Theo đó, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là: xã Bình Ba, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) đạt chuẩn xã nông thôn mới về lĩnh vực văn hóa. Xã Cù Bị (huyện Châu Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về lĩnh vực văn hóa và lĩnh vực an ninh trật tự.
Xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới về lĩnh vực văn hóa. Đây là 5 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, về lĩnh vực văn hóa, đến nay toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 47/47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ban hành quyết định công nhận 4 xã Bình Giã, Bình Trung, Sơn Bình và Xuân Sơn thuộc huyện Châu Đức đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh lên 35 xã.
Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu có 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 trên địa bàn tỉnh lên 80 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2023. Ngoài ra, mục tiêu đặt ra sẽ có ít nhất 90% km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 4,5 m2/người...
Để đạt được mục tiêu trên, Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; tập trung triển khai quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, tạo điều kiện thực hiện chương trình gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Cùng đó, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu…