| Hotline: 0983.970.780

100% công trình thủy lợi sẵn sàng lấy nước đổ ải

Thứ Ba 10/01/2017 , 07:20 (GMT+7)

Ngày 10/1, các địa phương Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã đồng loạt lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2016 – 2017.

Chiều tối ngày 9/1, PV Báo NNVN có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Tỉnh (ảnh) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi  về công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, đảm bảo việc lấy nước hiệu quả, tiết kiệm nhất.

16-32-46_nh-1


Thưa ông, qua các đợt kiểm tra, đôn đốc thực tế tại các địa phương về công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải vụ đông xuân 2016 - 2017, ông đánh giá kết quả thế nào?

Có thể nói, thời gian qua các địa phương đã rất chủ động, tích cực, sâu sát và quyết liệt trong việc chuẩn bị lấy nước, đặc biệt là nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và tu sửa công trình thủy lợi.

Ngoài ra, các địa phương còn lắp đặt thêm nhiều trạm bơm dã chiến để chủ động bơm nước trong hệ thống kênh, đưa lên đồng trong điều kiện mực nước thấp. Chúng tôi khẳng định, đến thời điểm này, 100% các địa phương và các đơn vị liên quan đã sẵn sàng cho công tác lấy nước.

Trong thời gian 3 đợt xả nước (tổng số 18 ngày), việc phối hợp giữa Tổng cục Thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ điều chỉnh mực nước như thế nào để tạo điều kiện cho tất cả các địa phương có thể lấy nước?

Nhận thức được việc cấp nước đổ ải vụ đông xuân 2016 – 2017 là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Tổng cục Thủy lợi và EVN đã bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất sẽ khống chế mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội thấp nhất là +2,2 m trở lên bắt đầu từ 0 giờ ngày 10/1 để tất cả các công trình ven sông đều có thể lấy được nước.

Chúng tôi cũng đã thiết lập website điều hành hệ thống và yêu cầu các địa phương cập nhật liên tục tất cả các thông tin lấy nước. Từ đó các cơ quan, đơn vị có thể nắm được các thông số ở các vị trí lấy nước, chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành đảm bảo đạt kết quả cao nhất.

Nhu cầu lấy nước đổ ải của các tỉnh trong các đợt lấy nước đổ ải là khác nhau, vậy ông có lưu ý gì để công tác lấy nước diễn ra thuận lợi nhất?

Vụ đông xuân 2016 - 2017, các địa phương sẽ giảm tối đa diện tích gieo cấy trà xuân sớm, chủ yếu tập trung vào trà xuân muộn, gieo mạ và cấy xung quanh tiết lập xuân (ngày 3/2). Phương án đưa ra cũng sẽ tránh trùng vào lịch nghỉ Tết Nguyên đán và lợi dụng tốt nhất ảnh hưởng của thủy triều.

Đối với các tỉnh ven biển, các địa phương phải vận hành ngay các công trình thủy lợi để đưa nước lên ruộng. Đồng thời, ngoài thời gian 3 đợt lấy nước, cần tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác để cấp nước khi điều kiện cho phép.

Còn đối với các tỉnh Trung du và khu vực giữa (chủ yếu có nhu cầu lấy nước vào đợt 2 và 3), trong đợt xả nước tăng cường của các hồ thủy điện, cần huy động tổng lực các giải pháp để trữ nước vào các hệ thống ao hồ, sông ngòi, kênh mương.

16-32-46_nh-2
Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước tại Trạm bơm Yên Hậu, tỉnh Bắc Ninh (ngày 29/12)
 

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tiếp tục tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi để giải quyết nhanh các sự cố mới phát sinh.

Thời gian 3 đợt lấy nước bị gián đoạn bởi dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, vậy làm sao để trữ nước hiệu quả trong những ngày bà con vui xuân?

Chúng tôi cũng đã lường trước được vấn đề này và chỉ đạo các địa phương tích cực lấy nước lên đồng trước Tết. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con gia cố bờ ruộng và kênh dẫn, giảm tối đa sự rò rỉ, thất thoát nước trong thời gian bà con đón năm mới. Sau thời gian nghỉ Tết, bà con có thể xuống đồng gieo cấy luôn.

Sắp tới, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác về địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc lấy nước. Toàn ngành thủy lợi quyết tâm hoàn thành 100% diện tích gieo cấy có đủ nước.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa đông năm nay lượng mưa thiếu hụt so với Trung bình nhiều năm, vì thế, đất trên đồng rất khô.

Qua các đợt kiểm tra, các địa phương phản ánh rằng hiếm có năm nào gần như 100% diện tích đất gieo cấy vụ đông xuân lại phải cày nỏ như năm nay.

Chúng tôi lưu ý các địa phương cần tập trung đưa nước lên ruộng ở những vùng xa, khó khăn hơn để đảm bảo tất cả 100% diện tích có nước đều đảm bảo nước gieo cấy.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.