Hỏi: Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu mang theo người như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 19 Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 8/3/2006 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quy định như sau:
Chủ hàng khi mang động vật, sản phẩm động vật theo người từ nước ngoài vào Việt Nam, thực hiện quy định như sau:
1. Chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu và khai báo vào tờ khai xuất nhập cảnh, khi mang theo người động vật, sản phẩm động vật với số lượng, khối lượng như sau:
a-Động vật: Số lượng không quá 2 con, với mục đích để nuôi làm cảnh, sinh hoạt trong gia đình, hoặc đi du lịch, công tác, quá cảnh và không thuộc Danh mục động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
b-Sản phẩm động vật: Khối lượng không quá 5 kg đối với thực phẩm chín có nguồn gốc động vật hoặc các sản phẩm có nguồn gốc động vật đã qua chế biến công nghiệp dùng để kinh doanh và không thuộc Danh mục sản phẩm động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
2. Chủ hàng không phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu, khi mang theo người sản phẩm động vật với khối lượng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này; không dùng để kinh doanh; không thuộc Danh mục sản phẩm động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
3. Chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y khi mang theo người động vật, sản phẩm động vật với số lượng, khối lượng trên mức quy định tại Khoản 1 Điều này; thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định.
4. Nghiêm cấm mang theo người sản phẩm có nguồn gốc động vật ở dạng tươi sống, sơ chế.
5. Nội dung kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định tại Khoản 1 Điều này:
a-Động vật: Kiểm tra sổ theo dõi sức khoẻ do cơ quan thú y nơi có động vật xuất phát cấp; giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu (nếu có); kiểm tra lâm sàng động vật; xét nghiệm hoặc tiêm phòng các bệnh (nếu cần thiết).
b-Sản phẩm động vật: Kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; kiểm tra thực trạng hàng nhập, đối chiếu với giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu; kiểm tra cảm quan, tình trạng bao gói sản phẩm động vật.
c-Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đối với động vật, sản phẩm động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y để chủ hàng làm thủ tục hải quan.
d-Lập biên bản và tiêu huỷ ngay tại khu vực gần cửa khẩu đối với động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
đ-Trường hợp giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu không hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu lập biên bản tạm giữ hàng và xử lý theo quy định.