| Hotline: 0983.970.780

Ngơ ngác... lúa lùn

Thứ Tư 23/09/2009 , 14:30 (GMT+7)

NNVN số ra hôm qua (22/9) có bài viết phản ánh vụ lúa mùa 2009 của Thái Bình được mùa với năng suất cao nhất từ trước đến nay (dự kiến 64-65 tạ/ha). Tuy nhiên, niềm vui này đã chưa trọn vẹn khi một số diện tích lúa mùa muộn trong tỉnh, đặc biệt là ở huyện Tiền Hải bị hiện tượng "lùn, lụi" gây thất thu. Theo thống kê mới nhất, diện tích lúa bị bệnh hiện tăng lên tới con số trên ngàn hecta.

NNVN số ra hôm qua (22/9) có bài viết phản ánh vụ lúa  mùa 2009 của Thái Bình được mùa với năng suất cao nhất từ trước đến nay (dự kiến 64-65 tạ/ha). Tuy nhiên, niềm vui này đã chưa trọn vẹn khi một số diện tích lúa mùa muộn trong tỉnh, đặc biệt là ở huyện Tiền Hải bị hiện tượng "lùn, lụi" gây thất thu.... 

Báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết, diện tích lúa mùa mắc bệnh lùn, lụi (NNVN ngày 18/9 đã phản ánh) hiện tăng lên tới con số trên ngàn hecta. Riêng huyện Tiền Hải, khoảng 1.000ha lúa mùa muộn nhiễm bệnh, trong đó 200ha mất trắng. Số diện tích còn lại, nông dân thắc thỏm không biết lúa có trổ đòng được không? Bí ẩn của căn bệnh này khiến nông dân hoang mang. 

Lúa... rụt cổ! 

Về Tiền Hải, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn những cánh đồng lúa lùn lụi.  Ông Phạm Văn Nguôn, xóm 4 (thôn Mỹ Đức, xã Đông Trung) dẫn chúng tôi ra xem ruộng lúa hơn 2 sào ở cánh đồng Chân Thổ ngơ ngác kể: “Ruộng nhà tôi bị bệnh sớm nhất làng. Lúa đang thì con gái tốt bời bời thế bỗng khựng lại không vượt lên được. Ban đầu chỉ từng đám lúa như cái nia lá bị vàng, dần dần bệnh lây sang cả ruộng hàng xóm. Tôi nghe ông Đĩnh - Chủ nhiệm HTX khuyên nên bón thêm cả “siêu” kali, đạm, rồi thì phun thuốc kích thích sinh trưởng GA3... nhưng chẳng ăn thua gì, lúa cứ “rụt cổ” dần. Bây giờ thì đám ruộng 2 sào chỉ còn trơ lại gốc”. 

Những hộ như ông Nguôn cũng còn may vì còn một ít diện tích vớt vát được, chứ như hộ chị Hồ Thị Miên thì còn xót hơn. Chị Miên cho biết nhà chỉ trông vào 7 sào ruộng, vụ này đầu tư gần 3 triệu đồng vẫn còn nợ tất ở mấy chủ đại lý phân bón, giống cây trồng nhưng lúa thì đã lụi thành rơm ngoài ruộng. Chị Miên dẫn tôi ra cánh đồng Phong Lạc (xã Đông Trung) liệt kê: “Thôn này nhà nào cũng gần như mất trắng cả. Này nhé, ruộng nhà Trâm Thanh, nhà Trí, nhà Long, nhà ông Luận...”. 

Bà Nguyễn Thị Mạc, thôn 4 xã Đông Trung dấm dẳn: “Ban đầu nghe nói do ruộng vùi gốc rạ khiến đất ô nhiễm nên lúa phát bệnh thế. Nhưng nào phải, mấy hộ ở chân ruộng vàn, lúc cấy cắt gốc rạ đốt rồi cũng bị bệnh tuốt. Tôi mới sang mạn Đông Phong, Đông Phú, Đông Hoàng... về. Lúa bên ấy cũng thành gốc rạ hết sạch rồi”. 

Sợ bệnh lây sang cả... đậu tương? 

Lúa lùn lụi rơi vào diện tích cấy muộn 

Ông Trần Xuân Định, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình: Vụ mùa này Thái Bình gieo cấy 83.000ha lúa. Rút kinh nghiệm các vụ lúa mùa gần đây, lúa mùa sớm và mùa cực sớm luôn được mùa, tránh được sâu bệnh và thiên tai. Vụ sản xuất này Sở đưa ra khuyến cáo tăng diện tích lúa mùa sớm, vì thế ngay 5/7 toàn tỉnh đã cấy xong 30.000ha, đến 10/7 gieo cấy xong trên 60.000ha.

Phải khẳng định đây là vụ lúa mùa của Thái Bình được mùa lớn nếu trong vòng mười ngày tới không có thiên tai đột xuất, hiện năng suất trà lúa mùa sớm ước đạt 65 tạ/ha, nhiều nơi đạt xấp xỉ 70 tạ/ha. Tuy nhiên một số diện tích lúa mùa muộn bị nhiễm sâu đục thân, một số diện tích mùa muộn ở Tiền Hải còn bị hiện tượng "lùn, lụi" gây thất thu, đây cũng là bài học trong cơ cấu mùa vụ của các huyện và toàn tỉnh.

Ông Bùi Kim Đĩnh, Chủ nhiệm HTX Đông Trung ái ngại cho biết ở huyện Tiền Hải nhiều xã cũng bị dính cái bệnh quái lạ này nhưng Đông Trung nặng nhất. Ước tính đến thời điểm này khoảng 60% diện tích (trên tổng số 250ha) bị nhiễm bệnh. Các giống lúa như T10, Bắc thơm bị bệnh nặng nhất. “Cái bệnh này lây lan nhanh như hủi ăn mỡ. Có ruộng hôm trước đang xanh tốt, chuẩn bị trổ đòng chủ nhà ra thăm chắc bẳm: Cái bệnh ấy trừ ruộng nhà mình cũng nên? Thế mà hôm sau ra đã thấy búp đòng queo hết lại, hai ngày sau thì chỉ thấy lá” – ông Đĩnh hài hước kể.  

Ông Đĩnh cho biết thêm 2 ngày trước có đoàn cán bộ của Viện Nông hóa Thổ nhưỡng (Bộ NN- PTNT) về lấy mẫu đất để xét nghiệm tìm nguyên nhân của bệnh, nhưng hiện HTX và bà con vẫn chưa nhận được thông tin gì nên nhiều người hết sức hoang mang. “Lúa mất thì cũng mất rồi, không cứu lại được nữa. Mình nghĩ hay là cứ hô hào bà con phá hết lúa hỏng đi để vãi đậu tương vụ đông cho sớm? Phía Quỳnh Phụ, Đông Hưng... người ta đã gặt xong lúa mùa sớm và làm vụ đông ngay rồi? Thế nhưng hiện chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo nào từ huyện và tỉnh nên không dám làm” – ông Đĩnh ái ngại. 

 Thấy chúng tôi đi thăm ruộng “lúa rụt”, người dân xóm 4 xã Đông Trung, một trong những thôn bị bệnh lúa rụt nặng nhất tưởng là cán bộ BVTV vây lại chất vấn: “Này các chú, liệu vụ sau lúa nó lại bị rụt như vụ này không, đã tìm ra thuốc chữa chưa? Những ruộng bị bệnh đó giờ muốn làm vụ đông phải xử lí đất thế nào chứ chúng tôi đang định cắt hết gốc rạ đi vãi đậu tương nhưng biết đâu bệnh lây sang cả đậu tương thì chết”. 

Cuối năm mới có kết quả xét nghiệm!

Trao đổi với NNVN hôm qua (22/9), ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất và phân bón (Cục Trồng trọt) cho biết, tỉnh Thái Bình vừa báo cáo Cục Trồng trọt thì tỉnh này có khoảng 1.900 ha lúa hiện tượng lùi lụi, trong đó 200 ha nhiễm tương đối nặng, có khả năng mất trắng.

“Theo tôi thì phải xem lại quá trình canh tác bởi từ khi thu hoạch lúa xuân đến lúc gieo cấy lúa mùa trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi gặt, nông dân thường để lại lượng lớn rơm tại ruộng. Ước tính cứ mỗi ha thu hoạch khoảng 6 tấn thóc thì dân để lại 6 tấn rơm ở ruộng. Ngoài ra còn khoảng 6 tấn rễ “lưu cữu” dưới bùn. Trong khoảng thời gian ngắn, lượng lớn rơm rạ này sẽ nên men, có thể phát sinh dịch bệnh trên lúa mùa. Điều đáng quan tâm là bệnh lùi lụi ở Thái Bình, Nam Định khác “chủng” với lùi lụi ở Nghệ An. Cây lúa ở Nghệ An có vết bệnh rất rõ, song lúa ở 2 tỉnh này lại rất ít vết bệnh” - ông Tác nhận định.

Cũng trong chiều qua, bà Phạm Thị Vượng, Phó Viện trưởng Viện BVTV cho NNVN biết, Viện đã cử cán bộ chuyên môn sang Trung Quốc, Pháp gửi mẫu lúa lùn lụi ở Thái Bình, Nam Định để xét nghiệm chủng virus. Dự kiến đến cuối năm nay mới có kết quả. “Cái này phải làm bài bản mới dám kết luận, nghiên cứu về bệnh học, quy luật gây nhiễm bệnh ở thực vật phải chặt chẽ như thế, nên chưa thể trả lời nhà báo được. Cũng như nghiên cứu về sốt rét, phải lấy mẫu muỗi về “truyền” sang người có bệnh và không có bệnh sốt rét, để xem kết quả thế nào. Nói chung là mất thời gian lắm”-bà Vượng nói.

Trường Giang

 

Xem thêm
Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Nông dân tự tin canh tác lúa phát thải thấp sau tập huấn

TRÀ VINH Sau buổi tập huấn, nông dân được trang bị kiến thức cơ bản, tự tin thực hiện tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.