Tiếp nối thành công của các cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học ở khu bảo tồn biển, vai trò trách nhiệm của người dân tham gia công tác bảo tồn biển và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm ở các khu bảo tồn biển thông qua hình thức vẽ tranh, tổ chức các giải chạy trong năm 2022, năm 2023, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) và Sporting Republic cùng đồng hành tổ chức giải chạy Sông Hồng Half Marathon năm 2023 với chủ đề “Run4Turtles - Chạy vì rùa” nhằm lan tỏa thông điệp về bảo tồn, bảo vệ các loài rùa nói chung và các loài rùa biển nói riêng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa đối với các loài rùa tại Việt Nam.
Giải chạy diễn ra sáng 3/12 tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội), thu hút khoảng 500 vận động viên tham gia với các cự ly 21km, 10km thử thách, 5km chạy bộ/đi bộ gia đình và 1km trẻ em.
Bên lề giải “Chạy vì rùa” năm 2023, Cục Kiểm ngư cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về rùa biển, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ rùa biển nói riêng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung đến đông đảo vận động viên và người nhà tham gia.
Thông qua nhiều câu hỏi, trò chơi đố vui về rùa biển, người tham gia có cơ hội tìm hiểu các thông tin cụ thể hơn rùa biển - loài sinh vật cổ đại xuất hiện trên trái đất khoảng 220 triệu năm còn tồn tại đến ngày nay và những đặc điểm lý thú của chúng.
Giải chạy không chỉ là hoạt động thể thao khuyến khích mọi người rèn luyện sức khỏe và thể chất, chạy với đam mê và năng lượng mà còn lan tỏa tình yêu thể thao, yêu rùa biển tới cộng đồng.
Trên đường chạy dọc theo Khu đô thị Ciputra, các vận động viên, đặc biệt là các vận động viên nhí vừa tham gia chạy bộ vừa hòa mình vào lễ hội hóa trang thành những chú rùa biển xinh xắn vô cùng đáng yêu với chủ đề “Sinh ra để hoang dã”.
Sau giải chạy những chú rùa biển lại tiếp tục được trải nghiệm, tham gia cuộc thi ảnh đẹp hóa trang thành rùa biển để lan tỏa các thông điệp về bảo tồn, bảo vệ rùa biển và môi trường sống của chúng đến bạn bè và người thân.
Khu vực rùa biển thu hút đông đảo các vận động viên tham gia với các trải nghiệm chụp ảnh với nhân vật rùa biển ngộ nghĩnh và đăng tải trên các trang mạng xã hội để cùng lan tỏa tình yêu rùa biển.
Đây là chuỗi các hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa thiết thực được Cục Kiểm ngư và các đơn vị phối hợp tổ chức nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rùa biển, huy động sự chung tay của toàn xã hội tham gia bảo tồn, bảo vệ rùa biển và môi trường sống của chúng.
Việt Nam là quê hương của 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển, được pháp luật bảo vệ theo các mức độ khác nhau. Riêng đối với các loài rùa biển đều nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ và nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Tuy được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt, hầu hết những loài rùa bản địa này đều đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng trong chính môi trường sống tự nhiên của chúng bởi các hành vi của con người. Rùa thường bị săn bắt và buôn bán trái phép nhằm phục vụ nhu cầu nuôi làm cảnh, tập tục “phóng sinh” hay sử dụng làm thực phẩm và chế tác các sản phẩm khác. Vì vậy, việc bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển các loài rùa là hết sức cần thiết.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư cho biết: “Các loài rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ sinh thái, có giá trị khoa học cao, đem lại nguồn lợi cho cộng đồng từ các hoạt động du lịch sinh thái. Rùa biển có giá trị không thể đong đếm được về văn hóa, tâm linh đối với người dân ven biển tại nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng các loài rùa biển đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng trên toàn thế giới, phần lớn là do các hoạt động của con người”.
“Nếu chúng ta để mất rùa thì hệ sinh thái sẽ suy giảm, khi đó chúng ta cũng không còn cá. Thế nên, chúng ta cần phải chung tay bảo vệ rùa”, ông Lê Trần Nguyên Hùng nhấn mạnh.