| Hotline: 0983.970.780

Trấn Yên phấn đấu trở thành huyện điểm đầu tiên tại Yên Bái

Thứ Ba 11/04/2023 , 09:38 (GMT+7)

Huyện Trấn Yên đang “tăng tốc” phát huy nội lực, phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Yên Bái vào năm 2024.

Nhiều ngôi nhà mới khang trang được xây dựng tạo nên những phố trong rừng ở các xã vùng cao của huyện Trấn Yên.

Nhiều ngôi nhà mới khang trang được xây dựng tạo nên những phố trong rừng ở các xã vùng cao của huyện Trấn Yên.

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, trong thời gian qua huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) luôn nỗ lực phấn xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với đô thị hóa đảm bảo “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Hiện nay, huyện Trấn Yên đang “tăng tốc” phát huy nội lực để nâng cao hơn chất lượng các tiêu chí, phấn đấu trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh Yên Bái vào năm 2024.

Trấn Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, có diện tích tự nhiên gần 63.000 ha. Tổng dân số hiện nay có hơn 86.000 người với 16 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 38,47%. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, quyết tâm và trách nhiệm của cộng đồng người dân, huyện Trấn Yên là một trong những địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc.

Công cuộc xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân.

Bà Triệu Thị Bích Liệu – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Trấn Yên (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM) cho biết: “Điều đáng mừng nhất trong thực hiện xây dựng NTM là đã thay đổi nhận thức của người dân, người dân đã thực sự hiểu được đây là công việc của chính mình, đem lại lợi ích cho họ và họ là người được hưởng thụ.

Chính từ đó, người dân đã đồng lòng đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển NTM một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ban chỉ đạo đã khuyến khích các xã thực hiện mô hình NTM kiểu mẫu thực hiện các tiêu chí nổi trội ở các lĩnh vực như: Cảnh quan môi trường, giáo dục, sản xuất, chuyển đổi số”.

Người dân tộc thiểu số ở Trấn Yên từng bước thoát nghèo nhờ sản phẩm măng tre Bát Độ.

Người dân tộc thiểu số ở Trấn Yên từng bước thoát nghèo nhờ sản phẩm măng tre Bát Độ.

Đến nay, diện mạo nông thôn ở Trấn Yên đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc được phát huy. Tính đến hết năm 2022, huyện Trấn Yên đã có 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 98 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Những kết quả quan trọng đó đã góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch, nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại; môi trường ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp; kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả cao hơn; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Ông Đỗ Xuân Sang, người dân xã Quy Mông (huyện Trấn Yên) phấn khởi nói: “Đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa đều được sửa chữa, làm mới. Người dân chúng tôi rất in tưởng và đồng thuận với chủ chương xây dựng NTM ở địa phương. Từ đó, chúng tôi luôn đoàn kết cùng nhau thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời chủ động hiến đất, đóng góp tiền và công lao động để làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp”.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng xã NTM nâng cao 

Xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) là một trong 4 xã về đích xã NTM nâng cao trong năm 2022. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã luôn xác định người dân là chủ thể xây dựng NTM nâng cao, qua đó xã đã rà soát các phần việc, phân rõ trách nhiệm của xã, của thôn, làm rõ lộ trình, thời gian với cách làm cụ thể. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương dịch vụ, thương mại.

Ông Vi Việt Trung - Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp trao đổi: “Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 100 ha dâu, giá trị thu nhập bình quân từ 130 - 150 triệu đồng/ha/năm. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các nhóm hợp tác, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tạo mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hệ thống các tuyến đường giao thông đều được nâng cấp thảm nhựa hoặc đổ bê tông, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm tăng cường với hoạt động thu gom và xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt theo quy định. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,49%.”

Không chỉ riêng ở xã Báo Đáp mà phong trào xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu ở huyện Trấn Yên phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương. Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Trấn Yên đã làm cho cảnh quan môi trường nông thôn thay đổi từ vùng thấp đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,52%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,2%, đặc biệt là kết quả trong xây dựng NTM đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn.

Cán bộ lãnh đạo và công chức xã Minh Quán (Trấn Yên) lao động vệ sinh tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.

Cán bộ lãnh đạo và công chức xã Minh Quán (Trấn Yên) lao động vệ sinh tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.

Huyện Trấn Yên phấn đấu hết năm 2023 sẽ có thêm 4 xã đạt NTM nâng cao; đến năm 2024, toàn huyện có 16 xã đạt xã NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và đến năm 2025 xây dựng từ 6 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về các lĩnh vực môi trường, giáo dục, văn hóa, kinh tế, an ninh trật tự...

Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết thêm: “Từ nay đến năm 2024, huyện Trấn Yên sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như: Duy trì và hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kết cấu cơ sở hạ tầng và các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn đảm bảo theo quy hoạch; Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường huyện từ đường quốc lộ, tỉnh lộ vào trung tâm xã để đạt tỷ lệ 100% đường điện chiếu sáng. Đối với phát triển kinh tế tiếp tục thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn như: Khu công nghiệp Minh Quân; Cụm công nghiệp Báo Đáp; Cụm công nghiệp Hưng Khánh; Cụm công nghiệp Bảo Hưng. Ngoài ra, thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP gắn với chuyển đổi số nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương; đến năm 2025, huyện Trấn Yên phấn đấu sẽ được công nhận 45 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên”.

Song song vói đó, địa phương cũng nêu cao việc phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chủ động, tích cực vận động nhân dân xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là các tiêu chí như: hiến đất làm đường, vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, các công trình vệ sinh, phát hiện các nhân tố mới, cách làm hay, mô hình mẫu trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị để biểu dương và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong phong trào xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.