| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Thuỷ điện “nuốt” rừng

Thứ Hai 08/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có trên 20 dự án thuỷ điện lớn, nhỏ tiếp tục ra đời…

Sông Kôn, nguồn nước chính làm thuỷ điện ở Bình Định

Đầu tháng 12/2004, NM Thuỷ điện Vĩnh Sơn - công trình thuỷ điện đầu tiên có mặt trên đất Bình Định đã hoà vào lưới điện quốc gia. Chỉ sau đó một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có trên 20 dự án thuỷ điện lớn, nhỏ tiếp tục ra đời…

Bà Huỳnh Thị Thanh Thuỷ- PGĐ Sở KH- ĐT tỉnh Bình Định cho biết: “Trong mấy năm gần đây, phong trào làm thuỷ điện bỗng “rộ” lên trên địa bàn Bình Định. Ngoài 7 dự án thuỷ điện lớn đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, còn gần 20 dự án thuỷ điện lớn, nhỏ khác đang nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt”.

“Làm thuỷ điện phải cần áp lực nước nên hầu hết các dự án thuỷ điện đều được xây dựng trên tầng cao, mà trên tầng cao đều là rừng nguyên sinh”- Ông Lê Hiếu Hoà- PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết. Bởi vậy, khi 1 công trình thuỷ điện “có mặt” là đồng nghĩa với hàng trăm ha rừng phòng hộ đầu nguồn (PHĐN) xung yếu bị “khai tử”. Có thể kể: quy mô của công trình TĐ Trà Xom sẽ làm cho 633,7 ha rừng PHĐN xung yếu nằm trên địa bàn 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) “biến mất”.

Các công trình TĐ Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3 sẽ “khai tử” 669,1 ha rừng ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh (Bình Định) và KBang (Gia Lai). Hơn 90 ha rừng ở Tây Sơn sẽ “nhường chỗ” cho TĐ Tiên Thuận. Các công trình TĐ Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 và TĐ Nước Lương sẽ “nuốt” 380 ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) và xã Ân Sơn (Hoài Ân). Và sẽ còn hàng ngàn ha rừng PHĐN xung yếu khác sẽ bị “khai tử” khi hàng loạt dự án thuỷ điện nhỏ nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt khởi công.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thuỷ- PGĐ Sở KH- ĐT khẳng định: “Sau khi ngành nông nghiệp quy hoạch lại 3 loại rừng (đầu năm 2008) thì hầu hết các dự án thuỷ điện đều “đụng” đến rừng phòng hộ xung yếu vì những dự án càng về sau càng phải đi sâu hơn vào rừng như TĐ ĐakPle, TĐ Ken Lút Hạ. Bởi vậy, trong thời gian sau này, chúng tôi rất cẩn trọng trong việc đề nghị phê duyệt, với những dự án “xoá” nhiều diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, chúng tôi phải xin ý kiến của Bộ NNN-PTNT”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, làm thuỷ điện là phải cần đến nước, nhưng nếu hàng ngàn ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu đồng loạt “biến mất” là đồng nghĩa với việc “xoá sổ” những “cái trạm” giữ nước! Đáng quan ngại là những địa phương “tập trung” quá nhiều công trình Thuỷ điện như ở huyện Vĩnh Thạnh, địa phương này đang “gánh” đến 11 công trình thuỷ điện lớn đã được xây dựng và được phê duyệt.

Khởi công xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn

Không chỉ vậy, nhiều công trình thuỷ điện đã làm “xáo trộn” đời sống của hàng trăm hộ dân xung quanh. Ông Đinh ĐRin-Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) cho biết: “Ngoài hàng trăm ha rừng phòng hộ xung yếu, công trình thuỷ điện Trà Xom còn “nuốt” mất của xã Vĩnh Sơn gần 80% diện tích sản xuất cây lúa (gần 30 ha) và hàng trăm diện tích nương rẫy làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 117 hộ dân địa phương. Riêng dân ở làng K8 là mất trắng diện tích sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng đơn vị chủ đầu tư lại không đền bù thích đáng cho bà con. Khi xây dựng dự án thì giá cả thị trường chưa “bùng nổ” như hiện nay, thế nhưng khi tổ chức thi công (đầu năm 2008), Cty CP Thuỷ điện Trà Xom lại lấy giá cách đây nhiều năm để “áp” mà thực hiện đền bù nên bà con không đồng thuận”.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia về môi trường thì thuỷ điện phá hoại tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học nặng nề nhất. Ngoài ra thuỷ điện còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hạ lưu. Làm thuỷ điện là phải đắp đập. Bao nhiêu nguồn dinh dưỡng mà rừng cung cấp cho hệ sinh thái các dòng sông sẽ bị đập “gạn” lại, các dòng sông dưới hạ lưu cạn kiệt các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng thì các loài cá sẽ bị “chết đói”. Mà cá “chết đói” thì những người dân vùng hạ lưu sống bằng nhờ vào những nghề sông nước ắt cũng phải “chết đói” theo. Và rừng bị phá càng nhiều thì bão lụt sẽ xảy ra ngày càng nghiêm trọng...

“Bùng nổ” công trình thuỷ điện

Chỉ trong vòng 3 năm sau khi Nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn 1 (quy mô 66MW) đi vào sản xuất (đầu tháng 12/2004), trong danh mục các dự án đầu tư thuỷ điện đã được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư “xuất hiện” đồng loạt 3 dự án thuỷ điện lớn: TĐ Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 4 và thuỷ điện Nước Lương được xây dựng tại xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) và xã Ân Sơn (Hoài Ân) do Cty CP TĐ Vĩnh Sơn-Sông Hinh đầu tư và được cấp giấy CNĐT vào ngày 31/1/2007.

4 tháng sau, Dự án Nhà máy thuỷ điện Trà Xom (Cty CP Thuỷ điện Trà Xom) tiếp tục được cấp phép xây dựng trên sông Đak Sơn Lang thuộc 2 xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Hảo (Vĩnh Thạnh-Bình Định) với quy mô 2 tổ máy, tổng công suất lắp máy 20 MW và tổng vốn đầu tư 397.250 triệu đồng (được cấp giấy CNĐT vào đầu tháng 5/2007).

Chỉ 6 tháng sau đó (tháng 11/2007), tiếp tục dự án thuỷ điện Vĩnh Sơn 2 và Vĩnh Sơn 3 (Cty CPTĐ Vĩnh Sơn-Sông Hinh) lại “có mặt” trong danh mục với tổng quy mô 92 MW, tổng vốn đầu tư 1.785.000 triệu đồng được xây dựng trên địa bàn xã An Toàn (An Lão), xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh-Bình Định) và xã Sơn Lang (KBang-Gia Lai). 2 tháng sau (1/2008), tiếp tục Nhà máy thuỷ điện Tiên Thuận (Cty CP Tiên Thuận) nằm trên địa bàn thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận huyện Tây Sơn lại “nối đuôi” trong danh mục với công suất 10 MW, vốn đầu tư 224.200 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Minh Hà-Trưởng phòng Kỹ thuật và Điện năng (Sở Công thương Bình Định) cho biết thêm: Đó là chưa kể các dự án thuỷ điện nhỏ cũng “nở rộ” với hàng chục dự án...

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.