| Hotline: 0983.970.780

1.000 đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc

Thứ Năm 10/03/2022 , 17:41 (GMT+7)

Ngày 10/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga.

Đại hội diễn ra từ ngày 9 đến 11/3, với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho phụ nữ đến từ các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trên cả nước.

Trong thành phần đại biểu có 35 đại biểu khối lực lượng vũ trang nhân dân, 54 đại biểu là doanh nhân, 83 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, 164 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số, 41 đại biểu tiêu biểu các tôn giáo.

Với chủ đề "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước", Đại hội diễn ra phiên khai mạc vào sáng 10/3, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Nhiệm kỳ 2022-2027 là lần đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đại hội sẽ thảo luận các chủ đề gồm: xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước); phụ nữ trong nền kinh tế số; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Đồng thời, Đại hội sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và hai khâu đột phá: Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.

Khai mạc Đại hội, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam coi đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước, đánh dấu sự phát triển của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, phụ nữ Việt Nam đã đạt nhiều thành tích. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%.

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật vai trò của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Ông ca ngợi, người phụ nữ đã vượt qua nghịch cảnh, rào cản, định kiến, khó khăn, trở ngại, có những đóng góp, cống hiến to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam.

"Những đóng góp của các thế hệ ngày càng tô thắm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tươi đẹp, rực rỡ", Thủ tướng nói.

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra sau hơn 35 năm đổi mới, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước được nâng lên. Trên cơ sở đó, Thủ tướng gợi mở 5 vấn đề cho các cấp hội phụ nữ.

Một, có biện pháp cụ thể, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Hai, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Ba, tăng cường phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hội viên, phụ nữ. Bốn, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xây dựng, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Năm, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, đồng hành cùng các phong trào, hoạt động của các cấp hội phụ nữ.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.