| Hotline: 0983.970.780

50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ Hai 02/09/2019 , 09:35 (GMT+7)

Hạnh phúc của nhân dân là quan tâm lớn lao trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu).

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” và “đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp”. Điểm lại những thành tựu tiêu biểu của nông dân, nông nghiệp, nông thôn 50 năm qua, cũng là một cách để chúng ta kính báo với Bác về quá trình toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Người.
 

Nông dân đã trở thành chủ thể của quá trình phát triển

Cách mạng XHCN là để cho mỗi người dân bình thường được làm chủ vận mệnh của mình. Quá trình làm chủ của nông dân đã diễn ra rõ nhất trong thời kỳ đổi mới cùng với đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp.

Thứ nhất là trao quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (Khóa VI) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (5/4/1988) thực chất là sự trao quyền tự chủ trong sản xuất để đảm bảo lợi ích chính đáng của lao động nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đây là chính sách đổi mới thông qua “giải quyết đúng đắn các mối quan hệ về lợi ích, nhất là bảo đảm lợi ích chính đáng của người sản xuất trước hết là đối với người trồng lúa; không ngừng cải thiện đời sống nhân dân lao động, góp phần tích luỹ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Ở thời điểm đó, các HTX và tập đoàn sản xuất là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu của nông dân. Điểm đổi mới trong quản lý là nhấn mạnh “tính tự nguyện”; đề cao “nguyên tắc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh”. Nghị quyết chỉ rõ hướng đổi mới là “Hợp tác xã tự xác định các hình thức, quy mô tổ chức, phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phương thức quản lý và cách thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát triển mạnh sản xuất hàng hoá, không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của xã viên, tăng tích luỹ tái sản xuất mở rộng và phúc lợi của tập thể, làm tròn nghĩa vụ với nhà nước.” Bà con nông dân gọi giản dị đó là “Khoán 10”.

Thứ hai, luật hóa quyền làm chủ của nông dân bằng Luật Hợp tác xã. Luật ban hành tháng 4/1996 đã khẳng định: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, tự nguyện, do xã viên cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật. Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc xã viên tự nguyện gia nhập, quản lý dân chủ và bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi, kết hợp lợi ích của xã viên và của hợp tác xã.

Thứ ba, khẳng định người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn” (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008) đã khẳng định: “Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.” Và “giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Và với vai trò chủ thể ấy, nông dân nước ta được thực hiện những nguyện vọng chính đáng là được làm ăn và làm giàu, được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…
 

Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành nền sản xuất hàng hóa

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28/12/1989, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các hộ nông dân, thực hiện trong hai năm 1990 và 1991, mỗi năm miễn 50% số thuế ghi thu”.

Nông nghiệp cũng nỗ lực vươn lên để xứng đáng với sự quan tâm của Bác.

Từ “lo cái ăn” đến đảm bảo an ninh về lương thực; với “Khoán 10” nông nghiệp đã làm tròn trọng trách lo đủ “cái ăn” cho đất nước và từ năm 1989, có những triệu tấn gạo xuất khẩu đầu tiên. Kể từ đây, nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp có thặng dư, có tích lũy và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Từ phát huy thế mạnh từng địa phương đến chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VII (1993) chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Hướng chuyển động đầu tiên là điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường. Tình trạng tản mạn về sản xuất nông nghiệp dần được khắc phục, sản xuất hàng hóa lớn bắt đầu định hình ở một số địa phương. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X (2008) phát triển nông nghiệp trở thành “nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” nhằm “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài”. Từ đó, sản xuất nông nghiệp đã chuyển theo hướng chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng để sản xuất hàng hóa lớn hội nhập với thế giới.

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay là một nền nông nghiệp hướng về xuất khẩu với nhiều mặt hàng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Hàng hóa của nông nghiệp Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai Đông - Nam Á và thứ 15 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm đạt hơn 261 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD và dự kiến năm nay - 2019 sẽ đạt hơn 40 tỷ USD. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đã có 10 nhóm nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có năm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD…

Năng suất lao động nông nghiệp đã tăng từ 13,6 triệu đồng/lao động năm 2008 lên 35,5 triệu đồng/lao động năm 2017; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt tăng lên, từ 43,9 triệu đồng/ha năm 2008 lên 90,1 triệu đồng/ha năm 2017.
 

Nông thôn ngày càng đổi mới

Cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động nông thôn có sự thay đổi tích cực. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và đã hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Đến hết năm 2017, cả nước có 34.048 trang trại, tăng mạnh so với năm 2012 (22.564 trang trại). Số hộ chuyển sang làm ngành nghề, dịch vụ ngày càng tăng. Số hộ nông thôn tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2016 chiếm 40,03% (tăng 14,93% so với năm 2006).

Chất lượng cuộc sống ở nông thôn đã được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa 99,4% xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã; toàn bộ số xã, 97,8% số thôn, 99,2% hộ nông thôn có điện; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hóa. Có 88,5% dân số nông thôn bảo đảm được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Cuối năm 2018, cả nước đã có 3.687 xã (41,32%) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã; có 58 đơn vị cấp huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đảng và Nhà nước đang hiện nay đang đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; kinh tế nông thôn phát triển đa dạng, phồn thịnh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đó cũng là một hướng tích cực để tiếp tục tư tưởng Hồ Chí Minh: Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.