| Hotline: 0983.970.780

Dòng vốn Agribank hòa cùng khát vọng vùng đất "chín rồng"

Agribank tiên phong cho vay phát triển chuỗi liên kết

Thứ Ba 16/08/2022 , 08:15 (GMT+7)

BẾN TRE Năm 2022, Agribank Bến Tre dành 500 tỷ đồng cho vay các chuỗi liên kết (dừa, tôm, lúa, bò) với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bến Tre trong cuộc trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Phúc.

Khu vực "tam nông" chiếm gần 95%/tổng dư nợ cho vay

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Agribank Bến Tre đã triển khai các giải pháp gì để đồng hành cùng bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế bền vững, thưa ông?

Có thể nói, Bến Tre là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Bởi vậy, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được Agribank Bến Tre ưu tiên tập trung thông qua việc cho vay với lãi suất thấp nhất trong từng thời kỳ cùng với nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên khác. Tỷ trọng dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh hiện nay chiếm gần 95%/tổng dư nợ cho vay.

Bám sát vào mục tiêu, định hướng của tỉnh, Chi nhánh đã nghiên cứu, triển khai các trương trình trọng điểm, đó là: Chương trình cho vay qua tổ, Chương trình cho vay qua chuỗi liên kết, Chương trình cho vay Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; Chương trình cho vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Để góp phần xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng giàu đẹp, chúng tôi chủ động đề xuất với Agribank và cấp ủy, chính quyền địa phương cho Agribank Bến Tre được tiên phong thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao với 2 nội dung mang tính đột phá: Cho vay ứng trước vốn ngân sách để xây dựng các công trình cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn và cho vay chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Đến nay, dư nợ cho vay của chương trình này đạt gần 4.600 tỷ đồng, trong đó riêng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tuy mới triển khai từ đầu năm 2022 nhưng dư nợ đến nay đạt 150 tỷ đồng. Thông qua đây, dần dần chúng tôi sẽ nghiên cứu nâng cấp sản phẩm để cho vay HTX.

Cán bộ Agribank Bến Tre thăm vườn bưởi da xanh của ông Đàm Văn Long (bên trái) ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Phúc.

Cán bộ Agribank Bến Tre thăm vườn bưởi da xanh của ông Đàm Văn Long (bên trái) ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Phúc.

"Chúng tôi cũng thực hiện cho vay theo tổ vay vốn thông qua 2 hệ thống tổ chức của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ. Thực tế triển khai cho thấy, hai Hội này đã góp phần rất quan trọng trong việc chuyển tải vốn của Agribank đến tay khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả, đạt dư nợ trên 6.000 tỷ đồng với hơn 1.100 tổ đang hoạt động. Những kết quả này được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất tốt". 

(Ông Vũ Hồng Dụ).

Ưu đãi tín dụng cho 4.000ha nuôi tôm

Agribank Bến Tre cũng là đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện Chương trình cho vay theo chuỗi liên kết. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà Chi nhánh đã đạt được đến thời điểm này?

Đối với chương trình cho vay theo chuỗi liên kết, đến nay, Agribank Bến Tre đã ký kết được 11 chuỗi liên kết (dừa, lúa, bò), dư nợ gần 160 tỷ đồng với sự tham gia của 84 hộ nông dân, 3 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp đầu mối.

Bên cạnh đó, Agribank Bến Tre đang triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có dự án nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm nằm trong vùng dự kiến quy hoạch 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao theo Kế hoạch số 3004 ngày 01/6/2021 của UBND tỉnh Bến Tre. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng thuộc đối tượng trên thấp hơn 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường hiện hành tại Chi nhánh. Dư nợ cho vay nuôi tôm công nghệ cao hiện nay đạt hơn 80 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dư nợ cho vay theo chuỗi liên kết sẽ đạt 500 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã triển khai được hơn 200 tỷ đồng và chắc chắn sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Có thể nói, các chương trình, chính sách tín dụng hiện nay của Agribank Bến Tre đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực truyền tải vốn tín dụng của Agribank đến khách hàng; thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển và hoàn thiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực hoạt động thực chất, hiệu quả, góp phần gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của Bến Tre trong tiến trình hội nhập.

Tổng số tiền lãi Agribank Bến Tre đã giảm cho khách hàng qua việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi và thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 là 93 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phúc.

Tổng số tiền lãi Agribank Bến Tre đã giảm cho khách hàng qua việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi và thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 là 93 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phúc.

Cùng khách hàng "vượt bão Covid"

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị ảnh hưởng. Vậy Agribank Chi nhánh tỉnh đã có những giải pháp gì để giúp bà con có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh?

Trước hết, chúng tôi thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như Agribank trong thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí, lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, Agribank Bến Tre đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1.586 khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 462 tỷ đồng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đối với 42 khách hàng với tổng giá trị nợ được miễn, giảm 77 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất kinh doanh cho 9.024 lượt khách hàng, tổng doanh số cho vay hơn 3.100 tỷ đồng.

Đặc biệt, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng qua việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi và thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 là 93 tỷ đồng. Tổng số tiền miễn, giảm phí dịch vụ để thực hiện chính sách khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn trong năm 2021 là 8,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp lớn trong ngành dừa, thủy sản, nông nghiệp… có mối quan hệ lâu năm, uy tín, Agribank Bến Tre áp dụng lãi suất cho vay giảm 0,5% so với lãi suất thông báo thông thường nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, còn hỗ trợ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình sản xuất hoặc bán hàng, xuất khẩu hàng hóa.

Các chính sách hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng Covid-19 được triển khai thực chất và có hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, qua đó khẳng định vai trò tiên phong của Agribank trong việc đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng hành với công tác an sinh xã hội

"Song song với hoạt động kinh doanh, Agribank Bến Tre luôn đồng hành với địa phương trong thực hiện công tác an sinh xã hội trong 10 năm qua với số tiền khoảng trên 60 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Agribank Bến Tre cũng đã dành trên 8 tỷ đồng, là đơn vị đi đầu cùng với địa phương đồng hành trong chương trình phòng, chống Covid-19.

Điều đặc biệt của Agribank Bến Tre là chúng tôi đã vận động được toàn bộ khách hàng và cán bộ nhân viên không nhận tiền bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động với số tiền trên 1 tỷ đồng trực tiếp ủng hộ cho Mặt trận Tổ quốc để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện 2 chương trình rất lớn là xây nhà tình nghĩa, tình thương đối với địa bàn. 6 tháng đàu năm 2022, chúng tôi thực hiện được hơn 2,6 tỷ đồng, và năm ngoái đã thực hiện xây dựng 40 – 50 căn nhà tình nghĩa, tình thương, đồng thời mua xe cứu thương ủng hộ cho bệnh viện thực hiện công tác cấp cứu cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiên trong việc góp phần cùng Bảo hiểm xã hội triển khai gói 500 triệu đồng ủng hộ học sinh cận nghèo mua bảo hiểm y tế. Ngoài ra, chúng tôi làm tốt công tác an sinh xã hội ủng hộ cho bà con nghèo ăn Tết....". 

(Ông Vũ Hồng Dụ).

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất