Theo quy định, đối với sản phẩm động vật nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, 100% các lô hàng nhập khẩu được kiểm tra các chỉ tiêu cảm quan, lý hóa.
Bên cạnh đó, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức lấy mẫu kiểm tra, giám sát dư lượng kháng sinh, chất cấm đối với thịt gà, bò, lợn, trâu nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, kiểm tra dư lượng kháng sinh, kim loại nặng đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để đánh giá thực trạng về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nêu trên.
Kết quả giám sát 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, 8/321 (tương ứng 2,5%) mẫu sản phẩm động vật tồn dư kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép, tăng 1% so với 6 tháng đầu năm 2019 (1,5%).
Trong 8 mẫu động vật thủy sản có nguồn gốc nuôi trồng có tồn dư kháng sinh Enrofloxacine, có 7 mẫu cá chuối hoa nhập khẩu từ Trung Quốc, 1 mẫu cá bơn vỉ sống từ Hàn Quốc.
Enrofloxacine là một kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản theo quy định tại Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ NN-PTNT.
Đối với những mẫu động vật thủy sản nhập khẩu nhiễm kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép, Cục Thú y đang ban hành công văn cảnh báo đối với các lô hàng có mẫu giám sát không đảm bảo các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.
Trong thú y, kháng sinh Enrofloxacine được chỉ định chữa các bệnh nhiễm khuẩn. Năm 2016, Cục Thú y quyết định tạm dừng nhập khẩu 3 tháng đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin để kinh doanh, sản xuất thuốc thú y cho mục đích sử dụng trong nước.