| Hotline: 0983.970.780

Kỳ cuối: Còn đói dài

Thứ Ba 13/03/2012 , 10:45 (GMT+7)

Đói. Đói rài đói rạc, kiếp đói triền miên, đói hiện hữu như một sự bất công. Những vùng đói PV NNVN đi qua quả như chốn cùng cực...

Đói. Đói rài đói rạc, kiếp đói triền miên, đói hiện hữu như một sự bất công. Những vùng đói PV NNVN đi qua quả như chốn cùng cực. Cũng là một kiếp người, thế mà có vùng đồng bào ta chỉ mơ bữa no cũng không thành...

>> Bài 1: Mùa đói trên núi cao
>> Bài 2: Đói ở bản tái định cư
>> Bài 3: Đói nghèo truyền kiếp
>> Bài 4: Đói lay lắt miền tây Thanh Hóa
>> Bài 5: Trở về tâm điểm đói Cao Bằng 

Chứng kiến cái đói xã Thạch Lâm chưa nguôi ngoai, tôi đến xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Mặc dù đợt tết vừa qua xã được hỗ trợ hơn 18 tấn gạo nhưng nay có 2/3 hộ dân đang đối mặt với thiếu đói ít nhất từ 2 đến 4 tháng.

Quay quắt tìm cái ăn

Sáng sớm tôi rời xã Thạch Lâm ra quốc lộ 34 hỏi đường vào xã Thái Sơn. Người dân chỉ, cứ đi cho đến đoạn giáp địa phận huyện Bắc Mê (Hà Giang) thì rẽ trái theo con đường nhựa vào đến trung tâm xã Thái Học. Từ đây theo con đường đất dài gần 10km băng qua đồi núi thì đến uỷ ban xã và tôi đến được đây khi trời đã về chiều. Xã Thái Sơn có 12 xóm dân cư, bao gồm 6 dân tộc cùng sinh sống gồm: Mông, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ và Kinh.

Trẻ con mùa đói xã Thạch Sơn

Ông Hoàng Văn Chính - Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Xã có 526 hộ thì có đến 355 hộ luôn thiếu đói. Năm vừa rồi hạn hán kéo dài lúa ngô chết nhiều lắm. Để có cái ăn đợt Tết Nguyên đán vừa rồi nhà nước cấp gạo cứu đói hơn 18 tấn phát cho 370 hộ trong xã, tuy nhiên thiếu đói vẫn xảy ra. Trong số những hộ này nhà thiếu đói nhiều thì lên đến 4 tháng nhà ít cũng 2 tháng”.

Tôi ngỏ lời với ông Chính đến các hộ dân tìm hiểu thiếu đói ra sao thì vị chủ tịch lên tiếng: “Anh cứ ngồi uống nước thoải mái đi, giờ có vào nhà cũng không gặp được ai đâu! Mùa này bà con lên nương dọn dẹp, cày đất chờ mưa xuống để gieo trồng. Lúc nào mặt trời xuống núi thì bà con mới về nhà, với lại để tôi cử người đi cùng làm phiên dịch”.

Để “giết” thời gian, tôi trò chuyện cùng ông Chính được nghe những câu chuyện “có một không hai” xảy ra nơi đây. Ông Chính kể: Ở Thái Sơn nếu có ai làm thịt một con lợn khoảng 30kg bán ba ngày cũng không hết. Người dân có mua thì chỉ mua ít mỡ chứ thịt không đoái hoài, do đó ở đây chẳng có ai hành nghề làm thịt lợn.

Chưa dừng lại đó, ông Chính kể tiếp về chuyện tổng thu của chính quyền xã. Mỗi năm Thái Sơn có nguồn thu vẻn vẹn được 2 triệu đồng (lệ phí chứng minh nhân dân). Giải thích câu chuyện, ông Chính cho hay: Xã có diện tích đất tự nhiên 5.548 ha, đất nông nghiệp có 810 ha, trong đó đất trồng lúa nước được 128 ha, đất nương rẫy 488 ha, còn lại ao, hồ. Ở đây chỉ canh tác được một vụ nhưng trồng lên có được thu hoạch là nhờ trời. Trình độ dân trí thấp, canh tác lạc hậu, cuộc sống nghèo đói triền miên năm này năm khác. Đói thì người dân lấy đâu ra tiền mua thịt và xã bói đâu ra nguồn để thu. Trong xã không có chợ nên bà con làm được cái gì muốn bán thì đi sang xã khác có khi đi mất cả ngày.

Cuối cùng mặt trời xuống núi, tôi được ông Vương Quốc Sử - PCT HĐND xã, người có thâm niên công tác ở đây, đưa xuống dân. Tôi hỏi ông Sử: Ở đây xóm nào nghèo nhất? Ông bảo: Xóm nào cũng nghèo như nhau, dân đói lắm.

Đến thăm gia đình Vàng Văn Ai (26 tuổi), dân tộc Sán Dìu ở xóm Nà Lổm. Ai có vợ và hai người con cộng thêm hai ông bà. Tôi hỏi Ai có thiếu ăn không? Ai đáp liền: “Có mà. Mùa vừa rồi mình thu được 6 bao lúa, 10 bao ngô nhưng nhà có 6 miệng ăn đã ngốn hết sạch từ tháng 1 rồi. Để chống đói mình bán 2 con lợn được hơn 1 triệu và mua được gần 2 tạ thóc nhưng nay đã vét ăn sạch”.

Ở Nà Lổm có 48 hộ thì có hơn 10 hộ đói quay quắt như gia đình Ai. Tôi hỏi Ai: Thế giờ lấy gì ăn? Ai mếu máo: Một phần đi vay mượn anh em, phần nữa thì đi cuốc đất cho người ta đổi ngô. Mình bán sức mỗi ngày cũng kiếm được ít ngô đem về xay bột quấy nước sôi và cho ít muối trắng cả nhà ăn. “Cầu mong có mưa xuống sớm để gieo trồng còn có cái mà ăn. Đến tháng 6 mà chưa có ngô non ăn thì chết đói mất”, Ai nguyện cầu. 

Vàng Văn Bình cùng đứa con gái rang ngô ăn trừ bữa

Chúng tôi ghé thăm gia đình Vàng Văn Bình (42 tuổi) cùng bản với anh Ai. Ngôi nhà sàn được dự án 134 tài trợ, bước lên căn nhà tối đen, bên bếp lửa hai cha con ông Bình đang dùng ống sữa bò rang ngô. Rang được bao nhiêu hai cha con nhai rào rạo cho vào bụng, đặt cạnh bếp là một ấm nước đun sôi và cái bát. “Hết tháng này gia đình không còn lúa, ngô rồi. Mình không dám xay ra bột, làm như vậy tốn ngô lắm nên phải chuyển qua ăn ngô rang, uống với nước lã sẽ no được lâu hơn”, ông Bình chia sẻ.

Bữa ăn có thịt nhờ lợn bệnh chết

Chúng tôi đến thăm gia đình hai mẹ con bà Hoàng Thị Tếch (61 tuổi) và Đặng Văn Bằng (21 tuổi), dân tộc Sán Chỉ ở xóm Khuổi Đuốc đang chuẩn bị bữa tối. Nhà bà Tếch nghèo đói điển hình của bản, căn nhà rỗng tuếch, bốn phía thưng bằng phiên liếp chỗ có, chỗ không.  

Căn nhà của hai mẹ con bà Tếch

Tiến vào phía trong nhà tài sản có giá trị nhất là mấy cái xoong nồi để lăn lóc trên dàn, chỗ nằm ngủ của hai mẹ con được dựng mấy cọc tre và đặt liếp tre lên cùng mấy bộ áo quần vứt tứ tung.

Gia cảnh bà Tếch chồng mất sớm, hai mẹ con nương tựa vào nhau, bà Tếch đã già yếu không lên nương được chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Hiện miếng ăn qua ngày trông chờ vào đứa con trai của mình, và trông chờ nhà nước cứu đói.  

Bà Hoàng Thị Tếch sàng số gạo cuối cùng được nhà nước cứu đói đợt Tết Nguyên đán nhưng để lâu ngày đã mốc

Để chuẩn bị bữa tối, bà Tếch dốc ngược bao gạo vét được khoảng 2kg ra sàng và khoe với tôi: “Đây là số gạo cứu đói được nhà nước cho đợt tết vừa rồi, hai mẹ con được 40kg nhưng nay còn từng này. Mùa vừa rồi thiếu nước nên ngô, lúa chết nhiều lắm chỉ thu được 6 bao ngô và 3 bao lúa. Tuy nhiên đưa về nhà phơi khô thì trả nợ cho người ta hết còn lại được 4 bao ngô và 2 bao lúa nhưng ăn hết trước tết. Để có cái ăn từ bữa đó đến giờ thằng Bằng đi làm thuê cho người ta mang về được ít ngô nấu ăn qua ngày, còn bữa nào không ai thuê thì lấy gạo nhà nước ăn nhưng giờ cũng đã hết”.

Xã Thái Sơn không chỉ thiếu đói mà thiếu cả điện, đường. Ngày tôi đến cũng là lúc đường điện kéo vào trung tâm xã nhưng chỉ có 3/12 xóm có điện. Hiện các xóm khác dùng điện nước nhưng vào mùa nắng thì nước khe suối cạn kiệt điện cũng ngóm luôn.

Ông Hoàng Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: Trong xã có các xóm Khâu Dề, Bản Là, Bản Lìn, Sáng Xoáy về trung tâm xã thì bản gần 15km còn bản xa 25 km đường rừng. Nếu thời tiết khô ráo đi xe máy 2 tiếng còn mưa xuống đi bộ mất hơn buổi đường mới tới trung tâm xã.

Tôi hỏi bà Tếch, Bằng đi đâu? Bà bảo: Hôm nay không ai thuê làm, cả sáng nay nó ở nhà nhưng mới có mấy đứa gọi đi làm thịt lợn. Chờ một hồi thì Bằng cũng xuất hiện và cầm trên tay một miếng thịt lợn khoảng 1kg làm tôi bất ngờ. Tôi nói với Bằng mùa giáp hạt mà có thịt ăn sướng thế, Bằng lên tiếng: “Hôm nay ở trong bản có một con lợn bị dịch chết và mấy người làm thịt chia nhau. Gạo, ngô không có ăn lấy đâu ra tiền mà mua thịt”.

Để có thức ăn buổi tối, Bằng cắt một miếng nhỏ rồi thái mỏng từng miếng cho vào nồi còn bao nhiêu treo lên dàn bếp. Thấy vậy, tôi khuyên đừng ăn thịt lợn bệnh dễ mang bệnh vào người lắm thì Bằng nói: “Ở trong xóm có nhiều lợn bị dịch chết và mọi người làm thịt ăn nhưng có bị sao đâu. Cứ lợn chết là mọi người rủ nhau làm thịt và hôm đó trong bản có được bữa ăn có thịt, nhà nào không ăn hết treo lên dàn bếp rồi ăn dần”. 

Nhờ có lợn dịch chết mà bữa cơm mẹ con Đặng Văn Bằng có thịt

Từ khi hết gạo, ngô, trong lúc mẹ chẳng làm được gì đang sức trai trẻ nên mỗi ngày Bằng đi làm thuê cuốc đất, dọn nương cho người ta cũng kiếm được cái ăn. Bằng cho biết: “Mỗi ngày em đi làm công cho người ta. Ba ngày đi làm đều đặn từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về thì họ trả cho mình được 10 kg ngô, sau đó về xay ra lấy bột rồi nấu với nước sôi cho một ít muối vào là yên cái bụng rồi”.

Nói xong Bằng thở dài: “Nhưng có phải ngày nào cũng được người ta thuê làm đâu! Ngày được ngày mất thôi, ở trong vùng có được mấy hộ thuê người làm, họ cũng nghèo đói cả mà. Nhiều khi không ai thuê, mẹ con ở nhà ôm bụng nhịn đói, đói không chịu nổi cán bộ à”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm