| Hotline: 0983.970.780

1 tấn xoài cát Hòa Lộc đầu tiên xuất sang Mỹ

Thứ Bảy 18/05/2019 , 16:40 (GMT+7)

Hôm nay (18/5), UBND tỉnh An Giang, Sở NN-PTNT kết hợp với Cty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Bến Tre) tổ chức lễ công bố xuất khẩu (XK) 1 tấn xoài cát Hòa Lộc đầu tiên sang thị trường Mỹ. 

Lễ ký kết đưa 1 tấn xoài cát Hòa Lộc sang thị trường Mỹ.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ trịch UBND tỉnh An Giang cho biết, để trái xoài An Giang XK ổn định qua thị trường Mỹ và chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới là tín hiệu vui mừng cho tỉnh hiện nay. Trước đó, UBND tỉnh cùng các huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên, đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Cty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu về việc phối hợp SX và XK xoài theo tiêu chuẩn an toàn sạch. Đồng thời tỉnh còn xây dựng vùng nguyên liệu xoài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật canh tác, đảm bảo tiêu chuẩn XK sang các thị trường khó tính, nhất là thị trường Mỹ.

Vùng trồng xoài lớn ở An Giang tập trung các huyện như Chợ Mới, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Theo ông Thư, để phát triển thương hiệu xoài An Giang XK sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng xoài (mã code) tại những nơi chưa có mã số như Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi, HTX Xoài  VietGAP Bến Bà Chi và các vùng cần cấp tại các huyện Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu và TP. Long Xuyên.

Hiện vùng xoài tại An Giang đã được cấp mã code đạt tiêu chuẩn XK là 18 mã, với tổng diện tích gần 244ha. Trong đó, có 8 mã số đang hoạt động với diện tích gần 162ha tại các vùng như: xã An Cư, xã Thới Sơn, thị trấn Chi Lăng (huyện Tịnh Biên); xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu); xã Lê Trì (huyện Tri Tôn); thị trấn Long Bình, xã Khánh An, xã Khánh Bình (huyện An Phú); xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới); phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc).

Xoài An Giang đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Bình quân mỗi năm diện tích xoài trong tỉnh đạt gần 9.700ha, trong đó có khoảng 7.700ha xoài 3 màu (xoài Đài Loan) và xoài cát Hòa Lộc, chiếm khoảng 80% diện tích trồng xoài. Hiện có khoảng 7.000ha xoài đang cho trái với sản lượng khoảng 95.000 tấn/năm trong đó vụ chính chiếm 70-80% sản lượng, vụ muộn chiếm 20-30% sản lượng. Diện tích xoài SX theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 193ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm. Nông dân và HTX trồng xoài được liên kết DN bao tiêu XK sang Mỹ, sẽ mua giá cao hơn thị trường từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.

Lạnh đạo UBND tỉnh An Giang kiểm tra chất lượng xoài trước khi đóng thùng XK.

Riêng từ năm 2018 đến nay An Giang đã được nhiều DN đến hợp đồng với nông dân trồng xoài đã xuất sang thị trường Mỹ trên 40 tấn gồm nhiều mặt hàng xoài khác nhau. Trong đó Cty Chánh Thu đã trực tiếp XK xoài của An Giang sang Mỹ là 12,8 tấn. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiêu thụ xoài phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa và xuất đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng còn gặp nhiều rủi ro. Gần đây xoài An Giang có thêm thị trường Hàn Quốc, Úc, Nhật, New Zealand… nhưng số lượng không đáng kể.

Lô xoài đầu tiên của An Giang được vận chuyển lên xe để XK sang thị trường Mỹ.

Theo Bộ NN-PTNT cho biết, trái xoài Việt Nam hiện đã được XK sang 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand... Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép XK sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa.

Hiện hàng năm, thị trường Hoa Kỳ đang nhập khẩu gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ, chẳng hạn như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala. Như vậy, tiềm năng của quả xoài Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Trong khi đó, chất lượng xoài của Việt Nam không hề thua kém các nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.