| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn Liên Xô tại nóc nhà Đông Bắc

Ai chưa biết chủ nghĩa xã hội là gì thì lên mỏ Tĩnh Túc

Thứ Hai 17/01/2022 , 08:52 (GMT+7)

Ai chưa biết xã hội chủ nghĩa là gì thì lên mỏ Tĩnh Túc. Thời bao cấp, nơi đây điện có suốt ngày đêm, thịt cá đầy đủ, trẻ em có kem ăn hàng ngày.

Bảy thập kỷ đã qua, các thế hệ thợ mỏ vẫn nhắc mãi về kỷ niệm và tình hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Tùng Đinh.

Bảy thập kỷ đã qua, các thế hệ thợ mỏ vẫn nhắc mãi về kỷ niệm và tình hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Tùng Đinh.

Thiên đường

5h sáng, ông Võ Đình Minh thức dậy khi mây mù còn giăng mờ ảo trước sân nhà. Người đàn ông sinh năm 1959 này thuộc thế hệ vàng của mỏ thiếc Tĩnh Túc, dấu ấn đậm nét của tình hữu nghị Việt - Xô ở tỉnh Cao Bằng.

Cựu công nhân thuộc xưởng cơ khí của Mỏ thiếc Tĩnh Túc nay đã nghỉ hưu. Thể lực thiên phú cùng những kỹ năng lái xe, sửa chữa, do chuyên gia Liên Xô đào tạo từ thập niên 70 thế kỷ trước, giúp ông vẫn dư sức vần vô lăng chiếc xe tải 2 tấn ngược xuôi giao hàng khắp các con dốc thị trấn Tĩnh Túc.

“Ngày xưa dậy muộn hơn. Ở nhà tập thể, đi bộ vài chục mét ra đến sân. Tầm 7h30 có xe của mỏ đón ra tận xưởng làm. Trưa xe đón ngược ra nhà ăn của mỏ. Chiều xe chở về sân tập thể”, ông Minh kể.

Tên gọi Tĩnh Túc vốn được đọc trại đi từ Thin Tốc trong tiếng Tày, nghĩa là đá rơi. Từ UBND huyện Tĩnh Túc, đi vào thị trấn, phải qua hàng chục km dốc quanh co, trơn trượt. Tên gọi Thin Tốc bắt nguồn từ đó.

Ông Võ Đình Minh say sưa kể lại những ký ức vàng son một thời của Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Võ Đình Minh say sưa kể lại những ký ức vàng son một thời của Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Ảnh: Tùng Đinh.

Cụ Võ Đình Khôi, cha ruột ông Minh, vốn là người xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cụ là cán bộ tỉnh Quảng Ngãi, tập kết ra Bắc rồi được Nhà nước phân công về làm Trưởng phòng Đời sống của Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Tại đây, ông Khôi nên duyên với bà Đinh Thị Tốt, người Tày bản địa, rồi gắn bó với mỏ thiếc cho đến hơi thở cuối cùng.

Ông Minh cùng các anh em của mình, sau này đều nối bước cụ Khôi làm trong mỏ. Trước khi vào mỏ học việc năm 1976, ông Minh cùng các bạn bè đồng trang lứa được coi là “ở thiên đường”.

Cơm ăn ba bữa, có thịt cá, điện thắp sáng cả ngày. Thời kháng chiến chống Mỹ, đó là điều xa xỉ. Thậm chí, mỏ còn có cả nhà máy làm kem, đủ cung ứng cho gia đình công nhân và cả các xã kế cận thị trấn Tĩnh Túc. Tôm cá mỗi tháng 4 lần chở từ Hải Phòng lên. Thế hệ ông Minh, đa phần có sức khỏe tốt, cũng bởi được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ.

Không phải vô cớ mà thị trấn Tĩnh Túc khi đó trực thuộc tỉnh Cao Bằng, chứ không thuộc huyện Nguyên Bình. “Ai chưa biết Xã hội chủ nghĩa là gì thì lên mỏ Tĩnh Túc sẽ biết”, ông Nông Đức Sóc, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp của Cao Bằng, thập niên 60, từng tự hào nói vậy. Hàng nghìn công nhân, kỹ sư từng lao động ở mỏ ngày ấy, đến giờ vẫn kể về điều đó với vẻ tự hào.

Sa bàn mô phỏng lại những công trình của mỏ thiếc những ngày đầu thành lập. Ảnh: Tùng Đinh.

Sa bàn mô phỏng lại những công trình của mỏ thiếc những ngày đầu thành lập. Ảnh: Tùng Đinh.

Dấu ấn Liên Xô

Ở mỏ thiếc Tĩnh Túc, cứ cái gì chắc, bền, người ta đều hay bảo nhau: “Của Liên Xô đấy”. Liên Xô dường như là chuẩn mực về sự bền vững.

Trên Quốc lộ 34, có một điểm cao nhìn bao quát toàn bộ mỏ. Nơi này vẫn còn một số mố bê tông từ thời trước, dùng băng tải bằng dây cáp cao hàng chục mét, chuyển đất từ mỏ ra bãi phế thải. Trụ bê tông làm chân cáp, qua 70 năm vẫn hiên ngang bất chấp sương gió.

Một số người dân còn dựng nhà trên một phần trụ. Dây cáp, cột tháp treo, đều đã được dỡ ra. Móng bê tông còn đó, vì nó quá chắc chắn, máy khoan cắt ở Tĩnh Túc ngày nay “chào thua” công nghệ thế kỷ trước.

Dãy nhà tập thể gắn với dòng chữ “Công trình thanh niên dâng Đảng” được xây dựng từ năm 1976 nay vẫn sử dụng bình thường. Đây là công trình kết hợp giữa sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô và kỹ sư, công nhân mỏ. Ít nhất 4 thế hệ người làm mỏ đã gắn với nơi này. Ông Minh là thế hệ thứ 3.

Dãy nhà tập thể với tấm biển 'Công trình thanh niên dâng Đảng' ở thị trấn Tĩnh Túc. Ảnh: Công Hải.

Dãy nhà tập thể với tấm biển "Công trình thanh niên dâng Đảng" ở thị trấn Tĩnh Túc. Ảnh: Công Hải.

Thời của cụ Võ Đình Khôi, cha ông Minh, được coi là thế hệ thứ nhất. Tháng 10/1955, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Mỏ thiếc Tĩnh Túc được thành lập, ông Khôi là một trong những cán bộ có mặt từ ngày đầu tiên.

Đúng một năm sau, Xí nghiệp sản xuất Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khánh thành và đi vào hoạt động. Mỏ thiếc Tĩnh Túc chính là “đứa con đầu lòng” và đặt nền móng cho ngành khai khoáng kim loại màu Việt Nam. Công trình khi đó có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, góp phần thắt chặt tinh thần hữu nghị Việt - Xô. Đến nay, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, người ta vẫn quen gọi là Mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Thời ông Khôi và các công nhân mỏ lão thành, Liên Xô đã giúp mỏ xây dựng một dãy nhà tập thể 3 tầng, đến nay còn sử dụng được một phần ở tầng 1.

Trường Trung học Phổ thông Tĩnh Túc hiện tại, được xây trên nền của Câu lạc bộ Mỏ - niềm tự hào của công nhân thời ấy. Thiết kế vòm, sàn, được coi là không thua gì Nhà hát lớn tại Hà Nội, cho chất lượng âm thanh gần như hoàn hảo. Đó là nơi công nhân mỏ vẫn hội họp, văn nghệ. Ngày nay, dấu ấn của Câu lạc bộ Mỏ chỉ còn các bậc thang lên xuống. Rêu phong ít nhiều đã phủ lên, song độ chắc chắn vẫn còn gần như xưa.

Ông Minh dẫn những người muốn tìm hiểu về mỏ đến thăm một nhà tập thể từ thời Liên Xô nay không còn được sử dụng nữa. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Minh dẫn những người muốn tìm hiểu về mỏ đến thăm một nhà tập thể từ thời Liên Xô nay không còn được sử dụng nữa. Ảnh: Tùng Đinh.

Mang bao tải tiền đi mua sắm

Ký ức của ông Minh về thời hoàng kim ở Tĩnh Túc là những lần thấy cụ Khôi cùng cộng sự mang bao tải tiền đi mua sắm đồ ăn, vật dụng cho công nhân mỏ.

“Lúc ấy ba tôi cùng các bác, các chú cùng phòng cứ thi thoảng lại xuống Hà Nội, Hải Phòng mua sắm đồ mang về mỏ. Thịt, cá, trứng, sữa, thuốc lá đều xuống hai nơi ấy mua. Ngoài việc trực tiếp lao động ở mỏ, lại phải chăm lo đời sống nữa, nên nhiều khi vội quá, ba tôi nói với kế toán mỏ gom hết tiền thành bao tải rồi mọi người lên xe đi”, ông Minh kể.

Theo tài liệu của Đảng bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc, năm mỏ đạt sản lượng cao nhất là 1962, với tổng số 619 tấn quặng thiếc khai thác được. Đến năm 1967 là thời điểm số lượng công nhân của mỏ đạt đỉnh với tổng số 3.000 người. Để phục vụ cho từng đó công nhân, lực lượng chăm lo đời sống phải lên đến hàng chục người, chưa kể những người phải đi học để nấu ăn, phục vụ riêng cho các chuyên gia Liên Xô.

Trong ký ức của ông Minh và lớp cán bộ, công nhân kỳ cựu đất mỏ, chưa bao giờ cụ Khôi cùng cộng sự làm hao hụt của công một xu, một hào nào. “Không ai dám động vào một xu tiền của Nhà nước. Cụ Khôi cẩn thận lắm, dù mang bao tải tiền đi, nhưng thu chi thế nào đều phải có cụ ấy và tôi, cùng kế toán chứng kiến, ký tá đủ cả với bên mậu dịch dưới Hà Nội, Hải Phòng”, cụ Nông Văn Phương, sinh năm 1933, móm mém kể.

Tai đã lãng, nhưng giọng vẫn còn sang sảng, cụ Phương hào hứng kể về những năm 90 thế kỷ 20, khi thế hệ cụ về hưu. Khi ấy, lương hưu phát 2 - 3 ngày mới hết. Các công nhân như cụ Phương đôi khi xếp hàng dài dằng dặc gần cây số.

Ngồi bên cạnh, cụ bà Hà Thị Tháo, sinh năm 1937, kể: “Lúc ấy tôi cũng làm cấp dưới của cụ Khôi. Từ ngày mỏ bắt đầu hoạt động, ở nhà tranh vách nứa, đến khi có cơ khí, chưa thấy cụ Khôi kêu than hay nghỉ ngày nào. Thời những năm 1960, cứ 2 - 3 ngày là nhà ăn tập thể phục vụ 900 công nhân lại dùng hết 1 xe tải gạo, 1 xe tải bí. Mỗi tháng hết 4 xe cá chở từ Hải Phòng lên”.

Vợ chồng ông Nông Văn Phương và bà Hà Thị Tháo kể lại chuyện mỏ. Ảnh: Tùng Đinh.

Vợ chồng ông Nông Văn Phương và bà Hà Thị Tháo kể lại chuyện mỏ. Ảnh: Tùng Đinh.

Là con trai của Trưởng phòng Đời sống, song ông Minh chưa từng có đặc quyền gì. “Xớ rớ lại gần bao tải tiền hay làm gì không phải là cụ quật gãy tay”, cựu công nhân mỏ nay đã ngoài 60 tuổi, kể lại.

Trẻ con thì cũng nhiều lúc nghịch ngợm, quấy khóc. Song những trận đòn roi, không làm ông Minh nhớ bằng lần xin tiền mua kem nhưng lén đi mua bi ve chơi, bị cụ Khôi “bắt sống” tại trận. “Ba tôi không đánh, chỉ nói rằng tôi sướng hơn anh em họ hàng trong Quảng Ngãi, đang bị địch tra tấn, tù đày. Ba tôi nói nhà mình đi theo Đảng, không phải để con làm những việc càn quấy”, ông Minh nói. Từ ngày ấy, không bao giờ cụ Khôi phải to tiếng nhắc con trai trưởng nữa.

Những ký ức về một thời vàng son của Mỏ thiếc Tĩnh Túc của ông Minh tạm dừng khi có tiếng chuông điện thoại. Đó là cuộc hẹn gặp thường niên của các cựu chiến binh thị trấn Tĩnh Túc. Xung phong phục vụ trong quân ngũ từ 1983 - 1986, dù hơn 30 năm nhưng ông Minh vẫn duy trì được tác phong quân đội của mình.

Đúng giờ hẹn, người cựu chiến binh khoác lên mình bộ quân phục, không quên soi gương chỉnh đốn cho đúng điều lệnh trước khi ra khỏi nhà. Bộ quần áo dù đã ngả màu thời gian nhưng vẫn được ông Minh gấp phẳng phiu, đặt sẵn lên ghế từ sớm.

Trong gian nhà nhỏ này, ngoài bộ quân phục của ông Minh còn có những Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng của ông Khôi và 75 năm tuổi Đảng của bà Tốt. Đó là những dấu ấn không thể phai mờ của những người đã dành thanh xuân cho mỏ và sẵn sàng cầm súng khi đất nước lâm nguy.

Sổ lao động của bà Hà Thị Tháo khi vào làm việc trong mỏ. Ảnh: Tùng Đinh.

Sổ lao động của bà Hà Thị Tháo khi vào làm việc trong mỏ. Ảnh: Tùng Đinh.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc có nhiều khoáng sản quý hiếm, như vàng, bạc, thiếc, vonfram, măng gan, kim loại phóng xạ, urani...

Năm 1950, quân Pháp rút chạy khỏi Cao Bằng, toàn tỉnh được giải phóng. Cao Bằng thành lập Xí nghiệp quản lý Mỏ với 56 công nhân. Đến tháng 9/1955, đã có 1.100 công nhân, tổ chức khai thác thủ công, xuất khẩu được 206kg thiếc, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô cùng những nỗ lực của công nhân, cán bộ, kỹ thuật, ngày 25/10/1955, Mỏ thiếc Tĩnh Túc được khởi công xây dựng, cải tạo lại các cơ sở, hầm mỏ sản xuất, xây dựng đội ngũ công nhân…

Ngày 6/10/1956, Mỏ thiếc Tĩnh Túc chính thức khánh thành. Sau một thời gian mỏ đã khai thác được gần 23 tấn thiếc thỏi, là thắng lợi bước đầu đối với giai cấp công nhân mỏ lần đầu tiên làm chủ nhà máy và sản xuất bằng dây chuyền máy móc hiện đại.

Ngày 15/9/1958, sau 2 năm đi vào hoạt động, mỏ thiếc Tĩnh Túc vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc (lúc đó mỏ có 2.000 công nhân, 150 đảng viên). Bác mặc bộ quần áo giản dị, chân đi dép cao su, Bác đi thăm nơi ăn, ở, khu khai mỏ, nhà máy sàng, xưởng ô tô, xưởng cơ khí...

Đến đâu Bác cũng ân cần hỏi điều kiện làm việc, đời sống của công nhân. Người khen ngợi anh em công nhân mỏ đã có nhiều cố gắng, nhất là công nhân sửa chữa goòng đã có sáng kiến tiện bánh xe tàu điện không phải gửi về Hà Nội sửa chữa. Người ân cần nhắc nhở việc kỷ cương lao động còn lỏng lẻo, thiếu ý thức tôn trọng của công. Bác dặn dò cán bộ, công nhân phải đoàn kết, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ quản lý, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Bác mong muốn “Món quà quý nhất là các cô, các chú sẽ biếu Bác là hoàn toàn vượt mức kế hoạch”.

Sau ngày Bác Hồ về thăm, Mỏ thiếc Tĩnh Túc có nhiều chuyển biến mới. Thực hiện theo lời Bác dặn, cán bộ, công nhân mỏ nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, dấy lên các phong trào thi đua, từ đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất. Mỏ sản xuất được 120 tấn thiếc, vượt mức kế hoạch 20 tấn thiếc, hoàn thành kế hoạch năm 1958 trước 60 ngày.

Theo nguyện vọng của toàn thể cán bộ công nhân viên, ngày 20/8/2008, Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có Quyết định số 1940/QĐ-HĐQT, lấy ngày 15/9 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Khoáng sản; đồng thời Hội đồng quản trị Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin có Nghị quyết số 1416/NQ-HĐQT, ngày 10/9/2008 lấy ngày 15/9 hằng năm là ngày truyền thống của đơn vị.

Trước đó, tháng 7/2006, Bộ Công nghiệp đã ký quyết định cổ phần hóa, thành lập Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin.

Đến năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập, công ty đã khánh thành quần thể công trình khu “Lịch sử - Truyền thống - Văn hóa” gồm tượng đài Bác Hồ và bức phù điêu Người về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc, để gìn giữ và phát huy truyền thống các thế hệ đi trước.

Ở quần thể này, đến nay chiếc bia hữu nghị Việt - Xô, ghi rõ "Mỏ thiếc Cao Bằng do Liên bang Xô Viết giúp đỡ xây dựng và trang bị máy móc sản xuất. Hoàn thành 6/10/1956. Tình hữu nghị Việt - Xô bền vững muôn năm" vẫn được dựng trang trọng ở phía trước của mỏ. Theo các nhân chứng, đây là tấm bia nguyên bản từ những năm 1950, dù đã di chuyển vài lần nhưng không hề thay đổi gì so với những ngày đầu.

Hàng chục năm qua, các thế hệ thợ mỏ luôn làm theo lời Bác, phát huy tinh thần công nhân cách mạng, trải qua những thăng trầm với nhiều khó khăn và thách thức, hàng nghìn tấn sản phẩm đã được những người thợ mỏ nơi đây làm ra, góp sức vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.