| Hotline: 0983.970.780

"4 nhà" làm cánh đồng lớn

Thứ Sáu 15/08/2014 , 08:14 (GMT+7)

Từ ngày làm cánh đồng lớn (CĐL) đến nay, những hộ dân tham gia mô hình hưởng lợi rất lớn. 

Đã qua 8 vụ lúa, 56 hộ nông dân tham gia cánh đồng lớn (CĐL) trên diện tích 102 ha ở các ấp Châu Hưng, Ô Mịch, xã Châu Điền (huyện Cầu Kè, Trà Vinh) được hưởng lợi nhiều hơn từ việc liên kết chặt chẽ của 4 nhà.

Ông Lưu Hồng Đạm có 4 ha đất SX lúa trong CĐL ở ấp Châu Hưng nói: "Từ ngày làm CĐL đến nay, những hộ dân tham gia mô hình hưởng lợi rất lớn. Cái lợi đầu tiên là giúp bà con thoát khỏi cảnh mua giống, VTNN ghi nợ trả lãi. Đầu vụ hộ tham gia đến đại lý mua VTNN mang phiếu tính tiền về đưa cho Cty ký hợp đồng tham gia 4 nhà. Số tiền này, Cty cho nông dân mượn mua VTNN đến cuối vụ thu hồi lại bằng lúa. Định mức cho bà con mượn theo phương án '3 giảm, 3 tăng' của ngành nông nghiệp".

Ông Đạm tính toán, SX 1 ha lúa nông dân cần khoảng 12 triệu đồng để đầu tư đến ngày thu hoạch. Nếu không có tiền mặt phải ký nợ trong 3 tháng, chịu lãi suất 10% cho đại lý VTNN. Như vậy, đến cuối vụ nhà nông phải trả 13,2 triệu đồng. Từ ngày Cty Lương thực Trà Vinh liên kết trên CĐL này đã giúp cho bà con khỏi phải trả lãi. Không còn mua ký nợ nên cuối vụ lúa nông dân thu thêm lợi nhuận bình quân 1,2 triệu đồng/ha.

Cái lợi kế tiếp là cán bộ nông nghiệp luôn bám sát đồng ruộng giúp dân kịp thời trong việc phòng trừ sâu bệnh, cách chăm sóc, bón phân. Nông dân tham CĐL được Nhà nước hỗ trợ 30% tiền mua giống xác nhận. Đầu ra sản phẩm được Cty thu mua bằng với giá thị trường.

UBND huyện Cầu Kè đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển CĐL lên khoảng 3.000 ha và xây dựng cánh đồng lúa sạch, an toàn. Đã có 50 ha lúa ở ấp Ô Mịch, xã Châu Điền (100% hộ dân người đồng bào dân tôc Khmer) được cấp chứng nhận VietGAP năm 2013.

Hiện tại, trên CĐL ngoài Cty Lương thực Trà Vinh còn có cơ sở SX lúa giống Chín Táo ở ấp Phú Khánh, xã Song Lộc (Châu Thành) đã gắn kết với bà con theo hình thức bán giống trả chậm đến cuối vụ thu hồi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đẹp, canh tác 2 ha lúa giống trong ở xã Châu Điền chia sẻ: "3 năm tham gia SX lúa giống trong CĐL tôi thấy thu nhập cao hơn so với làm lúa thường.

Đầu vụ cơ sở lúa giống Chín Táo cung ứng giống, đưa lao động đến ruộng kết hợp cùng gia đình cấy lúa. Đến cuối vụ thu hoạch cơ sở Chín Táo thu mua cao hơn lúa thường 500 đồng/kg. Nhân công cấy lúa, tiền lúa giống khoảng 7 triệu đồng/ha được cơ sở hỗ trợ 100%".

Còn ông Thạch Khuôl, Chủ tịch UBND xã Châu Điền cho biết: "Đã qua 8 vụ lúa, mô hình CĐL đã giúp 56 hộ canh tác trên 102 ha hưởng lợi rất lớn. Phương thức thực hiện rất đơn giản. Nông dân đến đại lý VTNN mua giống, phân bón, thuốc BVTV... rồi ghi phiếu tính tiền về đưa cho Cty thanh toán, cuối vụ Cty thu lại bằng lúa. Bình quân, 1 vụ Cty cho nông dân mượn khoảng 318 triệu đồng. Kế hoạch vụ TĐ 2014 địa phương sẽ nhân rộng CĐL lên 200 ha".

Ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: "Liên kết SX lúa theo mô hình CĐL là giải pháp giúp nông dân làm giàu. Toàn huyện hiện có 379 hộ ở 2 xã Châu Điền và Phong Phú SX 580 ha lúa trong CĐL. Bà con tham gia còn được hỗ trợ 30% tiền mua lúa giống. Từ những chính sách kịp thời, cùng với DN liên kết SX đã góp phần tăng nhanh tỷ lệ nông dân sử dụng giống xác nhận".

Toàn bộ sản phẩm được Cty Sinh thái Phú Quốc (Kiên Giang) ký hợp đồng thu mua với giá cao thị trường 500 đồng/kg. Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ chi phí vận chuyển từ đồng đến ghe lớn, ứng tiền hỗ trợ lúa giống, phân hữu cơ trả chậm. Lợi nhuận của lúa VietGAP cao hơn ngoài mô hình 2,16 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.