| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Heo đổ bệnh, chết tràn lan

Thứ Hai 12/07/2010 , 10:28 (GMT+7)

Những đàn heo khỏe mạnh, bỗng dưng phát sốt, da nổi màu đỏ bầm, bỏ ăn co giật rồi lăn đùng ra chết. Căn bệnh quái ác này vẫn không ngừng lây lan trên đàn heo ở huyện Tuy Phước (Bình Định) suốt 10 ngày qua.

Chị Thủy với con heo nái còn sống sót cũng đang hấp hối

Những đàn heo khỏe mạnh, bỗng dưng phát sốt, da nổi màu đỏ bầm, bỏ ăn co giật rồi lăn đùng ra chết. Căn bệnh quái ác này vẫn không ngừng lây lan trên đàn heo ở huyện Tuy Phước (Bình Định) suốt 10 ngày qua, khiến hàng trăm hộ chăn nuôi trắng tay. 

Không kịp trở tay

Nghe lóm thông tin từ những người lái heo rong tại quán cà phê: “Hôm nay tụi mình về thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp (Tuy Phước) “đánh” 1 trận, heo ở đó đang đổ bệnh chết cả bầy, mặc sức mà mua rẻ”, tôi dông một mạch về thôn Giang Nam để tìm hiểu sự tình. Vô ngẫu nhiên nhà bà Ma Thị Giữ (74 tuổi) ở xóm 2, vừa gặp chúng tôi bà Giữ đã không dằn được bức xúc: “Heo bị bệnh chết sạch chuồng cả 10 ngày nay mà không thấy cán bộ thú y đâu, bây giờ nhà báo tới hỏi chuyện heo ngóe làm gì”.

Trước đó nhà bà Giữ nuôi 2 heo nái, 10 heo lứa và 10 heo con. Vào đầu tháng 7, lũ heo bỗng dưng phát sốt, toàn thân nóng rừng rực nhất là ở 2 lỗ tai, da chúng đỏ như máu, bỏ ăn rồi co giật. Hoảng quá, bà Giữ gọi lái rong đến bán tháo, heo đã đạt trọng lượng 30kg/con mà chỉ bán được có 200.000đ/con. Tiếp đến là lũ heo con cũng lâm bệnh, 10 con heo con đã to đến 10kg/con mà chỉ bán được có vài trăm ngàn. Bà Giữ thở dài: “Bán tháo được đồng nào đỡ đồng đó. Nhiều hộ trong xóm ráng giữ lại chạy chữa, cuối cùng lũ heo cũng chết sạch phải mang ra sông Tranh đổ tràn lan. Những con heo gần chết chủ của nó không muốn nhốt trong chuồng nữa, thả đi quặt quẹo khắp làng rồi muốn chết ở đâu thì chết”.

Như bà Giữ kịp bán tháo được vài trăm ngàn/con đã là may mắn, chị Huỳnh Thị Thủy (41 tuổi) nhà láng giềng với nhà bà Giữ thì hoàn toàn “phủi tay”. Chị Thủy than thở: “Nhà tôi chỉ có 5 con heo nái, 4 con heo lứa và 30 heo con. Giống đàn heo nhà bà Giữ, đàn heo của tôi cũng ngã bệnh đồng loạt, chỉ kịp bán 3 con nái. Nếu không sao mỗi con heo nái 2 triệu đồng, nhưng bây giờ chỉ bán được có 700.000đ/con, số còn lại bị chết sạch. Trong chuồng bây giờ chỉ còn 1 con nái cũng đang hấp hối. Số heo chết tôi dồn hết vào bao thả xuống sông Tranh. Tính vội cũng mất đứt 20 triệu đồng”.

Đi thêm vài bước chân bước sang nhà anh Đoàn Văn Tám (35 tuổi), anh Tám thất thần đứng nhìn chuồng heo trống rỗng. Mới chỉ cách đây 10 ngày mấy ngăn chuồng heo của anh Tám còn chật ních lũ heo thì giờ chỉ còn 1 con heo con đang sống dở chết dở. Anh Tám kể: “Khi lũ heo đổ bệnh, không thấy cán bộ thú y đâu, chẳng biết trông nhờ ai tôi đành chữa trị cho chúng bằng kinh nghiệm. Buổi sáng tôi chích cho chúng thuốc Vime-ABC kèm với thuốc RTD Glucovit C, đến trưa tôi chích Bio Vitamin C 10% cộng với đường, buổi chiều chích Nova-B Complex với Glucovit C. Mất đến 1 triệu đồng tiền thuốc rồi nhưng vẫn không ăn thua gì, heo vẫn chết sạch”.

Anh Đoàn Văn Tám: “Không hiểu sao cả heo con gần chết thương lái cũng mua. Tôi vừa bán cho họ 12 con, mỗi con 20.000đ vào sáng nay (10/7). Tôi hỏi thì họ bảo là sẽ mang đi bán ở các vùng miền núi cho đồng bào dân tộc thiểu số cúng rẫy”.
Theo ông Mai Thanh Khiết-Trưởng thôn Giang Nam cho biết thì tình trạng này đang là cảnh ngộ chung của hàng trăm hộ chăn nuôi ở thôn này. Bắt đầu từ xóm 1, xóm 4, căn bệnh quái ác tấn công sang xóm 2, xóm 3. Tính đến ngày 9/7, trên toàn thôn Giang Nam đã có đến hơn 290 con heo lớn nhỏ bị lâm bệnh đã được bán tháo và chết. Không dừng lại ở đó, dịch bệnh đã tấn công sang thôn Giang Bắc và nhiều đàn heo ở xã Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước) cũng đang ngắc ngoải vì bệnh.

Thú y bàng quang

Sự thể rành rành là vậy mà khi làm việc với ông Phạm Văn Tứ-cán bộ thú y xã Phước Hiệp, chúng tôi nhận được từ ông Tứ những lời chối phăng: “Làm gì có chuyện heo bệnh chết nhiều đến vậy. Chỉ là lời đồn đại thôi”. Thất vọng, chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Nguyễn Bay- Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước thì được ông Bay trả lời nhẹ như...Siu Black: "Đến giờ này tôi vẫn chưa được ngành thú y huyện thông cáo gì về chuyện này. Nghe các anh nói tôi mới biết”.

Chiều 10/7, ông Pháp-Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Định cho biết: “Mới hôm qua (9/7) Chi cục tổ chức cuộc họp ngành tại huyện Tuy Phước. Tại cuộc họp này có mặt toàn bộ cán bộ thú y xã chúng tôi vẫn không được nghe báo cáo gì”.
Trong khi đó, ông Trần Lê Khang, người nuôi heo nhiều nhất ở thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp cho biết: “Trước khi dịch bệnh ập đến, trong chuồng nhà tôi có 6 heo nái, 35 heo lứa và 20 heo con đã tách mẹ sắp bán. Do nuôi nhiều nên tôi chích ngừa cho heo rất bài bản nhưng vẫn không thoát bệnh. 1 ngày sau khi heo bị lâm bệnh tôi chạy lên Trạm Thú y huyện Tuy Phước nhờ tư vấn cách chữa trị. Cán bộ thú y Thúy bảo tôi về mua 2 lọ thuốc Baytril max loại 100ml chích cho lũ heo, nếu chích hết 2 lọ thuốc không bớt thì bỏ đi chứ đừng chữa uổng tiền, bệnh này đã lan ra nhiều xã rồi và đang vô phương cứu chữa. Y như rằng, chích vừa hết 2 lọ thuốc là đàn heo hơn 50 con cũng bỏ tôi mà “đi”, chỉ bán được 6 con heo nái chưa kịp chết với giá rẻ như bèo, mất đứt 25 triệu đồng”.

Ông Mai Thanh Khiết, trưởng thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp cũng thừa nhận: “Trong đợt cán bộ thú y xã tiêm thuốc phòng dịch tả cho đàn heo tại địa phương vào cuối tháng 6 vừa qua, đã xảy ra 2 trường hợp heo chết. Cán bộ thú y xã, huyện về lập biên bản, xác định là heo chết do bệnh tả phát tác chứ không phải do tiêm phòng. Rõ ràng ngành thú y địa phương đã biết nhưng sau đó không thấy cán bộ thú y nào về thăm hỏi gì nữa. Đến khi heo đã chết tràn lan họ mới về phun thuốc khử trùng”.

Đáng quan ngại là những con heo chết được người dân ở đây xử lý bằng cách vứt bừa bãi xuống sông Tranh và những con mương. Có lẽ đây là 1 trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh sang các địa phương khác. Không những vậy, những con heo nái đã chết hoặc đang ngắc ngoải vẫn được lái rong mua với giá rẻ, thậm chí heo con đang lâm bệnh họ cũng mua với giá 20.000đ/con. Ông Trần Lê Khang cho biết thêm: “Mỗi khi dịch bệnh hoành hành như thế này thì các lái rong trúng to. Khi ấy họ mua ép giá đến mức nào mình cũng phải bán để gỡ gạc. Gía mua thì cực rẻ nhưng mang về xẻ bán cho người tiêu dùng vẫn với giá bình thường. Khi thịt heo đã nằm trên sạp rồi thì đố người mua nào biết ấy là thịt sạch hay thịt bệnh”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm