| Hotline: 0983.970.780

108 vị anh hùng vỡ đồng hoang đất Cảng: [Bài 5] Gặp một nữ đại điền

Thứ Hai 07/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Tôi những tưởng công việc nặng nhọc của đại điền không có bóng dáng của phụ nữ nhưng trong CLB đại điền Hải Phòng họ lại chiếm tới 50%, làm không kém gì đàn ông.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà đang chỉ đạo con rể lái may bay phun thuốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà đang chỉ đạo con rể lái may bay phun thuốc. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người con của đất Vinh Quang

Bài liên quan

Như ở huyện Tiên Lãng có chị Hà, chị Quả, chị Gấm…, ở huyện Vĩnh Bảo có chị Gái, chị Hải, chị Đềm, chị Duyên… Ai cũng mạnh mẽ, quyết đoán và có tư duy trở thành bà chủ lớn cả. Đứng trước mặt tôi hôm đó là nữ đại điền Đặng Thị Thúy Hà ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) - nơi xảy ra vụ ông Đoàn Văn Vươn chống lại việc cưỡng chế đất gây xôn xao dư luận cả nước năm nào.

Vừa ra ngoài đồng phụ chồng và con rể phun thuốc bằng máy bay ở cánh đồng Mẫu Ba, nghe tin tôi đến chị quầy quả về, quần áo chống nắng che kín toàn thân, mặt bịt khăn chỉ hở mỗi đôi mắt. Khi chồng và con rể làm xong thì chị đã giục đi mua thịt chó để đãi khách. Thịt chó là một đặc sản của đất Tiên Lãng, làm cho bao người “say” nghiêng ngả chẳng kém gì thuốc lào. Bữa trưa đó bên bát rựa mận thơm ngạt ngào, chuyện trò giữa chúng tôi cứ rào rào một cách tự nhiên.

Trước, anh chị là chủ tàu cá chuyên đi khơi, cũng kiếm được kha khá. Nghĩ nghề biển bấp bênh, nay có nhưng mai chẳng biết thế nào, họ “thả neo” vào bờ bằng việc mua cái máy cày con, ngoài cày mấy sào ruộng nhà còn làm dịch vụ cho bà con. Năm 2013 khi nghe chính sách của TP Hải Phòng hỗ trợ 50% cho nông dân cơ giới hóa đồng bộ, chị chớp thời cơ cầm sổ đỏ, vay tiền để phụ thêm, mua đám máy cày, máy cấy, máy gặt… trị giá 1 tỉ đồng về mở rộng dịch vụ.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Hễ ai bỏ ruộng chị lại xin thuê, trả mức 10kg thóc/sào. Vụ đầu cấy 10 mẫu chị thu được 20 tấn thóc. Buổi trưa hôm ấy, bán thóc xong hai vợ chồng đóng hết cửa nhà lại rồi bày tiền ra mà đếm đi đếm lại. Tổng cộng được 140 triệu đồng, trong đó 70 triệu đồng là lãi, điều mà ngay cả trong mơ chị cũng chẳng dám mơ tới. Không có két, chị chia nhỏ tiền ra rồi nhét vào tủ, hết khe nọ đến khe kia để phòng trộm có lấy thì cũng không bị mất hết. Mấy năm sau cái tủ hỏng, phải thay cái mới, lúc lôi quần áo ra chị thấy vẫn còn sót mấy triệu đồng tiền giấu từ vụ lúa năm nào.

Về sau, dân bỏ ruộng mỗi lúc một nhiều. Lắm người nghe tiếng của chị liền đến, chân tình bảo rằng: “Chị cứ cấy ruộng nhà tôi đi, bao giờ nhà nước lấy thì trả lại”. Chị lại bàn với chồng mua thêm máy móc, vật tư, phân bón, thuốc BVTV để mở rộng diện tích cấy, vụ nhiều 70 mẫu, vụ ít cũng 60 mẫu và còn làm hàng trăm mẫu dịch vụ cho bà con.

Bài liên quan

Chị hăng hái tham gia vào CLB đại điền Hải Phòng, ngoài giao lưu, học hỏi còn để ai thiếu mạ thừa mạ, thiếu máy thừa máy thì liên hệ, trao đổi. Các đại điền được cán bộ khuyến nông, BVTV rất quan tâm. Như vụ này chị làm mô hình khuyến nông trên quy mô 10ha, làm mô hình BVTV trên quy mô 5ha, được hỗ trợ 50% phân bón, thuốc BVTV và được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật.

Chị nổi tiếng bởi những cánh đồng vàng óng, những đống thóc chất cao trên bờ đến nỗi nhìn lên hoa cả mắt, những đoàn ô tô tải kìn kìn kéo tới cân hàng. Được mùa điển hình như 3 năm 2020, 2021, 2022, mỗi năm vợ chồng chị lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng, mua nhà 1,4 tỉ đồng, mua ô tô 700 triệu đồng cho con gái trên phố, cho con trai hàng tỉ đồng để đi nước ngoài làm ăn và mua mảnh vườn 8 sào trị giá hơn 1 tỉ đồng ở quê để lấy chốn nghỉ ngơi lúc về già. Hễ chị đến ngân hàng huyện là mấy cô nhân viên lại đon đả đón vào phòng VIP, miệng cười tươi như hoa: “Mời đại điền vào gửi tiền”.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà đi thăm lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà đi thăm lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đất nhiễm mặn làm đảo lộn mọi dự định

Bài liên quan

Là phụ nữ nhưng tính chị Hà rất quyết đoán, những gì chồng còn đắn đo thì tự quyết định luôn. Như hồi tháng 6 năm 2023 bàn mua cái máy bay hơn 300 triệu đồng chồng còn băn khoăn bởi chưa ai biết bay thì chị khẳng định mình sẽ đi học lái. Vậy là chị vay 200 triệu đồng để mua máy bay, không may lại đúng vào chuỗi năm mất mùa.

“Lúc trước thiên nhiên ưu đãi, sâu bệnh ít, làm lúa có 3 - 4 tháng mà đã được mớ tiền, không gì lãi nhanh như thế nên càng làm tôi lại càng mê. Nhưng vụ xuân năm 2023 lúa bị nhiễm mặn, trổ mà không vào hạt, cấy 60 mẫu ruộng không thu được đồng nào, mất trắng 400 triệu đồng. Vụ mùa năm 2023 lúa bị nhiễm mặn, năng suất chỉ khoảng 1 tạ/sào, lỗ 100 triệu đồng. Vụ xuân năm nay tôi đầu tư cày mất 100 triệu đồng, cấy mất 100 triệu đồng, thuốc trừ sâu mất hơn 100 triệu đồng, phân bón 150 triệu đồng nhưng lúa nhiễm mặn chẳng có thu, chưa kể lỗ thêm 40 triệu đồng tiền thuê đất nữa”, chị Hà kể.

Cũng trong vụ xuân 2024 chị thử nghiệm 5 giống lúa khác nhau để xem chúng chống chịu mặn thế nào mà chỉ được mỗi tạp giao (lúa lai Trung Quốc). Cùng làm mạ, cùng cấy như nhau nhưng đi thăm đồng ở xã khác thấy xanh mướt, về nhìn đồng mình lại đỏ rực. Sâu bệnh còn chống đỡ được chứ đất bị nhiễm mặn thì không. Nông nghiệp bây giờ rủi ro hơn cả đi biển khi xưa bởi biển động không ai đi, không tốn tiền dầu, chỉ tốn thời gian chờ đợi, còn nông nghiệp đã đầu tư thì không thể rút lại được, mất mùa là mất trắng bao công sức, tiền của.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà trước nỗi lo đất nhiễm mặn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đại điền Đặng Thị Thúy Hà trước nỗi lo đất nhiễm mặn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Huyện Tiên Lãng giống như một ốc đảo, xung quanh là sông, là biển, mấy năm nay mọc lên một loạt các nhà máy nước mi ni, hầu như mỗi xã một cái, chúng dẫn nước mặt từ các con sông về để lọc. Một số thời điểm độ mặn vượt quy chuẩn cho phép nhưng không được nhà máy kiểm tra, đóng cống kịp thời dẫn đến tình trạng nước mặn tràn vào kênh mương, xâm nhập sâu vào nội đồng.

Anh Trần Văn Thể chồng chị Hà than thở, lúc đồng làm ải không cần nước nữa thì các nhà máy dẫn nước vào sông, vào kênh để lọc lấy nước sinh hoạt. Trước nông dân để ải cả tháng nhưng 13 năm nay đất ở xã Vinh Quang chưa bao giờ khô để mà làm ải cả. Ruộng lầy đến nỗi người xuống có chỗ thụt tới bẹn, máy cấy bị sa lầy phải trở lại cấy tay, riêng gia đình anh mỗi vụ mất cả 100 triệu đồng thuê cấy.

“2 - 3 năm nay nước mặn vào sâu tới 17 cây số khiến nhiều nông dân cũng như đại điền đều mất mùa, lúa trổ bông to như đuôi trâu mà phải dập đi. Có ít nhất 5 đại điền ở xã Vinh Quang, xã Hùng Thắng bị ảnh hưởng như thế, kêu nhiều rồi mà tình trạng đó vẫn chưa được khắc phục.

Trong đầu tôi luôn có suy nghĩ tại sao nông dân Việt phải bỏ xứ đi sang Úc làm nông thuê. Nếu cánh đồng gọn vùng, gọn thửa thì vợ chồng tôi có thể làm giàu nhờ nghề nông như Úc được. Suy nghĩ ấy đúng ở mấy năm đầu, rồi sau đó đảo lộn hoàn toàn vì tình trạng nhiễm mặn. Chúng tôi chỉ ước nhà nước làm đường nước sinh hoạt riêng từ thượng nguồn về, không lấy nước mặt từ các dòng sông, kênh nữa để hết cảnh đồng đất bị nhiễm mặn”, anh Thể bày tỏ ý kiến. (Hết)

"Đến ngay cả nước máy cấp cho người dân trong làng còn bị nhiễm mặn tới mức nấu cơm thấy khó ăn, nấu nước thấy uống chát ở cổ họng thì ngoài đồng cây lúa làm sao mà trổ bông, kết hạt được?", chị Đặng Thị Thúy Hà nói.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.