Trong chương trình làm việc tại tỉnh Yên Bái, đoàn công tác tỉnh Lào Cai đã đến tham quan một số mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Trấn Yên (huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực miền núi phía Bắc).
Tại Nhà máy chế biến tiêu thụ măng tre Bát Độ của Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam (thuộc Cụm công nghiệp Hưng Khánh, huyện Trấn Yên), đoàn đã tham quan dây chuyền chế biến các sản phẩm măng Bát Độ muối, măng khô, măng ăn liền xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhà máy có công suất chế biến là 2.500 tấn măng tươi/năm và 600 tấn măng khô/năm, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hơn 60 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp đó, đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại xã Hồng Ca, đây là xã đặc biệt khó khăn với đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, địa phương này được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2019.
Ông Phạm Xuân Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca cho biết, hiện nay xã tiếp tục thực hiện xây dựng NTM với phương châm bắt đầu từ cơ sở thôn, bản để đảm bảo thực chất, hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc và đảm bảo tính bền vững. Xã Hồng Ca đã xây dựng thôn Khuôn Bổ - thôn người Mông đầu tiên trong toàn tỉnh được công nhận thôn NTM kiểu mẫu năm 2021, đến hết năm 2023, xã Hồng Ca đã có 7/12 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Trong chuyến làm việc, đoàn công tác 2 tỉnh cũng đã tới thăm vùng trồng dâu, nuôi tằm tại xã Việt Thành và các HTX dâu tằm của địa phương. Việt Thành cũng là thủ phủ của vùng dâu tằm Trấn Yên, hiện tổng diện tích dâu toàn xã hơn 220ha. Trên địa bàn xã hiện có gần 1.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, 3 HTX dâu tằm, 40 tổ hợp tác, 3 chuỗi liên kết sản xuất liên kết với Công ty Cổ phần dâu tằm tơ Yên Bái. Sản lượng kén tằm gần 500 tấn/năm, giá trị thu nhập gần 100 tỷ đồng.
Qua tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả và việc xây dựng NTM tại một số xã, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai mong muốn thời gian tới, 2 tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 4 địa phương cấp huyện gồm Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, trên 200 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái dự kiến huy động gần 44.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, xây dựng nông thôn mới là một trong những chương trình quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân. Tỉnh Yên Bái đã tận dụng, huy động mọi nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện chương trình NTM. Tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Yên Bái đứng trong tốp các tỉnh, thành có tỷ lệ cao trên cả nước.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện các tiêu chí; cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh. Chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm sáng tạo giữa các địa phương, từ đó nhân rộng triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh.
Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho xây dựng thôn, xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hình thành các vùng cây trồng chủ lực, thu hút các nhà máy chế biến; đẩy mạnh tiêu thụ liên kết giữa các xã trong huyện, giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu; tập trung triển khai, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
So với Yên Bái, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Lào Cai còn chậm, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 2 địa phương cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ năm 2021 - 2023, tỉnh Lào Cai đã huy động gần 5.200 tỷ đồng để xây dựng NTM; tổng nguồn lực dự kiến thực hiện xây dựng NTM năm 2024 là hơn 2.650 tỷ đồng...
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, ấn tượng với những kết quả tỉnh Yên Bái đạt được trong xây dựng NTM, thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ tập trung dành nguồn lực, lồng ghép, huy động kinh phí để triển khai thực hiện các tiêu chí NTM, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 84 xã đạt chuẩn NTM.
Những kinh nghiệm trong chuyến tham quan, làm việc tại tỉnh Yên Bái sẽ là cơ sở, bài học kinh nghiệm để các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan của tỉnh Lào Cai tiếp thu, tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Lào Cai mong muốn 2 tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm, cách làm, cách triển khai các mô hình hay trong lĩnh vực xây dựng NTM, quản lý bảo vệ rừng và chuyển đổi số… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.