Theo đó, từ năm 2015 đến hết quý 1/2020, Bộ NN-PTNT đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành tổng số 260 văn bản, trong đó có 7 Luật, bao gồm: Luật Thú y, Thuỷ lợi , Thủy sản, Lâm nghiệp, Trồng trọt, Chăn nuôi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.
Sau Luật, Bộ NN-PTNT đã xây dựng ban hành và trình Chính phủ ban hành 45 Nghị định, 18 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 188 Thông tư của Bộ và 6 thông tư liên tịch.
Đến nay, hệ thống pháp luật về NN-PTNT đã cơ bản hoàn thiện. Các Nghị định, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung kịp thời, theo kế hoạch và đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ và thực tiễn đề ra. Văn bản quy phạm pháp luật do Bộ xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ NN-PTNT chưa có văn bản nào bị huỷ bỏ do có nội dung trái với văn bản cấp trên, hoặc văn bản pháp luật khác có liên quan. Phần lớn các văn bản được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn ở Việt Nam và tham khảo quy định pháp luật quốc tế nên đã đảm bảo được tính khả thi.
Triển khai các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành NN-PTNT thực hiện.
Kết quả, Bộ NN-PTNT đã rà soát 12 Thông tư của Bộ để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Đến nay, Bộ NN-PTNT đã ban hành 01Thông tư bãi bỏ 04 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT (Thông tư số 09/2018/TT-BNNPTNT ngày 13/8/2018) và ban hành đầy đủ 08 Thông tư trong năm 2018 phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành.
Thông qua hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở xem xét, đối chiếu, phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp, Bộ NN-PTNT đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Bộ. Kết quả hoạt động rà soát, hệ thống hóa giúp công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về NN-PTNT ngày càng đảm bảo tính chuyên sâu, đồng bộ, hợp lý, hợp pháp.
Bộ NN-PTNT đã ban hành quy chế tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực NN-PTNT. Cụ thể, năm 2015, Bộ lựa chọn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp; năm 2016 là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm; năm 2017 xác định lĩnh vực trọng tâm liên ngành (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp), lĩnh vực trọng tâm của Bộ (kiểm dịch động, thực vật) và 07 lĩnh vực kiểm tra chuyên đề; năm 2018 theo dõi thi hành pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, năm 2019 là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức đánh giá sự phù hợp và theo dõi tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật vừa được Quốc hội thông qua gồm: Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với Luật.
Thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành 8 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện xử phạt vi phạm trong các lĩnh vực.