| Hotline: 0983.970.780

9 năm sau thảm họa Fukushima, đầu ra cho thực phẩm vẫn là bài toán khó

Thứ Sáu 13/03/2020 , 11:35 (GMT+7)

Quá trình kiểm tra thực phẩm nghiêm ngặt vẫn được thực hiện tại tỉnh Fukushima (Nhật Bản), nơi từng hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011.

Các mẫu thực phẩm được kiểm tra tại Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima. Ảnh: Guardian.

Các mẫu thực phẩm được kiểm tra tại Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima. Ảnh: Guardian.

Những con dao được đưa lên, cắt từng miếng thịt xếp vào hộp. Danh tiếng của vùng Fukushima, Nhật Bản, đang phụ thuộc vào từng bước trong quy trình kiểm tra không được phép xảy ra sai sót tại Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima. Trung tâm còn kiểm tra dưa chuột, đào, hoặc cá đánh bắt ngoài khơi tỉnh Fukushima.

Tại phòng bên cạnh, các hộp được đưa vào trong máy kiểm tra đồng vị phóng xạ caesium-134 và caesium-137. Mọi mẫu thử đều phải có hàm lượng phóng xạ nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm.

Việc kiểm tra trên là trọng tâm trong nỗ lực giúp chứng minh thực phẩm nguồn gốc từ Fukushima an toàn để ăn, theo các quan chức địa phương. Fukushima từng hứng chịu thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011, gây ra sự cố nhà máy điện Fukushima I, phá hủy ba lò phản ứng hạt nhân.

“Hình ảnh các sản phẩm của Fukushima cũng tan thành mây khói sau thảm họa ngày 11/3. Một số thiệt hại vẫn còn đó”, Hideaki Suzuki, quan chức sở nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp Fukushima, nói. “Vài thương hiệu đã khôi phục được phần nào uy tín, do đó, trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp thông tin chính xác”.

9 năm sau thảm họa, trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới Olympic, các thương hiệu tại Fukushima cũng sẵn sàng để trở lại thị trường. Các nhà tổ chức bác tin đồn Olympic sẽ bị hủy vì virus corona nhưng những lo ngại về an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu.

Một quan chức ủy ban tổ chức Olympic xác nhận sản phẩm từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, bao gồm cả Fukushima, sẽ được phục vụ tại làng vận động viên. Thực đơn cụ thể và kế hoạch phục vụ chưa hoàn tất.

Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Fukushima mỗi ngày kiểm tra khoảng 200 mẫu thực phẩm, Kenji Kusano, giám đốc bộ phận thúc đẩy an toàn nông nghiệp tỉnh Fukushima, nói.

“Các chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến kiểm tra công việc của chúng tôi hàng năm. Chúng tôi luôn được xếp loại A”.

Chính quyền Fukushima cho biết sau thảm họa, các tiêu chuẩn thực phẩm tại tỉnh nằm trong nhóm khắt khe nhất trên thế giới. Giới hạn hàm lượng phóng xạ caesium trong thực phẩm thông thường, như thịt và rau, là 100 Becquerel/kg (Bq/kg), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 1.250 Bq/kg tại Liên minh châu Âu và 1.200 Bq/kg ở Mỹ.

Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Fukushima đã kiểm tra hơn 9 triệu mẫu gạo chưa xát. Không có mẫu nào vượt quá giới hạn an toàn. Hàng nghìn mẫu trái cây và rau củ, thực phẩm, thịt cũng có kết quả tương tự.

Nhưng những con số trên không thể thuyết phục Hàn Quốc. Seoul lo ngại thực phẩm được phục vụ tại các làng vận động viên có thể có sản phẩm “bị nhiễm độc” từ Fukushima.

Takeshi Haga cầm một hộp hồng khô đạt chuẩn an toàn. Ảnh: Guardian.

Takeshi Haga cầm một hộp hồng khô đạt chuẩn an toàn. Ảnh: Guardian.

Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc tuyên bố sẽ tự đưa thực phẩm, loại có thể bảo quản lâu dài, tới Olympic và tự kiểm tra phóng xạ với các loại rau, thịt chỉ mua được ở Nhật Bản.

Mức độ thận trọng đó, trong bối cảnh căng thẳng chính trị Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng, khiến những người chăn nuôi gia súc gần nhà máy điện Fukushima khó chịu. Họ từng phải tiêu hủy đàn vật nuôi sau thảm họa và đang bắt dầu cung cấp thịt trở lại.

“Mọi sản phẩm thịt đều phải được kiểm tra trước khi bán ra thị trường”, Fumiya Koga, quan chức nông nghiệp tỉnh Fukushima, nói. “Nếu không làm vậy, và thịt bị phát hiện có hàm lượng phóng xạ vượt ngưỡng an toàn, danh tiếng của Fukushima bị ảnh hưởng. 9 năm sau thảm họa, không có mẫu thịt bò nào không đạt chuẩn”.

Các lĩnh vực khác trong ngành nông nghiệp tại Fukushima cũng đang phục hồi. Quả hồng khô, một món ngon phổ biến và khá đắt tiền, bị cấm trong hai năm sau thảm họa, Takeshi Haga, giám đốc thúc đẩy hồng khô tại hợp tác xã nông nghiệp Fukushima Mirai, nhớ lại.

“Lo ngại về hàm lượng phóng xạ thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi trong thời gian đầu”.

Trong khi nông dân Fukushima chật vật ứng phó với những tin đồn thất thiệt, Haga cùng các đồng nghiệp nhanh chóng thiết lập cơ sở kiểm tra riêng, áp dụng giới hạn 50 Bq/kg, thấp hơn một nửa so với tiêu chuẩn của chính quyền.

“Chúng tôi kiểm tra từng quả hồng khô, bây giờ vẫn vậy”, Haga nói. Quả được đóng gói cẩn thận, dán tem kiểm soát chất lượng, cho thấy số liệu về phóng xạ, trước khi bán ra tại đông bắc Nhật Bản, Tokyo và Osaka.

“Một số người bán địa phương đặt câu hỏi có thực sự cần phải dán tem trên từng quả khi thảm họa đã trôi qua 9 năm? Chúng tôi tin chiến lược tốt nhất là tiếp tục đảm bảo với khách hàng rằng sản phẩm của chúng tôi an toàn 100%, cho dù phát sinh thêm việc”.

Nông dân Fukushima được cảm thấy khích lệ khi danh sách những nước còn cấm hoặc hạn chế nhập khẩu sản phẩm của tỉnh này đang giảm dần, từ 50 xuống còn 20.

Noboru Tamogami, 77 tuổi, nuôi gia súc tại Koriyama, cách nhà máy điện Fukushima hơn 80 km về phía tây, tin rằng các lo ngại về an toàn thực phẩm “đang đặt nhầm chỗ”.

“Tôi làm nông suốt 30 năm qua. Tôi tin rằng thịt bò của mình an toàn, vẫn cho các cháu ăn”, ông nói. “Chúng tôi không hề lo ngại, dù chỉ một chút”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm