| Hotline: 0983.970.780

Ai 'bật đèn xanh' cho người dân nuôi hàu trái phép tại Cửa Hội?

Thứ Hai 15/04/2024 , 06:30 (GMT+7)

HÀ TĨNH Dù chưa được cấp phép nhưng người dân đã kết 2 bè, thả nuôi hàu trên Cửa Hội (vùng cửa sông Lam), huyện Nghi Xuân từ cách đây hơn 3 tháng.

Nuôi trước, xây dựng đề tài sau

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được phản ánh của người dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), trên khu vực cửa sông Lam, đoạn cầu Cửa Hội xuất hiện 2 bè nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện. Hành vi này không chỉ trái quy định pháp luật mà còn vi phạm an toàn khu vực biên giới biển, đe dọa an toàn hành lang, dòng chảy đường thủy nội địa, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ.

Các bè nuôi hàu tại Cửa Hội, huyện Nghi Xuân chưa có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào nhưng hộ dân đã thả giống nuôi trồng hơn 3 tháng. Ảnh: Thanh Nga.

Các bè nuôi hàu tại Cửa Hội, huyện Nghi Xuân chưa có bất kỳ hồ sơ pháp lý nào nhưng hộ dân đã thả giống nuôi trồng hơn 3 tháng. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ghi nhận, thời gian gần đây nhiều công nhân được huy động vận chuyển vật liệu bằng thuyền ra khu vực bè nuôi hàu để sản xuất. Bè được đan, thả trên khu vực cửa sông Lam, cách bờ khoảng 400 - 500m. Xung quanh bè, tàu thuyền của ngư dân muốn di chuyển phải điều khiển ra giữa dòng chảy để lách qua bè nuôi hàu, gây nguy hiểm.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết, hiện có 2 bè đã thả giống cách đây hơn 3 tháng. Một bè khoảng 800m2, một bè 400 - 500m2. “Bè bên phải diện tích khoảng 800m2 do ông Nguyễn Văn Thơm, người Quảng Ninh đầu tư (đứng tên đề tài một người dân xã Xuân Hội); bè bên trái khoảng 400 - 500m2 do ông Lê Quang Trung, thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội (theo tìm hiểu hộ dân này người huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - PV) đầu tư. Cả hai hộ dân này đều nuôi thử nghiệm, chưa được cấp phép”, ông Thành nói.

Theo ông Thành lý giải, huyện Nghi Xuân đã cho chủ trương bằng miệng với nhau và chưa có hồ sơ pháp lý cho thuê đất, diện tích mặt nước. Huyện làm như vậy là tạo điều kiện cho người dân làm thí điểm xem nuôi hàu trên sông có hợp hay không.

Đề tài nuôi hàu Cửa Hội xây dựng nhằm mục đích tạo điều kiện cho người địa phương phát triển kinh tế song thực tế người thực hiện là công dân các tỉnh khác. Ảnh: Thanh Nga.

Đề tài nuôi hàu Cửa Hội xây dựng nhằm mục đích tạo điều kiện cho người địa phương phát triển kinh tế song thực tế người thực hiện là công dân các tỉnh khác. Ảnh: Thanh Nga.

“Thực ra mà nói đúng thì chưa đúng quy trình. Đây là đang tạo điều kiện cho công dân phát triển kinh tế thôi”, ông Nguyễn Anh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội thừa nhận.

Mặc dù lý giải tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, song sau đó chính lãnh đạo xã này lại nhấn mạnh: “Tiền đầu tư là của ông người Quảng Ninh và ông Nghi Lộc, Nghệ An còn người địa phương ở đây chỉ đứng tên thủ tục thôi, vì đề tài bắt buộc phải là người địa phương mới được hưởng hỗ trợ”.

Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc “núp bóng” đề tài khảo nghiệm để thụ hưởng chính sách và kết quả cuối cùng của đề tài này có thực sự vì “miếng cơm manh áo”, giúp người dân địa phương tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế?!.

Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn

Một nghịch lý khiến dư luận bức xúc trong việc triển khai đề tài nuôi hàu trên Cửa Hội là huyện Nghi Xuân đã phớt lờ các quy định về quy hoạch vùng Nuôi trồng thủy sản; tham vấn cơ quan chức năng liên quan nhằm đánh giá an toàn đường thủy và an ninh trật tự, xã hội khu vực biên giới cửa sông, cửa biển.

Bè nuôi hàu đặt gần giữa dòng chảy sông Lam tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đường thủy. Ảnh: Thanh Nga. 

Bè nuôi hàu đặt gần giữa dòng chảy sông Lam tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đường thủy. Ảnh: Thanh Nga. 

Đề tài này nuôi hàu tại Cửa Hội có 2 hộ dân đứng tên, gồm: Ông Hoàng Văn Tiến và ông Lê Quang Trung, đều trú thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Quy mô 810m2/mô hình. Tổng kinh phí đầu tư hơn 515 triệu đồng/hộ; trong đó nguồn ngân sách huyện hỗ trợ hơn 74 triệu đồng/hộ; số còn lại do chủ mô hình đóng góp.

Một cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn, huyện Nghi Xuân khẳng định, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực biên giới biển nhưng không được mời họp về chủ trương nuôi hàu ở Cửa Hội. Bản thân anh cũng không đồng thuận việc nuôi hàu này, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến luồng lạch.

“Xã, huyện cho họ làm thí điểm để phát triển kinh tế xã hội nhưng làm gì cũng phải có quy hoạch, thậm chí nuôi hàu này thẩm quyền phê duyệt là Chủ tịch tỉnh”, vị cán bộ nói.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trịnh Quang Luật, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân thừa nhận, khu vực nuôi hàu tại Cửa Hội chưa có quy hoạch, chưa được cấp phép, đề tài cũng đang dự thảo mà thôi.

PV hỏi, mô hình chưa đảm bảo hồ sơ pháp lý mà hộ dân đã thả giống hơn 3 tháng cơ quan chuyên môn nắm được hay không, phương án giải quyết vi phạm như thế nào?, ông Luật viện đủ lý do đang làm thí điểm, “muốn phê duyệt phải đầy đủ pháp lý mà giờ đang bí đó” rồi chốt lại “không có hướng xử lý nào”!.

Các cơ quan chức năng liên quan chưa nhận được bất kỳ ý kiến tham vấn nào của huyện Nghi Xuân về việc đảm bảo an toàn trên sông Lam từ hoạt động nuôi hàu. Ảnh: Thanh Nga.

Các cơ quan chức năng liên quan chưa nhận được bất kỳ ý kiến tham vấn nào của huyện Nghi Xuân về việc đảm bảo an toàn trên sông Lam từ hoạt động nuôi hàu. Ảnh: Thanh Nga.

Theo thuyết minh đề tài, dự toán mô hình nuôi hàu cửa sông tại xã Xuân Hội do Trung tâm ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Nghi Xuân xây dựng, đề tài này mới “thai nghén” trong tháng 3/2024 và thời gian bắt đầu triển khai phải đến tháng 6/2024. Tuy nhiên, cách làm “tiền trảm hậu tấu” của các hộ dân và sự phớt lờ quy định trong công tác tham mưu thực hiện theo đúng quy định pháp luật của phòng ban huyên môn huyện Nghi Xuân đang tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.