| Hotline: 0983.970.780

Cá chết, lúa ngập, người ăn nước bẩn

Thứ Sáu 23/09/2011 , 11:02 (GMT+7)

Lợi thì chưa thấy đâu, nhưng cái nhìn thấy rõ mà sân gôn đem lại là sự bào mòn môi trường tự nhiên đến đáng sợ.

Để có được thảm cỏ xanh thế này, sân gôn đã phải dùng rất nhiều hóa chất độc hại

Lợi thì chưa thấy đâu, nhưng cái nhìn thấy rõ mà sân gôn đem lại là sự bào mòn môi trường tự nhiên đến đáng sợ. Cuộc sống người dân xung quanh các sân gôn đang bị bủa vây trong ô nhiễm. Từ nguồn nước, không khí… những vấn đề mà lúc chưa lấy được đất chủ đầu tư mạnh miệng đảm bảo an toàn.

>> Trò chơi tốn đất
>> Sân gôn - Được ít, mất nhiều

Sạt nghiệp vì “thuốc độc” sân gôn

Xã Thanh Trù (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), ngoài diện tích trồng lúa, người dân còn sống dựa vào việc nuôi cá ở các hồ ao quanh sân gôn Đầm Vạc. Trước đây, không ít gia đình khá giả nhờ biết cách thuê lại diện tích ao hồ của xã để đầu tư phát triển mô hình VAC. Từ ngày sân gôn Đầm Vạc xây dựng, phần lớn nông dân nuôi cá rơi vào cảnh sạt nghiệp.

Vài năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Hợp (57 tuổi) ở thôn Vinh Quang thuê 7.000m2 diện tích mặt nước của xã Thanh Trù ở hồ Ông Cổng nuôi cá. Bình quân cứ một vụ gia đình ông thu khoảng 40-50 triệu đồng tiền lãi, nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây thì chẳng thu được đồng nào. “Cá cứ thả xuống vài hôm là chết trắng hồ. Tất cả đều do nước thải từ sân gôn đầu độc”, ông Hợp khẳng định.

Tháng 10 năm ngoái, vụ cá nhà ông sắp đến thời điểm thu hoạch thì đồng loạt chết chỉ sau một đêm. Vừa hoảng vừa bức xúc, vợ chồng ông Hợp bảo mấy đứa con chất hết cá vào bao tải rồi mang vào bắt đền BQL sân gôn Đầm Vạc. Đại diện chính quyền, sân gôn cùng gia đình ông Hợp lập thành tổ kiểm tra tại hồ Ông Cổng và lập biên bản: 701 kg cá nuôi chuẩn bị thu hoạch chết sạch trong hồ. Nguyên nhân chết do thuốc bơm diệt cỏ trên sân gôn Đầm Vạc chảy xuống.

Tuy nhiên, gần một năm qua, người bị thiệt hại kêu gào rát cả cổ nhưng phía sân gôn chẳng có động thái gì. Xót của nhưng chẳng biết bấu víu vào đâu, bà Bùi Thị Hường (vợ ông Hợp) cứ nhắm Chủ tịch xã mà đòi. “Mấy lần ông Chủ tịch xã bức xúc nói gia đình tôi gọi người ra chặn một lỗ gôn không cho khách đánh may ra phía sân gôn mới chịu xử lý. Chứ chính quyền xã “chưa đủ tuổi” để kiến nghị”, bà Hường phàn nàn. “Thuốc độc” từ sân gôn khiến cả gia đình ông Hợp bây giờ chỉ biết dựa vào tiền làm thuê.

Cá chết chưa lâu thì diện tích lúa khoảng 40 mẫu của thôn Vinh Quang cũng ngắc ngoải. Nước thải từ sân gôn chảy tràn vào ruộng lúa không có cống thoát. Số chết ngập, số trúng độc mà chết nên phần ruộng ít ỏi còn lại của thôn Vinh Quang chẳng mấy khi được thu hoạch. Cá hay lúa cũng chỉ ảnh hưởng đến thu nhập từng vụ, thứ mà người dân xã Thanh Trù “không ai muốn sân gôn này tồn tại ở đây” là mùi “thuốc độc” cứ theo gió phả vào tận từng gia đình.

Từ thôn Đoài, thôn Đông cho đến thôn Nam, ở đâu dân cũng kêu họ đang bị sân gôn Đầm Vạc đầu độc bằng thứ mùi không ngửi nổi. Sợ đến mức bà Hường kể khổ: “Chỉ cần một cơn gió thôi là cả làng đã phải bịt mũi rồi. Như tôi bây giờ, nếu có ra đồng làm mấy luống rau cũng phải bịt khẩu trang nếu không ngửi phải thứ mùi ấy một lúc là ngất xỉu”.

Ngày trước, đầm Vân Trì (Đông Anh, TP Hà Nội) cũng là “nồi cơm” cho dân trong vùng có thêm con tôm, con cá, con hến. Vậy mà bây giờ sông Thiếp chảy vào đầm nước biến thành màu đen, dường như chỉ có duy nhất loài bèo tây là biểu hiện của sự sống. Dân không dám vớt bèo vì nghe đâu loài bèo tây này có công dụng hút bớt chất độc trong nước. Thỉnh thoảng, nước từ sân gôn Vân Trì ngấm ra độc hại đến nỗi bèo tây cũng chết rạp cả một góc đầm. Cá, hến, trùng trục bắt từ đầm lên màu đen nhờ nhợ, có cho không cũng chẳng ai dám ăn.

Người dân ở thôn Thọ Đa, xã Kim Nỗ trèo lên tầng ba nhìn vào sân gôn, cứ thấy người ta dùng máy phun thuốc cỏ chạy như phun mưa là sợ hãi. Sợ đến mức mấy ông cán bộ công an có nhà ở thôn này cứ nhất quyết đòi bán để đi chỗ khác chứ ở đây sớm muộn gì cũng ngấm thuốc trừ sâu mà chết.

Cực chẳng đã, người dân Thôn Thọ Đa bèn mời Viện Khoa học môi trường về lấy mẫu nước kiểm tra. Mỗi gia đình trong thôn tự lấy một chai nước mà họ đang sử dụng đem đến xét nghiệm. Kết quả khiến 2.400 nhân khẩu trong thôn phát hoảng: Cứ 10 nhà dùng nước giếng khơi thì có đến 7 nhà nước bị ô nhiễm. Đó là chưa kể dân Thọ Đa còn cẩn thận cho nước ấy lọc qua các bể lọc rồi mới sử dụng.

“Cái chết” được báo trước

Việc sử dụng hóa chất và thuốc BVTV là chuyện đương nhiên đối với sân gôn, TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Địa chất (Trường ĐH Mỏ - Địa chất) cho biết. Theo TS Lâm, cường độ sử dụng loại phân bón là đạm cao hơn 1 chút so với đất nông nghiệp thông thường. Nếu xét về hóa chất BVTV, kể cả 3 loại là hóa chất trừ cỏ, trừ sâu và trừ nấm thì cường độ sử dụng cho sân gôn cao hơn từ 5,5 đến 6 lần so với cho khu vực nông nghiệp.

Để có được một sân gôn luôn luôn có màu xanh của cây cỏ thì ba loại chất hóa học được coi là “bảo bối” mà các chủ sân gôn dùng là: Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos. Điều đáng nói là tại nhiều quốc gia thì 3 nhóm hoạt chất hóa học này đều nằm trong danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường và sức khỏe con người nên được khuyến cáo hạn chế sử dụng.

Các số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm một sân gôn 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất, trong đó có axit silic, ôxit nhôm và ôxit sắt (các tác nhân có tiềm năng gây ung thư). Chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ các hồ nhân tạo ở sân golf có sử dụng Acrylamide là một chất cực độc đối với sinh vật và con người.

Tất cả các loại hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm, chảy tràn khi mưa hoặc tưới sẽ đưa đến các vùng đất, nước mặt lân cận gây nên ô nhiễm môi trường do hóa chất, khiến người dùng nước, nông sản có thể bị nhiễm độc và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, khi phun hóa chất vào các thảm cỏ sân gôn một phần chúng phát tán vào môi trường không khí làm ô nhiễm không khí và nguy cơ tác động trực tiếp lên người chơi gôn và công nhân làm việc trên sân gôn là không thể tránh khỏi.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, với cường độ và tần suất sử dụng hóa chất BVTV đối với các thảm thực vật ở sân gôn, có thể dự đoán là những hóa chất này sẽ tích tụ ở môi trường đất và nước ở khu vực xung quanh. Một số hợp chất hữu cơ chứa asen dùng cho thuốc diệt cỏ dại và trừ nấm ở khu vực sân gôn đã tác động đến chất lượng nước ngầm.

Suốt ngày bị tra tấn bởi mùi thuốc sâu, không chịu nổi nên năm 2009, cử tri thôn Thọ Đa đã kiến nghị lên tận Bộ TN-MT. Cuối năm đó, một đoàn cán bộ liên ngành về kiểm tra nhưng chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” bởi sân gôn sử dụng loại thuốc gì, độc hại đến mức nào thì người dân chẳng thấy ai trả lời cho họ biết cả. “Trong khi đoàn kiểm tra chưa có kết quả thì đầu năm 2010 sân gôn Vân Trì được tổ chức gì đấy của thế giới cấp chứng chỉ ISO 2001 hay 9001 về tiêu chuẩn môi trường của thế giới”, trưởng thôn Thọ Đa Lê Huy Hội bức xúc.

Theo kết quả khảo sát của TS Lâm tại một số sân gôn ở miền Bắc, hàm lượng asen trong nhiều mẫu nước ngầm cao hơn tiêu chuẩn của Mỹ đến hơn 8 lần, còn chì cao hơn đến hơn 5 lần. “Riêng đối với asen, các loại hóa chất BVTV chứa asen khi đi vào môi trường sẽ chuyển sang trạng thái độc hơn so với bình thường. Đây là những tác nhân gây bệnh cho con người”, TS Lâm phân tích.

Ngoài hóa chất, sân gôn cũng “tiêu tốn” một lượng nước sạch đáng kể. Tuy “bênh” sân gôn và vẫn tiếp tục quy hoạch thêm nhiều sân gôn nữa, nhưng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng thừa nhận, các dự án sân gôn hiện nay đang sử dụng một lượng nước rất lớn cho việc tưới, bảo dưỡng và duy trì mặt sân. Bình quân lượng nước sử dụng cho một sân gôn 18 lỗ là vào khoảng 5.000m3 nước mỗi ngày, tương đương nhu cầu sử dụng của khoảng 20.000 hộ gia đình.

Theo Thượng tá Phạm Mạnh Thông, Phó trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), với số lượng nước trên, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và ảnh hưởng xấu đến môi trường là điều thấy rõ. Ngoài ra việc phá rừng để triển khai dự án sân gôn đã tạo nên các lỗ hổng cho rừng phòng hộ đầu nguồn dẫn đến lũ lụt gia tăng.

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.