| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình - Nam Định:Lúa lại...lùn

Thứ Sáu 18/09/2009 , 09:24 (GMT+7)

Hàng trăm hecta lúa mùa muộn tại Thái Bình và Nam Định sắp sửa trổ đòng thì đột nhiên lùn tẹt dần, búp đòng cong queo, bộ rễ đen sì và thối rữa...

* Một DN làm lúa giống mất đứt 2,5 tỉ 

Hàng trăm hecta lúa mùa muộn tại Thái Bình và Nam Định sắp sửa trổ đòng thì đột nhiên lùn tẹt dần, búp đòng cong queo, bộ rễ đen sì và thối rữa, sau đó thân cây tàn lụi dần. Biểu hiện thì khá giống với bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá (VL-LXL) nhưng chưa thể khẳng định đây là bệnh gì. 

Anh Trần Văn Lanh, chủ hộ SX giống lúa lai TH3-3 tại xã Bình Hòa (Giao Thủy, Nam Định) dẫn chúng tôi ra thăm khu ruộng SX lúa giống chỉ còn trơ lại gốc và lá ngẩn người cho biết, toàn bộ 9ha giống lúa lai anh đầu tư hàng trăm triệu đồng đang phát triển tốt và chuẩn bị làm đòng thì đột nhiên mắc bệnh . Theo anh Lanh thì cách đây khoảng 2 tuần, lúc lúa bắt đầu làm đòng bệnh xuất hiện rải rác từng đám với biểu hiện nhẹ, rất khó phát hiện như chiều cao phát triển chậm hơn so với bình thường, nhổ lên thấy bộ rễ có màu đen và bốc mùi thối.

Nghĩ rằng chế độ bón phân chưa hợp lí nên anh Lanh thử bón thêm một ít đạm cho các đám lúa này nhưng lúa vẫn không có biểu hiện phát triển thêm. Tới lúc chuẩn bị trổ đòng, anh Lanh bắt đầu phun thuốc GA3 theo đúng liều lượng 120g/ha nhưng lúa vẫn không có biểu hiện vượt cao lên như bình thường mà ngày càng lùn đi. Đặc biệt tại các rãnh lúa mẹ, các đám lúa mắc bệnh ngày càng nặng và lây lan rộng hơn. Đến thời điểm này, lúa đã bắt đầu trổ đòng và bệnh đã lan ra toàn bộ 9ha lúa giống của anh Lanh. “Cả đời tớ chưa khi nào gặp bệnh này trên lúa” – anh Lanh lo ngại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, lúa bị bệnh có các biểu hiện điển hình như: thân lùn lụi, không trổ đòng được vì đòng non cong xoắn lại trong búp, xuất hiện một số lá vàng nhẹ. Đặc biệt là bộ rễ gần như bị thối đen hoàn toàn.

Tại Nam Định, ông Đoàn Văn Sáu – GĐ Cty TNHH Cường Tân (Trực Hùng, Trực Ninh) cho biết Cty này đang dở khóc dở cười vì hơn 50ha giống lúa lai TH3-3 chuẩn bị trổ đòng thì dính bệnh, đến thời điểm này chỉ còn lác đác một ít trổ đòng, còn lại gần như bị “san phẳng”. Diện tích lúa giống bị bệnh tàn phá nặng nề ở mức độ mất trắng tập trung nhiều nhất tại Nông trường Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) và các xã thuộc 2 huyện Giao Thủy và Trực Ninh. Theo ông Sáu, ước tính thiệt hại không dưới 2,5 tỉ đồng. 

Không chỉ xuất hiện tại Nam Định, bệnh này đang bùng lên ở khá nhiều địa phương tại Thái Bình. Ông Trần Xuân Định – PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình hôm qua cho NNVN biết, ước tính có khoảng trên 300 ha lúa mùa, tập trung chủ yếu tại huyện Tiền Hải và các xã phía nam huyện Thái Thụy bị căn bệnh quái ác này tấn công.

Chiều qua, Viện BVTV và Cục BVTV đã cử đoàn cán bộ xuống Thái Bình lấy mẫu lúa phân tích. Ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện BVTV cho biết hiện đã có mẫu nhưng nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được xác định. “Theo nhận định ban đầu thì đây có thể là bệnh do một loại virus gây ra.

Tuy nhiên chúng tôi mới chỉ xác định được tác nhân gây bệnh chứ nguồn lây lan mà chủ yếu là các loại rầy vẫn chưa thể xác định” – ông Viễn nói. Cũng theo ông Viễn, có thể phải... 4 tháng sau mới có thể có kết quả chính xác đây là bệnh gì vì phải trải qua nhiều khâu kiểm tra phân tích với sự hợp tác của Pháp và Trung Quốc”.

Ông Định cho biết qua quan sát và theo dõi bệnh tại Nam Định có thể thấy các biểu hiện tại Thái Bình cũng tương tự như ở Nam Định như thối rễ, thân lùn lụi, lá dày, đòng không trổ vượt đốt. Đặc biệt bệnh chỉ có biểu hiện rõ nhất ở thời kỳ chuẩn bị trổ đòng. Những diện tích lúa cấy muộn và trổ muộn bị bệnh nặng nề nhất.

Ông Định cho rằng: “Một số triệu chứng bệnh rất giống với bệnh VL-LXL, song có nhiều điểm khác biệt như lá lúa không bị vàng và có răng cưa, gốc lúa không  mọc thêm chồi...giống như biểu hiện của bệnh VL-LXL. Nhận định ban đầu, bệnh có thể do hiện tượng nhiễm mặn hoặc ngộ độc hữu cơ gây ra”.

Cùng nhận định như ông Trần Xuân Định, GS – TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả giống lúa lai TH3-3 (hiện đang bị bệnh trên diện lớn tại Nam Định) cho rằng biểu hiện bệnh rất giống với bệnh VL-LXL. Tuy nhiên hiện chưa thể khẳng định đây là bệnh gì. “Bệnh VL-LXL thường đi kèm với rầy nâu xuất hiện dày đặc dưới gốc lúa. Lá lúa thường đổ vàng, đẻ nhánh phụ...Qua kiểm tra tôi thấy chân ruộng bị bệnh không có rầy, lá lúa vẫn xanh và thân không hề có nhánh phụ. Đặc biệt là bộ rễ rất mủn và thối, dễ nhổ chứ không như bệnh VL-LXL rễ vẫn còn khá chắc” – bà Trâm cho biết. Cũng theo TS Trâm thì nguyên của bệnh rất có thể do hiện tượng đất bị nhiễm độc hoặc do phân bón.

Xem thêm
Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Nông dân tự tin canh tác lúa phát thải thấp sau tập huấn

TRÀ VINH Sau buổi tập huấn, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản, tự tin thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.