tham gia hội nghị, hội thảo… ở nước ngoài. Họ tìm đường khác tốt hơn là điều dễ hiểu”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm