| Hotline: 0983.970.780

Ai cứu hành tím Vĩnh Châu?

Thứ Năm 21/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Cuộc giải cứu hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã thành công bằng “giải pháp tấm lòng”. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế và "điệp khúc giải cứu" không thể lặp lại hàng năm...

Để tránh tình trạng lượng hành tím ùn ứ trong dân do khó khăn tiêu thụ như 2 niên vụ vừa qua, tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch tổ chức lại SX trong các niên vụ sắp tới như giảm dần diện tích trồng hành ở mức độ hợp lý để đảm bảo cung cầu; xây dựng kế hoạch, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất Vĩnh Châu để thay thế hành tím.

Đồng thời, tỉnh hướng dẫn và vận động bà con tham gia vào việc SX theo hướng liên kết "4 nhà", thông qua SX theo mô hình kinh tế hợp tác, mở rộng diện tích SX theo tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hiện từ năm 2012) nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra, nâng cao giá trị nông sản nói chung, hành tím nói riêng.

Các biện pháp nêu trên là quan trọng và cần thiết nhưng có lẽ chưa đủ, chưa phải là giải pháp căn cơ và bền vững. Giải pháp cốt lõi là đầu tư nghiên cứu cho khâu bảo quản sau thu hoạch để có thể tồn trữ củ hành với thời gian lâu hơn, dễ áp dụng hơn đối với cả nông dân và doanh nghiệp.

Mỗi năm, hành tím Vĩnh Châu luôn khan hàng, sốt giá vào dịp giáp Tết Nguyên đán do thời điểm đó, vụ hành sớm chỉ trồng được trên gò đất cao với diện tích chưa đến 1.000 ha. Trong khi, hành chính vụ trồng sau tết có diện tích và năng suất cao nhất, với sản lượng lên đến gần 100 ngàn tấn.

Có đến hơn 70% sản lượng của vụ hành chính được XK sang Indonesia, Singapore, Malaysia... Do đó, khi không XK được thì lập tức hành tím bị ứ đọng và rớt giá thảm hại vì cung vượt cầu ở thị trường trong nước.

Trong điều kiện tồn trữ của nông dân hiện nay, sau 2 tháng tồn trữ tỷ lệ hao hụt khoảng 10%, tồn trữ trong 4 tháng tỷ lệ hao hụt tăng gấp đôi, lên đến 20% và chất lượng bị giảm đáng kể.

Nông dân trồng hành tím Vĩnh Châu đang "đặt hàng" các nhà khoa học tìm ra quy trình trọn gói từ SX đến bảo quản sau thu hoạch giúp tồn trữ hành với thời gian dài hơn và dễ áp dụng hơn. Đây là giải pháp căn cơ thay cho chiến dịch giải cứu “hành tím yêu thương” được thực hiện trong thời gian qua.

Do vậy, người trồng hành dễ bị bắt chẹt, có lỗ cũng phải chấp nhận bán chứ không thể neo hành trên ruộng hay tồn trữ trong nhà được. Đó là chưa kể áp lực nông dân phải bán hành để có tiền trang trải chi phí cho đại lý vật tư nông nghiệp, trả công thuê lao động.

Hành tím Vĩnh Châu trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP hiện chiếm khoảng 20% sản lượng. Tuy nhiên, ngay cả củ hành đạt tiêu chuẩn này cũng không được các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị trong nước ký hợp đồng bao tiêu lâu dài vì các đơn vị này cho rằng số lượng hành tím cung ứng và giá không ổn định.

Chính vụ thì sản lượng lớn, giá thấp; vụ hành sớm khan hàng, giá bán cao và có những thời điểm không có hành để cung cấp. Trong khi, hành tím của Trung Quốc giá ổn định, lúc nào cũng có đáp ứng đầy đủ. 

Vì vậy, dù rất muốn ủng hộ, mua hành tím trong nước nhưng các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị vẫn phải “nói không” vì sự không ổn định về số lượng cung ứng và giá cả gây khó khăn cho kinh doanh.

Kéo dài được thời gian tồn trữ từ 4 tháng trở lên, bảo đảm cung ứng với sản lượng và giá cả ổn định, hành tím Vĩnh Châu nói riêng, hành tím trong nước sẽ chiếm lĩnh được thị phần rất lớn ở thị trường nội địa.

Để tháo gỡ khó khăn trong khâu bảo quản sau thu hoạch, nhiều nghiên cứu đã được triển khai như đề tài “Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và thử nghiệm một số phương pháp bảo quản củ hành tím (Allium ascaloincum) Vĩnh Châu bằng phương pháp sử dụng chế phẩm Chitosan" của nhóm sinh viên ĐH Cần Thơ; đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây hành tím từ SX tới bảo quản sau thu hoạch tại Vĩnh Châu” của Viện Lúa ĐBSCL; mô hình mini sơ chế sấy và bảo quản, tồn trữ hành tím thương phẩm nhằm duy trì chất lượng và kéo dài thời gian tồn trữ để chờ giá của Cty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa (ĐH Bách khoa Hà Nội) thực hiện.

Tuy nhiên, các đề tài, mô hình trên đây chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn SX, nông dân và doanh nghiệp chưa chấp nhận do thời gian bảo quản không tốt quá 4 tháng, khó áp dụng đại trà.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.