| Hotline: 0983.970.780

Phát điên vì khói lò gạch...

Thứ Sáu 12/09/2008 , 09:11 (GMT+7)

Đến xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội), chúng tôi thực sự kinh hoàng khi thấy khu bãi phía ngoài đê sông Hồng của xã kéo dài cả cây số, đã biến thành một “đại công trường” đốt gạch...

Nhận được đơn kêu cứu của một số công dân xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội), rằng họ đang bị khói của trên 30 lò gạch thải ra hành hạ, chúng tôi lập tức tìm về và thực sự kinh hoàng khi thấy khu bãi phía ngoài đê sông Hồng của xã kéo dài cả cây số, đã biến thành một “đại công trường” đốt gạch. Ngói đốt gạch cứ nghi ngút bốc lên trắng một góc trời... 

Khói gạch trắng trời...

Lò gạch ngày đêm nhả khói

Đã từ lâu, các lò nung gạch thuộc xã (Hồng Sơn, Mỹ Đức- Hà Nội) trở thành nỗi bức xúc của người dân. Tại làng tập trung tới 57 chiếc lò gạch thủ công tràn lan khắp nơi, đêm ngày nhả khói mù mịt. Khói độc ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống nhân dân.

Cây ăn quả, hoa màu mất mùa liên tiếp, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người dân. Để có đất làm gạch, các chủ lò tự ý khai thác đất nông nghiệp tràn lan, vì thế đất ngày càng bị thu hẹp, các ao hồ nước tự tạo liên tục xuất hiện. Bên cạnh đó, các con đê ngăn nước bảo vệ làng đang trong tình trạng báo động, vì ngày ngày con đê phải oằn mình chịu đựng sức nặng của những chiếc xe chở gạch nặng hàng chục tấn đè lên. 

Khắp khu bãi trùng trùng điệp điệp những gạch mộc và ngổn ngang gò đất. Nhiều chỗ bị đào sâu hoắm, cách cơ đê rất gần. Đập vào mắt chúng tôi là một đoạn đê khá dài bị nứt dọc, không hiểu có phải do đất bị khoét quá nhiều phía bãi đã kéo phần đất ấp trúc phía sườn đê xuống khiến con đê bị nứt hay không? Hàng trăm công nhân đang hối hả bên máy đùn gạch hay cáng gạch, đưa gạch vào lò, chuẩn bị cho một mẻ nung mới. Ông Đỗ Văn Vếch, thương binh 1/4 bấm đốt ngón tay nói với chúng tôi:

- To bù nhỏ, mỗi lò gạch một lần nung được 12 vạn viên gạch. Mỗi vạn gạch mất 2 tấn than. Mỗi lần nung, một lò đốt mất 24 tấn. Trên 30 lò, khoảng 800 tấn than cùng cháy một lúc. Các anh thử tưởng tượng xem, lượng khói do 800 tấn than cháy ấy nó thải ra lớn đến mức nào. Cứ gọi là...trắng xoá cả một góc trời.

Khảo sát sự thiệt hại của người dân xã Thống Nhất bắt đầu từ một làng xa nhất của xã là làng Hoàng Xá, cách “đại công trường gạch” chừng nửa cây số đường chim bay. Khắp làng nhìn đâu chúng tôi cũng thấy sự tàn phá của loại khói cực độc này. Những bụi chuối, bụi tre hay xoan, cau…bị khói táp, lá nỏ trắng còn thân chuối, tàu chuối hay tàu cau thì tím đen. Trong vườn, nhãn không ra quả còn ngoài đồng nhiều đám lúa quăn queo lại.

Thương tâm nhất là bà cụ Đũi. Năm nay cụ đã gần 80 tuổi ở một mình, nguồn sống chính là vườn chuối mấy chục cây, thì giờ chuối đã nỏ trắng lá vì khói lò gạch rồi. Đến chùa làng, thâm u là thế mà cũng không thoát khỏi “kiếp nạn” khói. Cây sấu cổ thụ của chùa trước đây mỗi năm bán được năm, sáu trăm ngàn tiền quả, là một nguồn thu không nhỏ để nhà chùa hương khói cúng dường, giờ không còn một chiếc lá. Mấy cây cau cảnh và cả mấy chậu cây phía trước sân chùa cũng chết lụi. Vào xóm nào, ngõ nào chúng tôi cũng nghe thấy những tiếng kêu trời…

"Cây cối chết, lúa chết thế, các chủ lò có bồi thường cho bà con không?"- tôi hỏi. Bà vợ ông Vếch cho biết: "Vụ chiêm xuân năm nay, mạ táp nhiều lắm. Các chủ lò gạch xuống thương lượng, đền cho mỗi miếng (36m2) mạ chết có 400 ngàn đồng…". Ông Trần Văn Vạc bức xúc: "Nhà tôi mất một sào rưỡi lúa, cứ đen xì ra. Tôi đã lên xã 2 lần rồi nhưng chưa được giải quyết. Mạ chết, tôi chỉ được đền 100 ngàn đồng. Cây cối trong vườn chết sạch, được đền một lần 800 ngàn nữa. Từ bấy đến giờ gạch cứ đốt, cây cứ chết nhưng mà biệt vô tăm tích…". 

Thêm một làng ung thư!

Mấy năm nay, nhà tôi thiệt hại trên chục triệu tiền cây cối, gia súc gia cầm vì khói lò gạch. Kêu mãi, các chủ lò gạch đến đặt vấn đề bồi thường, nhưng mà họ cò kè từ vài trăm ngàn lúc đầu rồi tăng lên đến hai triệu, thế là hết. Còn về người? Có lần không sao chịu nổi nữa, tôi phải dắt con đến uỷ ban xã ngồi. Uỷ ban bảo tôi ăn vạ. Tôi bảo tôi không ăn vạ, tôi chỉ đến đây lánh nạn, yêu cầu gọi điện mời tỉnh về để chứng kiến. Uỷ ban sợ tỉnh về thật nên đưa con tôi sang chỗ khác. Nhưng cuối cùng có thấy ông nào về đâu… 
(Ông Hồ Văn Hải)

Thống Nhất là một xã đất chật người đông, bình quân mỗi khẩu chỉ được 288m2 đất canh tác cả đồng lẫn bãi, không có nghề phụ, đời sống của dân rất khó khăn, nay ruộng lúa, vườn cây bị khói lò gạch tàn hại, người dân đã khổ càng khổ hơn. Nhưng sự tàn phá do khói gây ra trên cây cối, hoa màu cũng không là gì so với sự tàn hại của nó đối với sức khoẻ con người. Chị Đỗ Thị Nhâm kể: "Cứ mỗi lần lò gạch nổi lửa là đêm chúng cháu mất ngủ, ban ngày phải đeo khẩu trang, trẻ con không chịu nổi hơi than và khói, cứ khóc ngằn ngặt, nhiều hôm cháu phải đưa con đi “sơ tán” nơi khác".

Vào nhà ông Lưu Văn Khám, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi thấy ông ôm bộ ngực gầy giơ xương, cứ phải dướn người lên mà thở: "Trước tôi khoẻ lắm chứ, đi làm thợ xẻ khắp nơi, làm hết ngày là ăn ngon ngủ kỹ, có việc gì đâu. Nhưng từ mấy năm nay hít phải khói lò gạch nhiều mới thành ra thế này. Mỗi lần họ đốt gạch, là hơi than nồng lên, tôi phải đóng kín mít các cửa lại rồi dựa gối mới thở được.Cứ thế này thì chẳng biết chết lúc nào…".

Ông Vếch nói thêm: "Tôi không phải là bác sỹ, nên không biết giữa khói lò gạch với bệnh ung thư có liên quan gì với nhau không, chỉ biết từ khi có lò gạch đến giờ, trong có mấy năm mà số người bị chết hay đang nằm chờ “ra đi” vì ung thư ở làng này khá nhiều, đến 30 người, như chị Lương Thị Điết chết năm 2005 vì ung thư não, các ông Lưu Văn Lậm, Lưu Văn Thấn, Lê Văn Côi chết năm ngoái vì ung thư vòm họng và ung thư phổi, đầu năm nay ông Lê Văn Lai chết cũng vì ung thư phổi, các ông Phạm Văn Bền, Phạm Văn Tùng đang bị ung thư vòm họng, ung thư phổi giai đoạn cuối…Mong sao Sở Y tế Hà Nội cử cán bộ, chuyên gia về nghiên cứu, kết luận rõ ràng để người dân khỏi hoang mang". Làng Hoàng Xá đã thế, làng Giáp Long gần các lò gạch hơn nên tình hình cũng nghiêm trọng hơn. Ông Lưu Văn Vệt, nhà ngay sát đê, nói với chúng tôi: "Cả nhà tôi mất ngủ. Cả nhà khó thở. Đi chụp phim, bệnh viện bảo cả nhà bị nám phổi rồi".

Làm việc với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Thống Nhất Nguyễn Văn Hiệp cho biết: năm 2000, xã được giao lấy đất trên 30 ha bãi sông Hồng để thực hiện dự án bồi đắp cơ đê của Bộ NN- PTNT. Đây là đất canh tác quỹ 1 của dân, nhưng người có ruộng chỉ được bồi thường 1,9 triệu/sào. Sau khi lấy đất, giao lại ruộng cho dân, nhưng đất ấy không thể canh tác được nữa, trong các năm 2003-2004 đất gần như bỏ hoang. Vì vậy người dân đã tự phát bán ruộng cho các chủ lò gạch với giá 22 triệu đồng/sào để hạ cốt lấy đất làm gạch trong 5 năm (đến năm 2010). Việc khói lò gạch ảnh hưởng đến tài sản của dân là có thực. Năm 2007, huyện đã chỉ đạo cưỡng chế đập bỏ 28 lò tất cả. Nhưng vì lãi suất từ sản xuất gạch rất cao nên các chủ lò lại tiếp tục khôi phục lò..

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.