| Hotline: 0983.970.780

XKLĐ sang Hàn Quốc: Thăng hoa và nguy cơ sụp đổ!

Thứ Năm 15/09/2011 , 09:07 (GMT+7)

Phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bùng lên hơn chục năm nay, nhờ XKLĐ mà Cương Gián trở thành một “làng Hàn Quốc” trên đất Nghi Xuân, bởi hàng năm con em ở Hàn Quốc gửi về cho gia đình trên dưới trăm tỷ đồng/năm...

“Làng Hàn Quốc” trên đất Nghi Xuân

Phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bùng lên hơn chục năm nay, nhờ XKLĐ mà Cương Gián trở thành một “làng Hàn Quốc” trên đất Nghi Xuân, bởi hàng năm con em ở Hàn Quốc gửi về cho gia đình trên dưới trăm tỷ đồng/năm, nhờ đó bộ mặt nông thôn cả xã được khởi sắc, đời sống dân sinh giàu có lên hẳn...

Chúng tôi về xã Cương Gián, được chiêm ngưỡng một “làng Hàn Quốc” trên miền đất cát ven biển. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà cao tầng thiết kế kiểu Hàn Quốc san sát mọc lên; đường giao thông liên thôn, liên xã được rải nhựa, bê tông hóa. Đến trung tâm văn hóa xã, chúng tôi như ngỡ mình đang lọt thỏm vào một góc của khu đô thị nào đó. Chợ trung tâm, quầy tạp hóa, quán ăn, tiệm may, quầy hàng điện tử… tất cả như một khu thương mại.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Tiến tâm sự: Cương Gián có tổng diện tích đất tự nhiên 2.255 ha, trong đó, diện tích SXNN chỉ có 250 ha. Tổng dân số có 2.900 hộ với hơn 14.000 nhân khẩu. Những năm 90 về trước, người Cương Gián chủ yếu sống dựa vào nghề đánh bắt thủy sản, nhưng nghề đi biển cũng luôn gặp rủi ro. Còn nói về SXNN, diện tích đất chẳng được bao nhiêu vả lại chỉ sản xuất được một vụ nên cuộc sống người dân khó khăn thiếu thốn triền miên, đa số lao động phải chạy vào Nam ra Bắc làm thuê mà chẳng đủ ăn. 

Những đứa trẻ này ở Cương Gián đều có cha hoặc mẹ đi LĐXK bên Hàn Quốc

Năm 1995, thị trường XKLĐ Hàn Quốc bắt đầu bùng nổ. Mở đầu cho phong trào đi XKLĐ sang Hàn Quốc là anh Hoàng Văn Hiển cùng với 5 người trong xã. Sau 3 năm hoàn thành hợp đồng trở về, anh Hiển có ít lưng vốn, bắt tay lập nghiệp, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm xe cộ và nay trở thành một tư thương giàu có.

Anh Hiển nói: “Đất Cương Gián chúng tôi có được như hôm nay là nhờ đi lao động ở nước ngoài, trong đó lao động ở Hàn Quốc là chủ yếu. Nhờ làm ăn nghiêm túc, chấp hành pháp luật của Việt Nam cũng như nước bạn nên tôi và một số anh em cùng trang lứa trở về, kinh tế đứa nào đứa nấy khá giả. Chúng tôi làm việc đúng tác phong của người Hàn Quốc và sử dụng đồng tiền mình làm ra cũng rất tiết kiệm nên mới có được ngày nay”.

Rời nhà anh Hiển chúng tôi đến nhà anh Dương Văn Toàn ở thôn Nam Mới. Khi chúng tôi xuất hiện, cũng là lúc anh Toàn vừa lái chiếc ô tô bóng nhoáng đậu xịch trước sân nhà. Anh Toàn vui vẻ nắm tay khoe với chúng tôi: “Những năm tháng lao động cật lực ở Hàn Quốc, nay mới có được cuộc sống như hôm nay. Không những gia đình tôi mà hầu hết số con em trong xã đều nhờ đi XKLĐ mới có thu nhập gửi về giúp gia đình mình có của ăn của để, góp phần đưa bộ mặt nông thôn ở xã ngày một khởi sắc”.

Cũng theo Toàn, là một trong những người đi xuất khẩu từ buổi đầu, có kinh nghiệm và quen biết một số ông chủ ở bên đó nên anh đã dìu dắt được khá nhiều con em trong xã có hoàn cảnh khó khăn bằng cách gửi tiền về cho họ vay để sang lao động, sau một thời gian họ làm ra trả lại.

Ông Nguyễn Hữu Thảo, Chủ tịch UBMTTQ xã Cương Gián trao đổi với chúng tôi: “Xã Cương Gián hiện có trên 2.500 lao động đi xuất khẩu ở các nước, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm trên 1.000 người. Bình quân mỗi năm số lao động từ Hàn Quốc gửi về trên 100 tỷ đồng, có những thôn như Ngư Tịnh, Đông Tây, Tân Thượng… hầu hết con em làm việc ở Hàn Quốc. Nhờ có lực lượng này không những giải quyết vấn đề việc làm cho lao động dư thừa, nâng cao đời sống vật chất tinh thần mà còn góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 13 triệu đồng/năm”.

Cũng theo ông Thảo, nếu không có phong trào đi XKLĐ ở Hàn Quốc thì nay Cương Gián không biết làm gì bởi hơn 14 nghìn nhân khẩu mà chỉ có được 250 ha đất SXNN một vụ, còn nói về nghề đi biển, nguồn lợi thủy sản càng ngày càng hiếm. Tuy nhiên, hiện nay việc XKLĐ sang thị trường Hàn Quốc nghe phong thanh có sự cố xảy ra là do một số người phá vỡ hợp đồng, bỏ ra làm ngoài, cư trú bất hợp pháp gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, nguy cơ số lao động làm việc ở Hàn Quốc sẽ bị trục xuất.

“Nhận được thông tin trên chúng tôi thật sự choáng váng bởi khi số lao động ở Hàn Quốc phải trở về, chắc chắn sẽ gây nên cú sốc, kéo theo đó là bao nhiêu hệ lụy cho xã hội như nạn thất nghiệp, mất nguồn thu, uy tín, mất an ninh trật tự vì nợ nần…” - ông Thảo lo lắng.

Nhiều người dân Cương Gián bức xúc cho biết: Đến nay toàn xã có gần 500 lao động đã hoàn tất hồ sơ, trong đó có nhiều trường hợp đã cầm vé chuẩn bị lên máy bay sang Hàn Quốc, nhưng phải dừng lại bởi sự cố trên, những hộ dân này hiện đang sống dở, chết dở vì nợ ngân hàng.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.