| Hotline: 0983.970.780

5 điều cần làm để phát triển nuôi biển gắn với du lịch sinh thái

Thứ Tư 19/04/2023 , 11:19 (GMT+7)

PGS.TS Võ Văn Nha chia sẻ suy nghĩ và gợi ý những việc nên hành động ngay khi phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển.

Để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển thì cộng đồng nuôi biển cần phải có hành động cụ thể, thiết thực và cấp bách. Ảnh minh họa.

Để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển thì cộng đồng nuôi biển cần phải có hành động cụ thể, thiết thực và cấp bách. Ảnh minh họa.

Nuôi trồng thủy sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 1664/QĐ-TTg, ngày 4/10/2021) và Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT (Quyết định 1195/QĐ-BNN-TCTS, ngày 4/4/2022), cụ thể mục tiêu này là: Tháo gỡ xung đột lợi ích trong không gian biển. Xung đột đó là: (1) Người nuôi trồng thủy sản trên biển với người nuôi trồng thủy sản trên biển trong việc cạnh tranh không gian biển; (2) Người nuôi trồng thủy sản trên biển với cộng đồng dân cư ven biển do ô nhiễm môi trường; (3) Ngành nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác, trong đó có du lịch sinh thái biển.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khi nói về "Câu chuyện nuôi biển" đã có câu “Ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, cần trao cơ hội cho cộng đồng này, đồng thời không tước mất cơ hội của cộng đồng khác”.

Để làm được điều này, có nhiều vấn đề cần đề cập, với suy nghĩ của một nhà khoa học về nuôi trồng thủy sản, tôi có vài chia sẻ sau:

Chúng ta biết rằng, nuôi trồng thủy sản trên biển (hay gọi là nuôi biển) chỉ là một trong nhiều phân ngành của kinh tế biển. Do vậy, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc kết hợp hay gắn kết với các ngành khác của kinh tế biển, chẳng hạn như du lịch sinh thái biển, để gia tăng giá trị cho mình? Nếu chúng ta nghĩ được như thế, tức là chúng ta đã thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức về nuôi biển. Thay đổi ở đây tức là, từ tư duy đơn ngành, sang tư duy đa ngành; tư duy tích hợp sẽ tạo ra không gian phát triển tích hợp, không gian tích hợp tạo ra giá trị tích hợp.

Chúng ta cần nhìn nền kinh tế nông nghiệp theo cách tiếp cận đa chiều, đa dụng, đa chức năng và đa giá trị. Chúng ta đâu đó cũng đã nghe rằng, nông nghiệp kết hợp với du lịch ở Quảng Nam, Đồng Tháp, Bắc Ninh,… đã mang lại giá trị cao cho người nông dân. Thì như vậy, tại sao không gắn việc nuôi biển với du lịch sinh thái biển, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn, niềm tin hy vọng hơn khi đầu tư mô hình tích hợp này.

Gắn việc nuôi biển với du lịch sinh thái biển chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Ảnh minh họa.

Gắn việc nuôi biển với du lịch sinh thái biển chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Ảnh minh họa.

Để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển thì cộng đồng nuôi biển cần phải có hành động cụ thể, thiết thực và cấp bách, đó là:

Thứ nhất, từ bỏ tư duy phát triển tự phát, đơn lẻ, manh mún; phải tư duy hợp tác, liên kết chặt chẽ. Biết mua chung - bán chung để tiết kiệm chi phí sản xuất, biết sản xuất cái thị trường cần chứ không phải cái mình có. Ngoài ra, tư duy hợp tác, liên kết chặt chẽ còn là điều kiện để chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý vùng nuôi bằng công nghệ số, giải quyết tốt những vấn đề về môi trường. Là điều kiện để phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà cộng đồng làm ra.

Thứ hai, biết và khai thác tốt bản sắc, văn hoá làng biển, phương thức nuôi trồng, đánh bắt đặc sắc của địa phương mình để tạo nên sự khác biệt, không sao chép. Biết tự hào về mình, về nghề và quê hương mình. Xem đây là những “tài sản” quí giá phục vụ cho việc nuôi biển gắn với du lịch sinh thái biển.

Thứ ba, hiểu và dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm hiểu những sở thích, mong muốn giải trí của người đi du lịch. Cần biết cách quan sát, thấu hiểu tâm lý, nhu cầu của du khách như: mong muốn được phục vụ tận tình, chu đáo, mộc mạc, nghĩa tình,….

Thứ tư, biết và chăm chút, chắt chiu từ những điều nhỏ nhất, chịu khó học hỏi những kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nếp sống văn hoá, văn minh, lịch sự…, ngoài những kiến thức về giống, kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, quản lý thức ăn, môi trường, dịch bệnh ở thủy sản nuôi. Điều này, cần có sự hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và cần được trao nhiều cơ hội hơn để kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội lữ hành.

Thứ năm, tài chính để đầu tư về cơ sở hạ tầng nuôi biển, gắn với du lịch sinh thái biển. Cái này, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, ưu đãi lãi suất, vốn vay cho cộng đồng nuôi biển, gắn với du lịch sinh thái biển.

Nuôi tôm hùm tại Phú Yên. Ảnh: Phước Hoài/Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Nuôi tôm hùm tại Phú Yên. Ảnh: Phước Hoài/Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Để mô hình này phát triển bền vững thì phải có sự đồng thuận, ủng hộ rất cao; có tinh thần hợp tác, chia sẻ một cách chân thành, có niềm tin, sự kiên trì, lòng quyết tâm và cam kết gắn bó của cộng đồng nuôi biển, nhằm gìn giữ môi trường, cảnh quan trong sạch, nét đẹp văn hoá quê hương. Đâu đó có câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Cộng đồng nuôi biển nên hiểu rằng: Phát triển nuôi biển, gắn với du lịch biển là niềm tự hào của mình, là cơ hội để mình giới thiệu sản phẩm chính mình làm ra, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hoá làng biển, phương thức nuôi trồng, đánh bắt đặc sắc của địa phương mình.   

Phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là niềm tự hào của bản thân, của quê hương, xứ sở mình. Khi ấy, biển không “chỉ còn sóng gió” mà sẽ là “cô gái nhỏ, thầm thì gửi tâm tư” như lời thơ “Thuyền và Biển” của nhà thơ Xuân Quỳnh.

(Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản III)

Xem thêm
Cà Mau: Cua chết bất thường trên diện rộng

Tình trạng cua chết xảy ra ở nhiều địa phương khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm, nông dân lao đao.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.