| Hotline: 0983.970.780

Agribank hỗ trợ nguồn vốn, phát triển đặc sản khô cá bổi Cà Mau

Thứ Hai 19/08/2024 , 19:02 (GMT+7)

Cà Mau Từ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank, nhiều hộ dân gắn bó với nghề làm khô cá bổi đặc sản ở Cà Mau có điều kiện kéo dài chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ.

Cá sặc bổi (hay còn gọi là cá bổi) sống nhiều ở các vùng bao quanh rừng U Minh hạ, tỉnh Cà Mau. Ngoài lượng cá trong tự nhiên, hiện nay cá bổi được nuôi thâm canh, nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời và U Minh. Kéo theo nghề làm khô cá bổi phát triển, giúp người dân gia tăng thu nhập kinh tế một cách ổn định.

Nghề làm khô cá bổi tạo ra thu nhập và việc làm ổn định cho nhiều hộ dân nông thôn ở Cà Mau. Ảnh: Minh Khương.

Nghề làm khô cá bổi tạo ra thu nhập và việc làm ổn định cho nhiều hộ dân nông thôn ở Cà Mau. Ảnh: Minh Khương.

Những bậc cao niên trong nghề cho biết, ngày trước, tới mùa thu hoạch cá đồng, ngoài lượng lớn cá được bán cho thương lái, người dân Cà Mau giữ lại một ít cá ngon để làm khô, mắm biếu, tặng cho người thân.

Dần dần khi được nhiều người ưa chuộng, các làng nghề làm khô nói chung và khô cá bổi nói riêng bắt đầu phát triển, phục vụ nhu cầu của thực khách gần xa. Khô cá bổi Cà Mau nổi tiếng ngon ngọt, thịt cá thơm dai.

Đến thăm gia đình ông Lê Minh Đức ở thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời. Gia đình ông có nhiều đời sống bằng nghề trồng lúa, nhưng thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Từ năm 2011, ông Đức quyết định chuyển toàn bộ hơn 17 công đất ruộng xây dựng 7 ao nuôi cá bổi. Mô hình này, chi phí ban đầu không lớn, nhưng để duy trì phải cần nguồn vốn đầu tư thức ăn cho cá. Trung bình, mỗi ngày, cá ăn 3 cử, kéo dài trong suốt 12 tháng.

Ngoài ra, để cá khỏe và mau lớn, hộ nuôi cũng phải thay nước thường xuyên, công việc này khá công phu và tốn chi phí. Ông Đức tính toán, trung bình 1 ao nuôi quy mô khoảng 2.500m2, sau 12 tháng nuôi, cho sản lượng khoảng 9 tấn.

Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau thăm mô hình nuôi cá bổi của ông Lê Minh Đức, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Minh Khương.

Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau thăm mô hình nuôi cá bổi của ông Lê Minh Đức, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Minh Khương.

Với giá bán từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, hộ nuôi lãi khoảng 20%, cao gấp nhiều lần so với thu nhập từ cây lúa.

Tuy nhiên, khác với những nông hộ khác, ông Đức không bán cá tươi tại ao, mà sử dụng toàn bộ lượng cá thu để làm khô. Ngoài ra, ông còn liên kết với 6-7 hộ nuôi khác, vừa cung cấp thức ăn cho cá, vừa thu mua toàn bộ sản lượng cá cho bà con.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết thêm, kỹ thuật nuôi cá bổi là môi trường ao nuôi tương tự ngoài tự nhiên. Thời điểm gần thu hoạch, hộ nuôi cắt giảm bớt thức ăn để cá không có lượng mở dư thừa. Từ đó, tạo nguồn nguyên liệu tốt, khô cá bổi sản xuất ra không bị dầu nhiều, ngon và bảo quản được lâu.

Hiện nay, khô cá bổi Ba Đức được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định của nhãn hiệu tập thể Khô cá bổi U Minh. Đặc biệt, năm 2021, khô cá bổi Ba Đức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Việc kéo dài chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm khô cá bổi đã giúp thu nhập của gia đình ông Đức tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, đến mùa thu hoạch cá và làm khô, cơ sở của ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương. Ngoài nuôi cá, làm khô, ông còn kinh doanh thức ăn cho cá.

Nhãn hiệu khô cá bổi Ba Đức đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Khương.

Nhãn hiệu khô cá bổi Ba Đức đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Khương.

Để thực hiện được toàn bộ kế hoạch từ nuôi trồng, chế biến, phân phối ra thị trường sản phẩm khô cá bổi như hôm nay, ông Đức luôn trân trọng sự đồng hành của Agribank.

Theo ông, lãi suất cho vay của Agribank thấp hơn so với một số ngân hàng khác, nhờ đó gia đình có thêm vốn, việc làm ăn thuận lợi hơn.

Với sứ mệnh đồng hành và phát triển cùng “tam nông”, thời gian qua, nguồn vốn của Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau luôn tập trung, ưu tiên cho lĩnh vực này. Hiện tổng dư nợ của chi nhánh đạt gần 17.800 tỷ đồng, với 60.202 khách hàng, tỷ trọng cho vay chiếm gần 90%.

Đặc biệt, mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, nhưng Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau luôn ưu tiên lãi suất cho vay lĩnh vực “tam nông” thấp hơn từ 4-4,5%/năm.

Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 330 cơ sở làm khô cá bổi. Sự đồng hành của Agribank đã giúp bà con nơi đây có điều kiện ăn nên làm ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và giới thiệu quảng bá văn hóa ẩm thực vùng đất cực Nam của Tổ quốc.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.