| Hotline: 0983.970.780

1 lạc = 3 lúa

Thứ Sáu 17/04/2020 , 17:00 (GMT+7)

Chân đất pha cát sản xuất lúa không hiệu quả, nhiều hộ dân ở Quế Xuân 1 (Quế Sơn, Quảng Nam) đã chuyển đổi qua trồng cây lạc, thu nhập tăng gần gấp 3 lần.

Xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã chuyển đổi hơn 26ha sản xuất lúa kém hiệu quả qua trồng lạc trong vụ ĐX 2019 – 2020. Ảnh: Đăng Lâm.

Xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã chuyển đổi hơn 26ha sản xuất lúa kém hiệu quả qua trồng lạc trong vụ ĐX 2019 – 2020. Ảnh: Đăng Lâm.

Những năm trước, hầu hết các diện tích lúa ở xã Quế Xuân 1 đều sản xuất 2 vụ, tuy nhiên tại địa phương này có hàng chục ha ruộng có chân đất cát pha, thiếu nước nên cây lúa canh tác trên đất này hiệu quả không cao.

Vào những năm được mùa nhất, lúa trên những vùng đất này cũng chỉ được khoảng 50 tạ/ha (so với diện tích khác trong vùng là từ 65 – 70 tạ/ha). Với năng suất này thì lợi nhuận mang lại là không đáng kể. Tính ra, mỗi sào chỉ lãi vài trăm ngàn đồng thậm chí chỉ đủ bù công.

Với mong muốn tìm một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của xã cũng như thực hiện theo kế hoạch chuyển đổi cây trồng của UBND huyện Quế Sơn, từ vụ đông xuân (ĐX) năm 2017 – 2018, xã Quế Xuân 1 đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây lạc.

Năng suất lạc vụ này đạt khoảng 30 tạ lạc khô/ha, giá trị thu được cao gấp gần 3 lần trồng lúa. Ảnh: Đăng Lâm.

Năng suất lạc vụ này đạt khoảng 30 tạ lạc khô/ha, giá trị thu được cao gấp gần 3 lần trồng lúa. Ảnh: Đăng Lâm.

Vụ đầu tiên, xã Quế Xuân 1 triển khai thực hiện trên diện tích hơn 9ha ở các thôn Trung Vĩnh, Dưỡng Mông Đông, Dưỡng Xuân, Thạnh Hòa. Kết quả thu được rất mỹ mãn, với năng suất bình quân 30 tạ/ha, thì so với cây lúa, giá trị lợi nhuận thu được hơn gấp nhiều lần.

Nhận thấy được hiệu quả này, nhiều người dân khác trong xã Quế Xuân 1 đã không ngần ngại chuyển sản xuất lúa qua trồng cây lạc. Đến vụ ĐX năm nay, toàn xã đã chuyển đổi được 26,5 ha, toàn bộ diện tích này sinh trưởng, phát triển tốt và hiện nay người dân địa phương đang tiến hành thu hoạch.

Bà con phấn khởi vì lạc được mùa. Ảnh: Đăng Lâm.

Bà con phấn khởi vì lạc được mùa. Ảnh: Đăng Lâm.

Vụ sản xuất này, ông Nguyễn Ngôn (trú xã Quế Xuân 1) đã chuyển 3 sào lúa của gia đình mình qua trồng lạc. Năm nay, mỗi sào ông thu được khoảng 135kg lạc khô. Hiện, giá bán trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg thì với diện tích này, gia đình ông thu được hơn 11 triệu đồng.

“Những năm trước, tôi cùng với bà con có ruộng ở vùng này đều sản xuất 2 vụ lúa. Vụ HT thì đạt năng suất nhưng vụ ĐX chân ruộng cao, thường xuyên thiếu nước nên lúa không đạt năng suất như mong đợi.

Từ khi chuyển qua canh tác cây lạc thì vụ nào cũng có lãi. Với diện tích 3 sào, trồng lúa mỗi vụ cũng chỉ thu được từ tầm 4,8 triệu. Như vậy thì hiệu quả từ cây lạc cao gấp hơn 2 lần”, ông Ngôn cho biết.

Tương tự, vụ sản xuất năm nay gia đình ông Lưu Văn Tám (trú thôn Dưỡng Mông, xã Quế Xuân 1) cũng chuyển đổi 4 sào lúa kém hiệu quả qua trồng lạc. Ông Tám cho biết, cả 4 sào đậu của ông năm nay đều được mùa, thu được hơn 600kg lạc khô.

Với giá thị trường hiện nay thì sản lượng này đem lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 18 triệu đồng, trong khi 4 sào lúa này các vụ trước gia đình ông chỉ thu được cao lắm là 7 triệu đồng.

“Tôi thấy chuyển từ lúa qua lạc là một hướng đi rất hiệu quả. So với cây lúa thì cây lạc chỉ cao hơn về chi phí mua giống (500.000 đồng/sào so với lúa là 80.000 đồng/sào) nhưng lại ít sử dụng phân bón và dễ chăm sóc, ít dịch bệnh hơn. Bên cạnh đó, củ lạc sau khi thu hoạch còn dùng để ép dầu nên nâng cao thêm giá trị”, ông Tám nói.

Được biết, hầu như toàn bộ số lạc mà người dân sản xuất được ở xã Quế Xuân 2 đều sử dụng để ép dầu. Như hộ gia đình ông Tám, với 600kg lạc khô giúp gia đình ông thu được khoảng 200 lít dầu. Dầu lạc đang được bán với giá từ 110.000 – 120.000/lít thì với số dầu gia đình ông sẽ bán được từ 22 – 24 triệu đồng, cao hơn so với bán lạc khô.

“Không những vậy, thân, lá và xác ép dầu của cây lạc còn được sử dụng làm phân bón nên có thể tận dụng được hết. Như xác ép dầu hiện nay chúng tôi đang bán với giá 1.500 đồng/kg nên cũng thu thêm được chút tiền nữa”, ông Tám cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 cho biết, xã Quế Xuân đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc. Qua 3 vụ sản xuất thì hiệu quả cây lạc mang lại cao hơn lúa gấp 2,5 – 2,6 lần.

“Thấy hiệu quả như vậy nên bà con trong xã cũng đã chủ động chuyển đổi từ lúa qua sản xuất lạc. Trong thời gian đến, UBND xã sẽ tiếp tục khảo sát, vận động bà con nhân dân tăng diện tích chuyển đổi nhằm đem lại thu nhập cao và tăng giá trị trên diện tích sản xuất nông nghiệp”, ông Thành nói.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất