8 tiếng nổi cơn thịnh nộ, cơn bão số 10 (Doksuri) đã “nuốt” trọn hơn 62.500 nóc nhà; nhiều trường học, trạm y tế, công sở; 3.100ha nuôi trồng thủy sản ... của tỉnh Hà Tĩnh.
Cơn thịnh nộ
Độ 4h sáng 15/9, TP Hà Tĩnh - vùng ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 bắt đầu nổi gió, lúc này thị xã Kỳ Anh - khu vực tâm bão đi qua, sóng yên biển lặng. Rất nhanh sau đó, 7h cùng ngày, cơn thịnh nộ bắt đầu bao trùm các huyện ven biển như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, đặc biệt là thị xã Kỳ Anh.
Hoang tàn, đổ nát là những hình ảnh hiện hữu sau khi cơn bão Doksuri quét qua thị xã Kỳ Anh |
Nằm co quắp cạnh bà Lài, bà Nguyễn Thị Thanh, cùng thôn mệt mỏi chia sẻ, mấy chục năm qua hầu như năm nào cũng có bão nên việc di dời đi tránh trú dân Kỳ Lợi cũng quen rồi. Tuy nhiên, năm nay bão dự báo giật trên cấp 12 nên ai ai cũng hoang mang, lo lắng. Ngoài trời mưa trắng xóa, gió thổi ầm ầm mấy tiếng liền, lúc nào cũng mạnh nên ngồi trong nhà chẳng thể xác định được lúc nào bão thực sự đổ bộ.
11h ngày 15/9, cuồng phong bắt đầu kéo đến, cả thị xã Kỳ Anh “thất thủ”, điện mất trên diện rộng, nhà nhà đóng kín cửa. Để trở lại trung tâm thị xã đảm bảo an toàn khi tác nghiệp, chúng tôi phải bê những tảng đá nặng đặt lên xe để tránh cơn bão hất tung. Suốt đường đi, hai bên đường cây xanh bị bẻ gãy, thậm chí có những cây cổ thụ hàng trăm năm cũng nằm “phơi bụng”.
Hình ảnh hoang tàn sau bão |
4 giờ sau đó (từ 11 đến 15h) “siêu bão” Doksuri bắt đầu càn quét. Sức gió ngoài trời lúc bấy giờ không thể xác định được nhưng đứng từ trên tầng 3 một tòa nhà cao tầng, chứng kiến cả mái nhà hàn bằng bê tông, cốt thép bị cuốn bay xa hơn 30m, đè bẹp ngôi nhà ngói hàng xóm đến tôi cũng hoảng sợ. Những tấm cửa kính cường lực bắt đầu rơi lộp độp, vỡ tung tóe. Ngoài đường, biển quảng cáo, mái tôn, prô xi măng bay vèo vèo hàng trăm mét...
Đồng nghiệp của tôi ở Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Kỳ Anh, giọng thảng thốt trên điện thoại: “Đồng nghiệp ơi, cột phát sóng truyền hình cao 100m bị bão đánh sập rồi. Nằm bên cạnh, cột trạm BTS của Viettel và 1 tháp của Viễn thông TX Kỳ Anh cũng đổ sập luôn”.
Cả xã “mất nóc”
Sau 15h bão tan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói với chúng tôi: “Hiếm có cơn bão nào kéo dài dai dẳng đến 8 tiếng đồng hồ. Sức tàn phá rất ghê gớm. Rất may nhờ chủ động ứng phó tốt nên hạn chế được tối đa thiệt hại về người”.
Cùng thời điểm này, chúng tôi ra đường ghi lại những hình thiệt hại ban đầu. Từ QL1A đến các tuyến đường liên xã, thôn xóm, hầu như tuyến nào cũng bị chia cắt vì cây cối, cột điện, tôn thép gãy đổ. Cả thị xã ngổn ngang như bãi chiến trường sau chiến tranh.
Bà Nhự Thị Vân, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh chưa hết bàng hoàng nói: “Đã gần 30 năm, kể từ năm 1990 trở lại đây tôi mới chứng kiến cơn bão mạnh và kéo dài như vậy”. Ngôi nhà bà Vân dựng làm chỗ trú mưa che nắng đã mấy chục năm đang bị đè bẹp bởi mái nhà bằng sắt thép của ông Bùi Quang Chín cách đó chừng 30m. Cơn bão cũng đã hất tung toàn bộ cửa, đồ dùng trong nhà, bây giờ bà phải nhờ chính quyền, đoàn thể giúp đỡ nhặt lại phần gạch, ngói còn dùng được để dựng lại nhà; vay mượn mua sắm đồ dùng mới.
Rất nhiều ngôi nhà "mất nóc" |
Xã biển Kỳ Lợi phải gánh chịu thiệt hại nặng nền nhất với hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Theo một lãnh đạo UBND xã, bà con nơi đây 100% bám biển mưu sinh, tuy nhiên, sau sự cố môi trường đời sống của họ đang gặp phải những khó khăn nhất định. Bây giờ cơn bão số 10 ập xuống phá hỏng hầu hết của cải người dân tích góp được nên tình cảnh bi đát càng nhân lên bội phần.
Vừa trở về từ nơi tránh trú, chị Nguyễn Thị Anh đứng bên ngôi nhà chỉ còn lại bốn bức tường khóc nức nở: “Trời ơi, còn chi mô nựa (không còn gì - PV). Ngói vỡ vụn hết, đồ đạc ướt sũng, bay tứ tung. Mai mốt biết sống thế nào!”. Nhìn vào ngôi nhà chị Anh đúng là quá bi đát. Những căn nhà khác bị tốc phần ngói, phần tôn, còn nhà chị đến thanh xà gồ, rui mèn cũng bay theo gió; tập sách vở của 2 con chị ướt nhẹp, rách tươm; nồi niêu xoong chảo mỗi cái mỗi nơi, dồn đống như bãi chiến trường, không thể vớt vát.
Ngay lúc này, cảnh “màn trời chiếu đất” rất dễ bắt gặp ở những địa phương ven biển phía Nam Hà Tĩnh. Riêng xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên có đến 8 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn. Thời điểm bà con đi tránh bão, những ngôi nhà vẫn bình thường nhưng chỉ sau một buổi trưa, toàn bộ bị san phẳng.
Vợ chồng anh Bùi Xuân Hương, chị Nguyễn Thị Hà, làng Nhượng Bạn là một trong 8 trường hợp đó. Anh chị lấy nhau sinh được 3 người con, cả 3 hiện đang đi học. Ngày ngày anh Hương theo đội tàu trong xã vươn khơi đánh bắt thủy hải sản, mỗi tháng được trả công gói ghém trong 4 - 5 triệu đồng; chị Hương ở nhà ai thuê việc gì làm việc ấy. Thu nhập thấp, tích góp mãi anh chị xây được căn nhà cấp 4 bên kè biển Cẩm Nhượng.
Bão số 10 san phẳng ngôi nhà của vợ chồng anh Hương, chị Hà, làng Nhượng Bạn |
Trước khi đi tránh bão số 10 ở thị trấn Cẩm Xuyên, anh chị giằng néo nhà cửa, kê gác đồ đạc cẩn thẩn. Tuy nhiên, chiều hôm sau trở về ngôi nhà “không cánh mà bay”, toàn bộ đồ đạc từ tủ lạnh, ti vi, quần áo đến sách vở, nồi niêu... chôn vùi dưới đống gạch vỡ vụn. Cả gia đình bỗng chốc còn hai bàn tay trắng, sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Chị Hà cho biết, bây giờ cả gia đình phải xin ở nhờ nhà hàng xóm, tiền bạc tích góp không còn nên chỉ mong Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho gia đình dựng lại căn nhà mới, sớm ổn định cuộc sống.
Bão đi qua, nước mắt ở lại. Cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục nhưng những nhọc nhằn, lo toan càng đè nặng lên đôi vai những người nông dân cần cù, chịu khó mảnh đất miền Trung nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.