| Hotline: 0983.970.780

2 dòng ngan siêu thịt, siêu trứng nuôi hiệu quả kinh tế cao

Thứ Hai 13/11/2023 , 06:40 (GMT+7)

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) lai tạo thành công 2 dòng ngan siêu thịt và siêu trứng, năng suất thịt tăng 8 - 10%, năng suất trứng tăng 5 - 10 quả.

Ngan TP trống 12 tuần tuổi đạt hơn 5kg. Ngan TP mái 10 tuần tuổi đạt trên 2,8kg. Ảnh: Phương Thảo.

Ngan TP trống 12 tuần tuổi đạt hơn 5kg. Ngan TP mái 10 tuần tuổi đạt trên 2,8kg. Ảnh: Phương Thảo.

Hai dòng ngan TP là kết quả của Đề tài “Chọn tạo 2 dòng ngan năng suất cao từ nguồn nguyên liệu ngan Pháp R71SL nhập nội”, được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương năm 2019 - 2022.

Tổng kinh phí thực hiện đề tài là 7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước 3,5 tỷ đồng, nguồn tự có gần 3,5 tỷ đồng.

Kết quả đề tài nghiên cứu đã chọn tạo được dòng trống TP1 theo hướng nâng cao khối lượng cơ thể và dòng mái TP2 theo hướng nâng cao năng suất trứng.

Ông Vũ Đức Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho biết, từ 4 dòng ngan đơn tính R71SL nhập nội, bằng phương pháp lai cấp tiến tạo thế hệ xuất phát, đề tài chọn lọc định hướng qua 3 thế hệ tạo dòng trống theo hướng khối lượng cơ thể cao, dòng mái theo hướng năng suất trứng cao.

Từ 2 dòng mới chọn tạo, đề tài sử dụng phương pháp lai tạo các tổ hợp ngan bố mẹ và thương phẩm với 2 dòng ngan VS1, VS2 đã có của Trung tâm.

Áp dụng phương pháp phân lô so sánh, ngẫu nhiên hoàn toàn một nhân tố, Trung tâm tìm ra mức ăn thích hợp cho 2 dòng ngan mới, đồng thời tập hợp, phân tích các dữ liệu, áp dụng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng thú y, phòng bệnh chăn nuôi ngan sinh sản và thương phẩm để đưa ra 2 quy trình chăn nuôi phù hợp.

Kết quả, đã chọn tạo thành công 2 dòng ngan NTP1 và NTP2 với các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được mục tiêu đề tài: Ngan dòng trống TP1 có khối lượng cơ thể lúc 8 tuần tuổi đạt trên 3,4kg, con mái đạt 2,3kg.

Ngan dòng mái TP2 có năng suất trứng/2 chu kỳ đạt trên 200 quả. Tỷ lệ phôi 94 - 96%. Tỷ lệ nở/tổng trứng ấp đạt 79 - 82%.

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 ngan TP bố mẹ, từ đó tạo ra 2,7 triệu ngan thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 32 - 81 tỷ đồng. Ảnh: Phương Thảo.

Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 ngan TP bố mẹ, từ đó tạo ra 2,7 triệu ngan thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 32 - 81 tỷ đồng. Ảnh: Phương Thảo.

Đối với ngan thương phẩm, khối lượng ngan trống lúc 12 tuần tuổi đạt hơn 5kg. Ngan mái lúc 10 tuần tuổi đạt trên 2,8kg. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng cơ thể nhỏ hơn 2,8kg.

So với các giống ngan khác, ngan TP thương phẩm có khối lượng cơ thể cao hơn 200 - 500g, tiêu tốn thức ăn giảm từ 0,2 - 0,7kg.

Ngan TP thương phẩm có hiệu quả chăn nuôi đạt khá cao 9.500.000 đồng cho 300 ngan, với giá bán ngan trên thị trường 60.000 đồng/kg cho lãi bình quân/con đạt 31.500 đồng.

So sánh với việc nuôi các giống ngan thương phẩm khác, ngan TP thương phẩm cho cho lãi cao hơn từ 8.000 - 10.000 đồng/con.

Giá trị lớn nhất của dòng ngan TP được lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương nhận định đến từ giá bán con thương phẩm.

Mỗi năm, Trung tâm cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 ngan bố mẹ, từ đó tạo ra 2,7 triệu ngan thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 32 - 81 tỷ đồng so với việc nuôi các giống ngan thương phẩm khác.

Chia sẻ từ góc độ của người chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Bình (Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết, trại ngan TP của ông đã xuất một lứa đầu năm thu lãi khoảng 100.000/con chưa trừ chi phí lao động, với giá bán 68.000 đồng/kg. Mỗi con ngan TP ông nuôi đạt hơn 5kg/con.

Trung bình, mỗi lần nhập hơn 1.000 con, ông Bình đánh giá, giống ngan TP có chất lượng tốt, tỷ lệ chết, bệnh tương đối ít, mặt bằng con giống đồng đều.

Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành chăn nuôi, ông Bình vui mừng cho biết, lứa vừa rồi ông nhập giống ngan TP của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi đã giúp ông thắng lớn.

Dòng ngan TP của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương mang lại yên tâm cho bà con chăn nuôi. Ảnh: Phương Thảo.

Dòng ngan TP của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương mang lại yên tâm cho bà con chăn nuôi. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Ngô Minh Thông (Ba Vì, Hà Nội) cũng nhận định, giống ngan TP mang lại yên tâm cho bà con chăn nuôi. Ông Thông đã bán được một đợt ngan TP đầu năm lãi 70.000 - 80.000 đồng/con bao gồm cả các chi phí đầu tư, lao động. Trung bình, ngan TP ông Thông nuôi đạt hơn 5kg/con, có con lên đến gần 6kg.

Từ kinh nghiệm thực tế, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho rằng, mô hình nuôi nhốt công nghiệp hiện có hiệu quả nhất trong chăn nuôi ngan TP, bởi có khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nuôi thả hoặc bán công nghiệp.

Ông Vũ Đức Cảnh phân tích, giống ngan TP thường dễ mắc dịch bệnh, nhất vào đợt sau Tết Âm lịch, mùa mưa phùn. Để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi ngan TP, quy trình thú y cần phụ thuộc vào lịch sử bệnh lý mỗi vùng. Do đó, người chăn nuôi cần làm tốt quy trình vệ sinh, phòng bệnh, cân bằng thức ăn dinh dưỡng, sử dụng các loại cám có uy tín liên doanh nước ngoài.

Các giống ngan nói chung và ngan TP nói riêng thường gặp phải các dịch bệnh như Tembusu, viêm gan, nấm phổi. Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương khuyến cáo người chăn nuôi tuân thủ vệ sinh chuồng trại, làm tốt quy trình vacxin.

Cụ thể, 1 ngày tuổi tiêm vacxin viêm gan, rụt mỏ; 7 ngày tuổi tiêm dịch tả; 10 ngày tuổi tiêm vacxin Tembusu; 17 ngày tuổi nhắc lại vacxin rụt mỏ; 20 ngày tuổi tiêm vacxin cúm; 30 ngày tuổi nhắc lại vacxin dịch tả lần 2.

Thông tin về tình hình nuôi ngan trên cả nước, ông Cảnh cho biết, Đồng bằng sông Hồng là vùng trọng điểm, chủ yếu là Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Trung du miền núi Bắc Bộ nuôi ngan ở quy mô ít, mô hình nhỏ.

Ngan có đầu ra thuận lợi dễ bán, vì số lượng không nhiều, nên không có sự cạnh tranh lớn. Riêng dòng ngan TP hiện đang được nuôi nhiều ở miền Bắc hơn miền Nam.

"Khách hàng của Trung tâm chủ yếu là các hộ chăn nuôi, nông hộ, do đó, sau khi chuyển giao con giống, chúng tôi sẽ có cán bộ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con chăn nuôi", Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho biết thêm.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.